Từ cái khó và thất bại của 2 ông thầy
Khi buổi lễ bắt đầu được vài phút, đại diện của CLB Hà Nội T&T là Chủ tịch Nguyễn Quốc Hội “bỗng dưng có việc gấp”, ra ngoài nghe điện thoại rồi không quay trở lại. Ông Hội chính là người trực tiếp yêu cầu phải tổ chức một buổi lễ ra mắt đàng hoàng, nghiêm túc sau khi đại diện VFF đến tận nhà riêng nhờ bầu Hiển hỗ trợ để HLV Hoàng Văn Phúc lên “chữa cháy” khi không thể tìm được người ngồi ghế HLV ĐTQG nhưng ngày hôm đó, cách mà người ta ứng xử khiến ông buộc phải xin phép.
Các đời HLV trưởng ĐTQG, chưa có buổi ra mắt nào lại úi xùi, thiếu sự tôn trọng như thế. Chỉ có TTK Ngô Lê Bằng và PCT phụ trách truyền thông Lân Trung, nhân vật quyền lực nhất VFF lúc đó là PCT Lê Hùng Dũng không có mặt. Bi hài nhất, ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ mới ít phút trước đó còn cười nói chào hỏi phóng viên ở sảnh nhưng sau đó khoá cửa phòng, dù cách hội trường có 3 bước chân.
Sự thiếu tôn trọng của VFF với người xung phong ngồi vào chiếc ghế bỏ trống sau khi HLV Phan Thanh Hùng nghỉ vì thất bại ở AFF Cup 2012, sau khi chính VFF ngãng ra với phương án Hoàng Văn Phúc rồi quay lại “cầu cứu” vì các HLV nội khác được chào mời từ Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Văn Sỹ, Hoàng Anh Tuấn đều lắc đầu, nó được xem là dấu hiệu và lý giải cho những nghịch cảnh mà việc VFF đình chỉ làm nhiệm vụ rồi phục chức cho ông Phúc trước thềm SEA Games 2013 tại BTV Cup là một điển hình.
SEA Games 2013, U.23 VN không vượt qua vòng bảng. Thất bại đó là điều được nhìn thấy, khi ông Phúc không nhận được sự tin tưởng, ủng hộ và thậm chí còn bị coi là một “quân cờ”. Nó cũng giống như thất bại 1 năm trước đó tại AFF Cup được dẫn dắt bởi HLV Phan Thanh Hùng sau gần 2 thập kỷ chỉ dùng các chuyên gia ngoại, có quá nhiều cái khó mà tất cả đều nhìn thấy, ở thời điểm BĐVN rơi xuống đáy do hậu quả của cuộc khủng hoảng nặng nề. Nhiều lý do trong đó có tính cách, con người, cách làm của 2 ông thầy gần như chỉ biết làm chuyên môn chân phương lại không nhận được sự ủng hộ cần thiết ngay từ chính lãnh đạo VFF.
HLV Phan Thanh Hùng là người được tôn trọng, đánh giá cao về mặt chuyên môn và giai đoạn chuẩn bị, cách ông làm, thử nghiệm mà 2 trận giao hữu với Indonesia, Malaysia là minh chứng cho thấy những tín hiệu tích cực. Với HLV Hoàng Văn Phúc, những gì làm được với ĐT U.22 QG với lực lượng sẽ tham dự SEA Games 2013 là cơ sở để giao nhiệm vụ. Họ dám dấn thân, có ý tưởng và niềm tin nhưng khi vào giải đều “bể” rồi thất bại trong bất lực, theo kiểu mất kiểm soát. Có những cái khó mà sau này, khi nhìn lại thì cả 2 ông thầy nội này đều chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” và trách mình…
Đến phong cách Hữu Thắng
Trước khi quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV Miura, VFF ở vào thế khó. Ông thầy người Nhật bị cả làn sóng phản đối, cho nghỉ thì ai làm thay và đó là bài toán khó. Nó được giải ngay trước thềm Hội nghị BCH VFF, khi người ta “cầu cứu” bầu Đức. Một cuộc điện thoại của ông bầu quyền lực này, một cuộc hẹn được tổ chức và HLV Hữu Thắng đồng ý nói chuyện nghiêm túc với 2 PCT VFF là Đoàn Nguyễn Đức, Nguyễn Quốc Tuấn. Cũng phải mất 2 tháng với rất nhiều điều kiện, VFF mới nhận được cái gật đầu.
HLV Hữu Thắng nắm ĐTQG sau khi được mời ký hợp đồng, có thương thảo với các điều khoản rất chuyên nghiệp và được giao chỉ tiêu thành tích. Từ việc được mời, cái thế đến bản hợp đồng chứ không phải gọi lên làm nhiệm vụ, tất cả đều khác so với thời HLV Phan Thanh Hùng rồi Hoàng Văn Phúc. Và ở thời điểm này, nhiều cái khác nữa để thấy những cơ sở tin rằng một người như HLV Hữu Thắng làm ĐTQG có thể hy vọng và có khả năng thành công.
Hữu Thắng từ thời còn đá bóng đá nổi tiếng bởi tính cách, vai trò thủ lĩnh cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Từ HN.T&T đến SLNA, ông đã chứng tỏ được mình với những gì làm được và thành công. Với chất thép trong con người của ông thầy này, có lẽ một trong những rào cản cũng là hạn chế của HLV nội khi nắm ĐTQG sẽ không còn là vấn đề: Sự tôn trọng, thói quen “nhờn mặt” của không chỉ cầu thủ nội.
Người Việt mình có thói quen “sính ngoại” và đặc điểm “trọng và sợ Tây” thì bóng đá là tiêu biểu nhất. Thầy ngoại, dù đúng hay sai, thích hay không thì cầu thủ cũng nghe răm rắp, ý thức và cứ một phép. Thế nhưng thầy nội thì khác, trong cả sinh hoạt, luyện tập và ngay từ thái độ. Với HLV Hữu Thắng, sẽ không có chuyện học trò “nhờn mặt” thầy, không có chuyện qua mặt hay kiểu làm việc đối phó, thậm chí thiếu tôn trọng.
Những chuyện nghịch lý như trợ lý mâu thuẫn ra mặt, to tiếng tay đôi hay thách thức với cầu thủ, thậm chí tiếm quyền khi thay mặt cả HLV trưởng đứng lên giáo huấn cầu thủ trước trận đấu như ở giữa AFF Cup 2012 sẽ khó có cơ hội xuất hiện nếu HLV Hữu Thắng làm, với quan điểm công việc khá quân phiệt cùng cách làm với “bàn tay thép”. Với một người từng trải, va chạm xã hội và từng “đỗ… Đại học Harvard”, từng vào tận phòng cầu thủ yêu cầu bầy tất cả đồ đạc ra để kiểm tra “hàng nóng” hay từng cứu rất nhiều cầu thủ khi họ vướng vào nợ nần, va chạm xã hội…, những sự cố như “bay đêm bị bắt”, tụ tập đánh bạc hay không thích thì báo ốm, chấn thương xin nghỉ tập… vài năm trước dưới thời thầy nội sẽ không bao giờ là vấn đề.
Tính cách, con người, cách sống và ứng xử trong lẫn ngoài sân cỏ, HLV Hữu Thắng khiến cầu thủ sợ lẫn nể trọng. Đó là cái khác và sẽ giúp triệt tiêu sự phức tạp trong những vấn đề phi chuyên môn, điều lâu nay vẫn bị xem là khó nhất khi HLV nội làm.
Thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và chính bản thân HLV Hữu Thắng cũng sẽ phải chứng tỏ năng lực bản thân, chuyên môn. Tuy nhiên, việc cựu thủ quân ĐTVN ngồi lên chiếc ghế nóng và sẵn sàng với những thách thức với sự chuẩn bị, có những cơ sở để tin tưởng về một trang mới.
Bắt đầu từ hôm nay, với chiếc áo cờ đỏ sao vàng mà “người đàn ông thép” mặc và ra mắt…