Trong lịch sử SEA Games, đội tuyển cầu lông Việt Nam từng đoạt 11 HCĐ, nhưng chỉ có thể đoạt tối đa 2 HCĐ ở một Đại hội. Song lần này, các học trò của HLV Ngô Trung Dũng hiện không chỉ vượt qua cột mốc đó, mà còn hứa hẹn đổi màu huy chương. Trong 3 trận tứ kết ngày 20/5/2022 có đại diện của chủ nhà SEA Games 31, Nguyễn Tiến Minh ở nội dung đơn nam và Đỗ Tuấn Đức / Phạm Hồng Nam ở đôi nam đều giành quyền đấu bán kết.
Đây không chỉ là kỳ tích khi lần đầu cầu lông Việt Nam có đại diện ở bán kết nội dung đôi nam. Với HCĐ trước đó của đội tuyển nữ thì ngay cả trong tình huống xấu nhất, cầu lông Việt Nam vẫn có được thành tích tốt nhất lịch sử với 3 HCĐ.
Nhưng dĩ nhiên khi các tài năng Việt Nam tiến vào đến bán kết, tất cả đều mong muốn họ tiến thẳng đến chung kết, đặc biệt là "cây trường sinh" Nguyễn Tiến Minh.
Đối thủ của Minh ca ở bán kết là ngôi sao Singapore Loh Kean Yew vừa vô địch thế giới năm 2021. Loh Kean Yew đang có phong độ tốt, thể hiện qua giải vô địch đồng đội nam thế giới Thomas Cup 2022 và chiến thắng dễ dàng 21-7, 21-8 tại tứ kết trước Albo (Philippines).
Thế nhưng, như khi trái bóng chưa lăn hoặc trận cầu lông chưa kết thúc, chẳng ai dám đảm bảo chắc chắn chiến thắng cho kèo trên. Nguyễn Tiến Minh chính là ví dụ cụ thể nhất, khi vượt qua hạt giống số 4 của Thái Lan Phetpradab không chỉ tại tứ kết SEA Games 31 (dẫn 17-1 ở set 1 thì đối thủ bỏ cuộc), mà còn ở giải vô địch châu Á 2022 mới đây (thắng 21-19, 21-17).
Suất dự bán kết của đôi nam Đỗ Tuấn Đức / Phạm Hồng Nam có phần may mắn do đối thủ Malaysia không thi đấu. Tuy nhiên, chiến thắng 21-10, 21-17 ở tứ kết trước đôi Philippines của họ chứng tỏ cần có thực lực nhất định để tận dụng may mắn.
Và đến đây, cũng cần phải cám ơn các cô gái Nguyễn Thùy Linh, Vũ Thị Trang, Vũ Thị Anh Thư, Phạm Thị Khánh, Thân Vân Anh, Phạm Như Thảo, Đỗ Thị Hoài, Trần Thị Phương Thúy, Đinh Thị Phương Hồng, Nguyễn Thị Ngọc Lan góp phần vào chiếc HCĐ nội dung đồng đội nữ.