Người xem bóng đá giờ đông hơn nhưng không phải ai cũng hiểu cặn kẽ Luật 12 (lỗi và hành vi khiếm nhã) trong Luật FIFA. Thế nên, mạng xã hội ngày càng có những cuộc tranh cãi về hành vi cầu thủ, nhất là là khi có đội tuyển Việt Nam thi đấu.
Bóng đá xấu xí tất nhiên là phải loại bỏ, nhất là những hành vi phản thể thao. Thật không dễ để phân biệt tính chất máu lửa với việc cố tình phạm lỗi với đối phương bởi ranh giới hai việc này mỏng manh như những sợi tóc.
5 năm trước, khi lứa U.19 của những Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh trình bày lối chơi hoa mĩ, đẹp mắt thì những pha phạm lỗi là điều tối kị. Trung vệ Hoàng Văn Khánh của SLNA trong trận đấu với U.19 Tottenham đã có pha phạm lỗi nguy hiểm khiến đối phương phải chống nạng. Khánh sau đó đã bị gạch tên không thương tiếc.
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã từng có một quyết định gây sốc là không muốn những cầu thủ do mình đào tạo bị “bầm dập” bởi những màn chặt chém ở V.League.
V.League đã thay đổi, cầu thủ đã thay đổi. Một cầu thủ từng bị phạt rất nặng bởi lối chơi thô bạo như Quế Ngọc Hải đã thay đổi để rồi trở thành một trong những cầu thủ hay nhất tại AFF Cup 2018.
Quế Ngọc Hải đã hoàn toàn thay đổi trong mắt NHM
Từ bóng đá nhìn ra xã hội có thể thấy, dù đội tuyển Việt Nam dưới quyền HLV Park Hang-seo đã thể hiện tinh thần, bản lĩnh và lối chơi fair-play hơn nhiều nhưng chuyện “chặt chém” ngoài xã hội vẫn chưa có cách nào cải thiện.
Mới đây, tại thành phố biển Nha Trang xảy ra vụ "chém đẹp" khách du lịch nước ngoài tới 9,2 triệu đồng (căn cứ trên hoá đơn được đưa lên mạng) cho một bữa ăn đạm bạc.
Hãy thử tưởng tượng một đĩa cà chua trứng có giá 500 ngàn đồng, một đĩa đậu bắp luộc có giá 300 ngàn đồng. Đó là chưa kể câu chuyện rửa xe dịp Tết tăng 600% (sáu trăm phần trăm), chuyện bát bún tăng gấp rưỡi, chuyện vé gửi xe tăng gấp đôi. Không thể có một xã hội văn minh nếu tồn tại tư duy chặt chém vô tội vạ.
Thống kê sau cho thấy, qua mấy ngày Tết, có tới hơn 4.000 vụ đánh nhau, chiếm gần 3% số ca nhập viện. Cũng không thể có một xã hội văn minh nếu luôn có những hành vi côn đồ, chà đạp lên đạo đức.
Có thể thấy rằng bóng đá không còn là chỗ “thấp hơn mặt bằng xã hội”, mà ở một số lĩnh vực, chính bóng đá, những cầu thủ đội tuyển Việt Nam đã trở thành tấm gương để xã hội soi vào.