"Anh hãy viết về các em ấy, các em rất xứng đáng", ông Chu Minh Quân - Chánh văn phòng Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam - đã gợi ý với xác nhận về những nỗ lực vô cùng trong công việc của các em tình nguyện viên tại nhà thi đấu Hà Đông, nơi tổ chức môn billiards & snooker của SEA Games 31.
Bạn Vũ Thị Ngọc Ánh - sinh viên khoa Italia trường Đại học Hà Nội năm 2 - cho biết: "Mấy ngày đầu, bọn em vất vả cực kỳ luôn. Từ ngày mùng 10 đến 12, ngày nào em cũng như con buôn ở đây luôn. Em phải dậy từ 6h30 sáng. Ví dụ như bọn em theo đoàn thể thao các nước, bọn em phải đi từ 6 giờ hơn theo lịch, đến khách sạn đón họ lại đây thi đấu.
Bọn em phải lo tất cả công việc của đội khi ở nhà thi đấu, ví dụ như họ muốn check-in hoặc về bữa ăn... Sau khi họ thi đấu xong, bọn em sẽ đưa về khách sạn, đi chung trên một chiếc xe bus. Sau đó bọn em tự đi xe cá nhân về nhà. Lúc đó cũng muộn, chắc tầm 10 giờ tối. Cũng tùy lịch đấu, nếu họ đấu xong sớm thì mình được về sớm, còn họ đấu xong muộn thì mình phải về muộn thôi.
Các bạn về nhà rồi, nhưng nếu trưởng nhóm nhắn tin, các bạn lại gọi hỏi nhau, có hôm đến 12 giờ tối bọn em vẫn phải gọi hỏi nhau xem họ muốn gì vào ngày mai. Có những hôm 11-12 giờ tối mới xong. Công việc yêu cầu nên có hôm 1 giờ sáng họ vẫn nhắn tin, bọn em vẫn phải xử lý thôi. Xong rồi đến tầm khoảng 6 giờ, 6 giờ kém (buổi sáng) là phải bắt đầu dậy để lên khách sạn đón mọi người. Bọn em phải đợi đến 8 giờ mới bắt đầu đi, cho họ ăn sáng".
Nhân dịp này, một cô bé tố khổ vì đọc tin thấy có phàn nàn về tình nguyện viên: "Bọn em thấy trên các bài báo viết không đúng lắm về tình nguyện viên ở SEA Games. Họ nhận xét bọn em không chuyên nghiệp, khi làm việc cứ cắm mặt vào điện thoại.
Cái đó em không đồng ý lắm, tại vì bọn em xử lý công việc rất nhiều trên điện thoại. Đây là kỳ SEA Games lớn nên thông tin cần phải truyền đạt qua điện thoại rất nhiều nên bọn em phải dùng điện thoại nhiều, chứ không phải như bài đăng ở đâu đó trên mạng nói là bọn em sử dụng điện thoại trong khi làm việc.
Còn tại nhà thi đấu, bọn em có nhiều việc hơn các bạn tháp tùng VIP, như em và bạn Hà đang ở đội chạy khẩn cấp, bất cứ chỗ nào có việc thì bọn em phải có mặt, kiểu như là một đoàn nào đấy không kịp mua đồ ăn sáng thì bọn em sẽ mua giúp. Hay trên khán đài có việc gì đấy thì bọn em lại chạy lên. Bọn em rất linh động vì công việc, chứ không phải chỉ làm một nhiệm vụ.
Khi làm việc, như bạn Ánh vừa nói, bọn em phải làm rất nhiều với điện thoại để không bị đứt gãy thông tin, tại vì khi bị đứt gãy thông tin ở một chỗ nào đó thì sẽ làm hỏng cả một quá trình. Chính vì vậy, bọn em muốn đính chính thông tin là bọn em cần dùng điện thoại để làm việc, chứ không dùng điện thoại để chơi game hay để giải trí gì cả.
Bên cạnh đấy, bọn em không được ngủ trưa. Chính vì thế, có nhiều lúc rất nhiều bạn tình nguyện viên gục xuống. Nhưng mỗi lần gục xuống như thế, các bạn đều nhớ rằng mình đang có nhiệm vụ nên chỉ dám gục xuống 1-2 phút thôi, có thể là ngồi ở bàn ăn, đang ăn có thể ngủ gật một tí. Sau đó phải trở lại trạng thái bình thường để làm việc.
Vì vậy, em mong là mọi người có thể thông cảm cho tình nguyện viên những lúc như thế, khi theo đoàn cả ngày rồi đến tối phải tới 9-10 giờ bọn em mới về đến nhà. Đi làm từ rất sớm, đi tháp tùng các đoàn, các đội, rồi đi phiên dịch, chính vì vậy, tinh thần của bọn em cũng rất mệt mỏi, nhưng cũng vì SEA Games mà cố gắng thôi".
Phạm Thu Hà - trưởng nhóm tình nguyện viên tại nhà thi đấu Hà Đông - thừa nhận công việc rất căng thẳng, nhọc nhằn: "Những buổi đi set-up khổ lắm, bọn em phải bê những bục to, bàn ghế... Những ngày đầu chưa có kỹ thuật, các ông chuyên gia yêu cầu rất nhiều thứ, ví dụ set-up kỹ thuật, yêu cầu chi li từng tí một, cái này phải chốt vào cái này, cái kia phải chốt vào cái kia, lắp sai là bắt gỡ ra, lắp lại hết. Có những buổi, bọn em đến đây chỉ ngồi để lắp ráp máy cho các ông ấy thôi.
Những ngày đầu tiên thử điện, nó cứ lên rồi lại sập, ông ấy còn mắng cả bọn em, trong khi bọn em có biết gì về điện đâu. Sau những ngày như thế, vào ngày đấu là công việc vào guồng, bọn em biết mọi thứ phải vận hành như thế nào, bắt đầu cũng đỡ việc hơn, bắt đầu biết mình phải chia nhau công việc như thế nào, mình phải thay ca như thế nào.
Có một lần, một vận động viên đến đây để đấu, lúc gần đấu, cờ trên áo sắp bị rơi xuống. Chỉ còn khoảng 30 phút nữa là đấu, mà 15 phút trước khi vào đấu là phải check-in, thế là em phải chạy khắp nơi, tất cả trong nhà thi đấu không tìm thấy nên em phải chạy hết gần 1 cây để mua gói kim chỉ, xong rồi khâu mất 15 phút. Sau khi em khâu xong là vừa lúc anh ấy phải vào đấu.
Đoàn Philippines có một bạn tình nguyện viên sinh nhật vào ngày 17/5, nhưng bạn ấy rất bận, không thể nhớ nỗi sinh nhật của mình. Vô tình bạn đó đã kết bạn với một trong số các vận động viên của đội, thế là vận động viên này nhớ ra, tổ chức cho bạn ấy một sinh nhật bất ngờ".
Khi được hỏi phải làm việc căng như vậy mà không có chế độ nghỉ ngơi hay sao và được hưởng đãi ngộ như thế nào, một tình nguyện viên nữ khẳng định: "Bọn em làm việc rất linh động, tại vì các đoàn không nghỉ ngơi, các huấn luyện viên và vận động viên không nghỉ ngơi, cho nên bọn em cũng không thể nghỉ ngơi.
Tình nguyện viên không được phép đứng im, bất kể khi nào mọi người cần thì đều phải hỗ trợ hết, cho nên bọn em cũng không thể nào cho phép bọn em được nghỉ ngơi, khi các đoàn vẫn còn đang luyện tập. Như bây giờ đang là 1 giờ chiều rồi đó, nhưng mà các đoàn vẫn còn đang tập ở bên trong nên bọn em không thể nghỉ ngơi được.
Em cảm thấy được làm tình nguyện viên ở SEA Games này là niềm hạnh phúc lớn cho bọn em. Bọn em không chỉ được những trải nghiệm rất thật ở ngoài đời như được phiên dịch, được gặp gỡ rất nhiều người, đặc biệt hơn là được gặp gỡ rất nhiều người nổi tiếng, ví dụ như huyền thoại Philippines (“phù thủy billiards” Efren Reyes – PV), nói chuyện tiếng Anh và gặp gỡ nhiều người ở các nước, thế nên bọn em nghĩ được làm tình nguyện viên đã là một hạnh phúc lớn, một đãi ngộ đối với bọn em rồi, không cần gì hơn như thế cả".