Tìm Chủ tịch theo tên
Cứ trước mỗi Đại hội, các Liên đoàn, với sự hỗ trợ của lãnh đạo ngành thể thao lại chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm Chủ tịch cho khóa mới. Trong số hơn 20 Liên đoàn, có lẽ duy nhất bóng đá có thể được chọn, còn lại thực chất đều là mời gọi, thuyết phục. Đối tượng được các Liên đoàn nhắm tới là lãnh đạo các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân mạnh. Do không phải ai cũng thích thể thao, hay phù hợp và nhất là công việc chính của họ cũng đã quá nặng gánh nên việc này cũng rất khó khăn. Nhiều Liên đoàn đã bị chậm tiến độ Đại hội, thậm chí tới cả vài năm, cũng chỉ vì không có ứng viên Chủ tịch.
Gần như mặc định, các Liên đoàn lâu nay đều tìm kiếm Chủ tịch theo tên tuổi, chức vụ, chứ không hề quan tâm đến điều kiện, khả năng đóng góp có thể. Cũng chưa có Liên đoàn nào có sự chuẩn bị cần thiết về cơ chế chính sách, phương thức để vị Chủ tịch có thể phát huy vai trò, ảnh hưởng, năng lực của mình. Đây chính là lý do quan trọng khiến cho người đứng đầu dù có muốn cũng cực khó để giúp Liên đoàn.
May nhờ rủi chịu
Trên thực tế, đã có một số vị Chủ tịch làm việc bằng sự đam mê, uy tín, mối quan hệ, sức tập hợp của mình đã thực sự tạo ra bước đột phá cho không chỉ Liên đoàn mà cả bộ môn. Rõ nhất như cầu lông, hay phần nào đó với bóng chuyền.
Chỉ có điều số Liên đoàn, bộ môn có được sự may mắn đó quá hiếm. Hầu hết Liên đoàn đều rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở, không nhờ cậy được gì vào Chủ tịch VIP. Có khi yếu nhân số 1 này một năm chỉ xuất hiện vài lần, tại cuộc họp tổng kết, hay khai bế mạc một vài giải đấu lớn. Mọi hoạt động ở Liên đoàn lại vẫn do Phó Chủ tịch hay Tổng thư ký là người của ngành thể thao đảm trách. Vị Chủ tịch chỉ còn lại mỗi cái tên.
Ngoài nguyên nhân quá bận rộn, còn có những tình thế mà họ bất khả kháng, như nghỉ hưu, chuyển công tác. Và phổ biến nhất vẫn là các trường hợp nghỉ hưu, khi mà họ đang dở dang vị trí bên Liên đoàn. Có người vừa mới được bầu làm Chủ tịch đã nghỉ hưu.
Hiện tượng có vẻ thuộc về các vị Chủ tịch song gốc rễ của câu chuyện suy cho cùng nằm ở ngành thể thao cùng các Liên đoàn trong cách tìm kiếm, sử dụng nhân sự chủ chốt. TTVN đã tự đặt mình vào sự bị động, phụ thuộc đúng nghĩa “may nhờ rủi chịu”.
Chừng nào việc tìm kiếm Chủ tịch còn chỉ theo tên với mục tiêu quá ư đơn giản, trước mắt, các Liên đoàn gần như bất động như hiện tại, ai ngồi vào ghế Chủ tịch rồi cũng đâu lại vào đấy. Chưa kể việc kiêm thêm chức danh bên Liên đoàn còn có thể phần nào ảnh hưởng không đáng có đến chính vị Chủ tịch.
Sỹ Minh
Xét trên một phương diện nào đó, có lẽ Liên đoàn cờ hiểu rõ về sự “may nhờ rủi chịu”. Trong các nhiệm kỳ, họ đều có được các vị Chủ tịch thuộc diện “oách” nhất. Có tới 10 năm, Chủ tịch của họ là một lãnh đạo ngành giáo dục song gần như không nhờ cậy được bất cứ việc gì, kể cả chuyện kết nối phong trào cờ vua trong trường học hay các chế độ ưu tiên trong thẩm quyền cho các kỳ thủ là học sinh, sinh viên. Ở khóa mới, Liên đoàn này chuyển hướng sang một doanh nhân của một Tập đoàn Vận tải- Dịch vụ có tiếng. Chỉ có điều, sau thời gian đầu Liên đoàn có thay đổi rõ rệt nhờ sự nhiệt huyết, nguồn tài trợ dồi dào của vị Chủ tịch mới, Liên đoàn lại trở về chỗ cũ. Đơn giản vì vị Chủ tịch lo cho doanh nghiệp đang khó khăn của mình còn không nổi, nói chi đến Liên đoàn.