Câu chuyện đầu tuần: Nỗi sợ của ông Miura

thứ hai 18-5-2015 21:53:52 +07:00 0 bình luận
Ông Miura đến Việt Nam chưa lâu nhưng khi ông nhúng tay vào thì cứ như người đi chống lại V.League. Đúng hơn là ông chống lại những gì chưa hoàn chỉnh ở V-League mà cầu thủ mang theo lên đội tuyển.

Miura

Khi ông Toshiya Miura đến Việt Nam và bắt tay vào việc, ông chỉ biết có mỗi thứ hạng chênh lệch giữa bóng đá Nhật với BĐVN và biết là Việt Nam có một cầu thủ khoác áo CLB Nhật nửa mùa thỉnh thoảng vẫn ra sân. Rồi ông bắt đầu làm quen từ những buổi thị sát các trận ở V.League. Có lần các phóng viên “chộp” được cảnh ông nhăn mặt khịt mũi bước ra từ nhà vệ sinh ở khu VIP sân Long An rồi lấy nước suối rửa tay. Đó không phải là bài “vỡ lòng” mà là điểm nhấn bắt đầu từ việc ông buộc phải thích nghi với BĐVN ở cả cái nơi tưởng chừng như không liên quan đến bóng đá.

Sau lần ông trả lời độc quyền đài truyền hình Nhật thì ở đất nước ông, nhiều người bắt đầu biết đến ông nhờ là một công dân Nhật làm HLV trưởng một ĐTQG. Bài phỏng vấn được xem là ông rất thật thà khi nói tất tần tật về thói quen và cả tật xấu ở Việt Nam trong đó bóng đá là một phần của xã hội.

Đọc bài phỏng vấn rất thật của ông, có người nói ông khó tồn tại lâu với BĐVN vì khác rất xa với những gì ông học bài bản để ứng dụng vào bóng đá. Cũng có người lại nói rằng các nhà thầu hay các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam họ cũng phải biết “sửa mình” để thích nghi thế nào thì ông rồi cũng thế và sẽ lại thích nghi nhanh thôi vì cùng người châu Á cả mà. Và quả là ông thích nghi nhanh thật. Nó cũng giống lần một nhóm phóng viên đài truyền hình mời ông đi đá “phủi”, sau đó ra quán bia hơi giao lưu và ông cũng “Suteki desu ne!” (tuyệt vời quá!).

Cái hay của ông thầy người Nhật là ông phải oằn mình “liệu cơm gắp mắm” trong điều kiện tốt nhất có thể từ những nguyên liệu chưa hoàn chỉnh để thành thực đơn tốt. Ông phát hiện cầu thủ Việt Nam chỉ chạy đến phút 65 và ông phải kéo dài thêm 25 phút bằng chiêu của mình trong mỗi lần tập trung. Điều mà ở Nhật nếu làm một đội bóng ông không phải nhúng tay nhiều vì nền tảng luôn sẵn có.

Ông cũng phải chống chọi với chấn thương liên tục trong mỗi lần tập trung vì nhồi khối lượng luyện tập để tăng sự chịu đựng. Ông chấp nhận cầu thủ tự đào thải nếu không qua nổi những bài tập để tăng sức đề kháng. Thậm chí ông cũng phải bực dọc với đội ngũ y tế ở các CLB rồi lên đến đội tuyển trong việc đảm bảo cho cầu thủ. Điều mà ông từng đề nghị đổi bác sĩ ở đội tuyển vì thiếu trách nhiệm, hiểu biết với các ca chấn thương và mới đây ông phải thú thật ở các CLB, cầu thủ nhiều khi cứ phải ra sân trong tình trạng vết thương chưa hồi phục, vì cần người hoặc vì kém hiểu biết trong y học thậm chí cũng là vì thành tích của đội mà bất chấp.

Cứ mỗi lần tập trung là ông phải đối đầu với nạn chấn thương và hụt người.

Có một nghịch lý là ông không cho cầu thủ mình đá giao hữu theo kiểu giữ chân vì muốn có thói quen ra sân là “chiến” để bù đắp cho nhiều khiếm khuyết từ mặt bằng giải chuyên nghiệp mà cầu thủ còn nhiễm nhiều thói quen đại khái.

Ông đến Việt Nam chưa lâu nhưng khi ông nhúng tay vào thì cứ như người đi chống lại V.League. Đúng hơn là ông chống lại những gì chưa hoàn chỉnh ở V-League mà cầu thủ mang theo lên đội tuyển.

Bây giờ thì ông bắt đầu ngấm với những áp lực từ SEA Games, từ cái giải ở vùng trũng Đông Nam Á mà trước đây chẳng bao giờ ông quan tâm. Bởi trước ông đã biết bao đời HLV hiểu BĐVN hơn ông nhưng đều “gãy” trước cổng chung kết.

Giờ ông phải che đi nỗi sợ để cùng các học trò chiến đấu với một mục tiêu nhẹ nhàng là vào bán kết nhưng sau đó thì ai cũng nghĩ đến vàng và phải là vàng.

NGUYỄN NGUYÊN

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm