Đá Cúp châu lục ngót 15 năm, đến bao giờ các CLB V.League mới "chịu lớn"?

Webthethao
thứ năm 4-4-2019 4:53:00 +07:00 0 bình luận
Kể từ năm 2004, các CLB V.League gần như không để lại được nhiều dấu ấn tại đấu trường châu lục. Thậm chí ở sân chơi “hạng 2” như AFC Cup, những đại diện của Việt Nam cũng chơi một cách vô cùng chật vật và nhiều khi vẫn bị coi là chỉ “đá cho xong”.

Thất bại 0-1 trước Yangon United đẩy Hà Nội FC vào hoàn cảnh phải hứng chịu không ít chỉ trích từ dư luận. Việc bỏ lỡ quá nhiều cơ hội dẫn đến một trận thua khó hiểu, đặc biệt với tình huống sút trượt penalty của đội trưởng Văn Quyết, khiến thêm một lần người hâm mộ phải đặt câu hỏi về sự nghiêm túc của các CLB Việt Nam khi tham dự đấu trường châu lục.

Trước đó, B.Bình Dương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự sau trận thua Ceres Negros. Ở trận đấu đó, thủ môn dày dặn kinh nghiệm như Bùi Tấn Trường không hiểu sao lại mắc những sai lầm hết sức ngô nghê. Người ta thậm chí còn nghi ngờ có hay không chuyện Tấn Trường bán độ, dù sau đó mọi chuyện chỉ dừng lại ở việc B.Bình Dương kỉ luật nội bộ vì tinh thần thi đấu và treo găng thủ môn này đến hết lượt đi.

Nỗi ám ảnh về việc các đội bóng V.League tham dự cúp châu lục chỉ để làm trọn nghĩa vụ chứ chẳng mấy mặn mà gì vốn đã dai dẳng suốt bao lâu nay, giờ lại thêm một lần ùa về.

Đá Cúp châu lục ngót 15 năm, đến bao giờ các CLB V.League mới chịu lớn?
Hà Nội FC vừa bất ngờ thất bại 0-1 trước Yangon Utd.

Từ những trận thua bẽ bàng trong quá khứ

Mùa giải đầu tiên được góp mặt ở AFC Champions League, V.League có hai đại diện là HAGL và Bình Định. Trong khi HAGL chơi không đến nỗi nào (nhì bảng nhưng vẫn bị loại) thì Bình Định lại chỉ có được 1 điểm và đứng bét bảng. Trận thua đậm nhất của đội bóng này diễn ra khi làm khách của Yokohama F. Marinos (Nhật Bản) với tỉ số 0-6.

Sang năm 2005, hai đội bóng này vẫn tiếp tục đại diện cho Việt Nam đá cúp châu lục và thành tích còn tệ hơn mùa trước. HAGL không giành nổi điểm nào, thủng lưới đến 25 lần và chỉ ghi được duy nhất 1 bàn thắng. Trong khi đó, Bình Định phải đón nhận trận thua bẽ bàng 0-8 trước Busan I'Park (Hàn Quốc) và tiếp tục đứng bét bảng.

Thế nhưng bẽ bàng nhất phải kể đến trận thua của Đà Nẵng tại AFC Champions League 2006. Dự giải với tư cách á quân V.League 2005, nhưng trong chuyến làm khách của Gamba Osaka (Nhật Bản), Đà Nẵng đã chơi một trận đấu với tinh thần bạc nhược và để cho đối phương thắng với tỉ số…15-0.

Những năm sau đó, người hâm mộ Việt Nam còn phải tiếp tục chứng kiến những trận thua đau đớn, như: Krung Thai Bank 9-1 ĐPM.Nam Định (AFC Champions League 2008), Kedah 7-0 Hà Nội ACB (AFC Cup 2009), Ceres Negros 6-2 Hà Nội T&T (AFC Cup 2017)… Việc thua trận trước các đội bóng của Nhật Bản, Hàn Quốc có thể phần nào hiểu được, nhưng để cho những CLB đến từ Thái Lan, Malaysia hay Philippines “hạ nhục” khiến người hâm mộ nước nhà không khỏi chạnh lòng.

Cũng bởi thành tích quá kém cỏi của các đại diện mà thứ hạng của V.League trên bảng xếp hạng các giải VĐQG của châu Á cứ thụt lùi dần. Điều này khiến số suất tham dự AFC Champions League của V.League cũng giảm theo. 2 suất ban đầu dần giảm xuống 1,5 suất, 1 suất rồi 0,5 suất. Thậm chí các mùa giải 2009, 2011-12-13, ngay cả việc dự vòng sơ loại thì V.League cũng “không có cửa”.

Đến việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì đâu nên nỗi?

Còn nhớ vào năm ngoái, khi SLNA đá AFC Cup, vị chủ tịch CLB là ông Nguyễn Hồng Thanh trong một lần trả lời phỏng vấn từng nói: “Bao giờ đội bóng nào cũng xác định giải VĐQG là mục tiêu lớn nhất. Còn các giải khác là đá hết mình thôi. Lãnh đạo SLNA không bao giờ giao áp lực cho đội bóng hết. Cứ đá hết mình từng trận một thôi, từ cúp QG, giải VĐQG, AFC Cup cũng thế cả. Còn về việc đá cúp châu lục, hiện nay chưa thấy hỗ trợ gì từ Liên đoàn (VFF) cả, không biết sau này có hay không.”

Ai cũng biết ở V.League, SLNA vốn là đội bóng không có tiềm lực tài chính mạnh. Cái “hỗ trợ từ Liên đoàn” mà ông Thanh nói, không khó để hiểu ông đang muốn nhắc tới vấn đề gì. Mỗi lần ra nước ngoài thi đấu, đội bóng lại phải tốn rất nhiều chi phí, trong khi tiền thưởng của giải đấu lại chưa đủ hấp dẫn. Với đội bóng “nhà nghèo” như SLNA, biết đâu họ lại đón nhận việc bị loại sau vòng bảng bằng một cái thở phào.

Cũng vào thời điểm đó, từ một góc nhìn khác về thành tích đáng buồn của SLNA và  FLC Thanh Hóa tại AFC Cup, HLV Lê Thụy Hải lại cho rằng dư luận không nên đánh giá các đội bóng “buông giải này, đá giải kia”. Bởi để dẫn đến thực trạng trên là hệ quả của rất nhiều vấn đề.

“Bóng đá Việt Nam chúng ta không phải cầu thủ nội yếu kém nhưng cầu thủ ngoại vẫn được rất trông chờ rất nhiều. Khi mà ra đá C1, C2 châu Á thì chúng ta rất thiệt thòi.

Các cầu thủ ngoại của Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia là những đội mà tôi từng được gặp thì cầu thủ ngoại họ hay lắm, giá trị của họ rất cao. Các đội đó thường đa số các cầu thủ nội của họ đá trong đội tuyển. So sánh thế thôi chúng ta đã thấy rất là khó rồi. Các đội ở Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia thì cũng vậy. Mà bây giờ các cầu thủ ngoại không vào được những chỗ đấy thì mới sang bên chúng ta, nên cũng phải chấp nhận thôi chứ đừng đỏi hòi quá nhiều.”

Đá Cúp châu lục ngót 15 năm, đến bao giờ các CLB V.League mới chịu lớn?
Khó có thể so sánh chất lượng ngoại binh ở V.League với những nền bóng đá hàng đầu châu lục.

“Song song với đó, các đội bóng của chúng ta thực sự cũng chưa thể bắt nhịp được với việc một tuần phải đá 3 trận. Đá một trận sớm vào thứ bảy, đến thứ hai, thứ ba phải đi bay đi rồi, thứ tư đá xong lại phải quay về đá một trận vào chủ nhật nữa. Thói quen đấy chúng ta chưa có, độ dày lực lượng của cầu thủ cũng không đồng đều. Vì thế ta thua thiệt là điều đương nhiên, không có gì phải suy nghĩ cả.”

“Nhiều người cứ nói là thôi buông giải này đi rồi về đá giải trong nước nhưng đâu phải thế. Là HLV hay cầu thủ thì chả ai lại bảo “thôi buông đi để đá cái này”, đá cái đấy có chắc anh đã ăn được chưa.

Vì thế, chúng ta phải chấp nhận nó trong bối cảnh như hiện nay, chứ không nên phê phán quá nhiều các đội được đi dự các giải châu lục cả.”

Trên thực tế, việc thua trận trong bóng đá đôi khi có thể chỉ do tai nạn. Đó là điều không tránh khỏi. Vào một ngày không đẹp trời, dàn sao của Hà Nội dứt điểm 27 lần không có nổi một bàn thắng, còn Yangon thì chỉ cần có 1 lần chớp được cơ hội bởi sai lầm của đối phương là đủ. Bóng đá thế giới vốn chẳng thiếu những trận cầu kiểu như vậy. Và trên thực tế với 3 trận đấu còn trong tay, cơ hội đi tiếp của cả B.Bình Dương và Hà Nội vẫn còn khá rõ ràng. Tuy nhiên chỉ có điều, liệu hai diện của Việt Nam sẽ đá thế nào ở lượt về thì chẳng có thể ai biết trước được!

-Song Nhi-

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm