Chuyện ăn mừng chiến công của U23 Việt Nam: Thế hệ vàng không thua kém

thứ tư 31-1-2018 14:25:54 +07:00 0 bình luận
Trước đây, bóng đá Việt Nam cũng từng chứng kiến cảnh tượng “tắc đường” hàng giờ đồng hồ. Từ đó, mở ra bước ngoặt cho bóng đá nước nhà.

Trước đây, bóng đá Việt Nam cũng từng chứng kiến cảnh tượng “tắc đường” hàng giờ đồng hồ. Từ đó, mở ra bước ngoặt cho bóng đá nước nhà.

Chỉ như Lào hay Campuchia

Bóng đá Việt Nam vừa sống trong những thời khắc hạnh phúc sau chiến tích vào đến chung kết U23 châu Á 2018 của Xuân Trường và đồng đội. Đây được xem là cú hích cho bóng đá nước nhà vươn tầm. Vấn đề là cơ hội sẽ được nắm lấy như thế nào. 

Những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến,...với tấm HCB lịch sử ở SEA Games 1995 đã mở ra trang mới cho bóng đá nước nhà. Ảnh: Internet
Những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến,...với tấm HCB lịch sử ở SEA Games 1995 đã mở ra trang mới cho bóng đá nước nhà. Ảnh: Internet

Lật lại quá khứ, bóng đá nước nhà cũng từng trải qua thời điểm mang tính bước ngoặt để vươn lên. Đó là chiếc HCB đầy bất ngờ của ĐT Việt Nam ở SEA Games 1995. Nói bất ngờ bởi trước đó, “ĐT Việt Nam đá SEA Games hay các giải quốc tế đều không có thứ hạng gì cả. Thành tích của chúng ta như Lào, Campuchia hay Brunei hiện tại, cứ đá là bị loại ở vòng ngoài”, cựu tuyển thủ QG Trần Minh Chiến nhớ lại.

Đồng đội của Minh Chiến, cựu hậu vệ Trần Công Minh bày tỏ: “Thời điểm đó bóng đá nước nhà mới hòa nhập, nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nên chúng tôi gặp khó ở nhiều khía cạnh. Ngày xưa, trang thiết bị không phong phú đâu, chỉ dùng hàng trong nước. Giải VĐQG chưa có cầu thủ ngoại nên ít được cọ xát còn đi thi đấu ở nước ngoài thì bỡ ngỡ, bẽn lẽn lắm”.

“Xưa, gặp những đội trong khu vực mà có truyền thống lâu đời như Thái Lan, Malaysia, Indonesia,... đội tuyển chúng ta thường bị vấn đề tâm lý”, Chủ tịch SLNA, Nguyễn Hồng Thanh nhớ lại.

Bước ngoặt HCB SEA Games 1995

Tham dự SEA Games 1995, người hâm mộ bóng đá nước nhà không đặt quá nhiều kỳ vọng bởi thành tích không khả quan trước đó. Toàn đội lên đường sang Thái Lan trong cảnh không kèn không trống. Tuy nhiên, bàn thắng của Trần Minh Chiến ở trận bán kết với ĐT Myanmar đã đưa bóng đá Việt Nam sang trang mới.

Chính bản thân các cựu tuyển thủ cũng không thể mường tượng ra bàn thắng mang tính lịch sử cho bóng đá nước nhà. “Sau thành công ở SEA Games 1995, phong trào bóng đá đi lên thấy rõ. Đó là cú hích cho bóng đá Việt Nam khi được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn. 

HLV Weigang là người đặt nền móng cho sự thay đổi đó của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Internet
HLV Weigang là người đặt nền móng cho sự thay đổi đó của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Internet

Tất cả mọi thứ từ áo đấu, giày thi đấu, ăn uống, sân bãi tập luyện,...khoa học hơn. ĐT Việt Nam sau đó được đi tập huấn nước ngoài nhiều hơn”, cựu tuyển thủ QG Trần Minh Chiến kể lại.

Cựu hậu vệ Trần Công Minh nói thêm: “Đó là bước ngoặt sang trang mới với thế hệ của chúng tôi. Sau chiếc HCB đó, người hâm mộ đổ ra đường đón chúng tôi trở về, cuống nhiệt lắm. Trước đó chưa bao giờ có cảnh tượng như vậy. Chúng tôi không mường tượng được khi về nước sẽ như vậy.

Những chuyển biến tích cực khi khán giả đến sân xem giải VĐQG nhiều hơn. Họ muốn nhìn thấy những cầu thủ mới thi đấu cho ĐTQG về đá cho tỉnh nhà. Chúng tôi cố gắng giữ vững phong độ để phục vụ CLB”.

HLV trưởng của Đồng Tháp kể rằng, ở địa phương của ông, số lượng người mua áo cho các em nhí rất đông. Thời điểm đó, người dân còn khó khăn, để bỏ tiền ra mua áo bóng đá là điều không hề dễ dàng.

Dù không trực tiếp tham dự SEA Games 1995 nhưng đó là bước đệm để những cầu thủ sau này tiếp thêm tự tin. Vinh dự được khoác áo ĐTQG ở kỳ SEA Games kế tiếp tại Indonesia, cựu tuyển thủ QG Triệu Quang Hà vẫn nhớ như in cảm giác thời đó. “Có thành tích tầm Đông Nam Á, những năm sau đá với các đội ngang tầm hoặc cao hơn một chút, chúng tôi đã tự tin hơn chứ không còn ngại nữa”.

Dù chỉ giành HCĐ nhưng theo cựu tiền vệ ĐT Việt Nam, cảnh tượng người dân chào đón không khác gì U23 Việt Nam vừa rồi. “Người hâm mộ đón tiếp một cách khủng khiếp lắm. Thời đó không nhiều ô tô đâu, chỉ toàn xe máy thôi.

Lịch trình dự kiến từ sân bay, đến cầu Thăng Long qua Đông Trù, biết là sẽ tắc đường nên đi vòng lại đường khác nhưng người hâm mộ đi theo xe đội bóng, đến Cửa Nam thì bị tắc đường mấy tiếng đồng hồ trước sự cuồng nhiệt đó”, cựu tuyển thủ Triệu Quang Hà bồi hồi nhớ lại.

Không chỉ thay đổi bộ mặt nền bóng đá nước nhà, cú hích từ HCB SEA Games 1995 đã thay đổi diện mạo của từng địa phương. “Đó là bước ngoặt của bóng đá Việt Nam. Không nằm ngoài phong trào chung của cả nước, bóng đá Nghệ An lấy đà để làm sức bật đi lên.

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh cha mẹ mua cho con cái mình những chiếc áo của đội tuyển hay CLB. Thời buổi đó quá lắm vì nhân dân vẫn còn khó khăn. Bất kể người dân nào cũng thấy mình ở trong chính các cầu thủ. Ai thấy niềm tự hào, quyền lợi ở trong đó. Từ đó bóng đá Việt Nam được quan tâm nhiều hơn. Một khi đã mang tính dân tộc rồi thì không ai nói ai, họ sẵn sàng hy sinh công sức, tiền bạc và mọi thứ để đi cổ vũ, động viên bóng đá nước nhà”, Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh bày tỏ. 

U23 Việt Nam đã làm nên kỳ tích ở VCK U23 châu Á. Liệu, bóng đá nước nhà có lấy đây làm cột mốc để nâng tầm cao mới? Ảnh: Anh Khoa
U23 Việt Nam đã làm nên kỳ tích ở VCK U23 châu Á. Liệu, bóng đá nước nhà có lấy đây làm cột mốc để nâng tầm cao mới? Ảnh: Anh Khoa

Theo ông Thanh, nền bóng đá khu vực ĐNÁ khó so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,...Để các nước mạnh trong châu lục bật tivi xem chúng ta thi đấu trận chung kết là cả niềm tự hào rồi. Từ những gì đã diễn ra, chúng ta cần tạo sức bật để bóng đá Việt Nam đi lên.

“Với thành tích U23 châu Á, nếu làm căn cơ thì có thể tạo sức bật như 23 năm về trước”, cựu tuyển thủ QG Trần Minh Chiến chia sẻ thêm.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm