Bi hài chuyện thực thi quyền và trách nhiệm của các Liên đoàn - Hiệp hội

Sỹ Minh
thứ tư 19-5-2021 12:52:49 +07:00 0 bình luận
Thực trạng chung đáng lo ngại của 40 Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia được kết đọng ở chính việc thực thi quyền và nghĩa vụ đang vừa yếu vừa thiếu. Thậm chí còn có trường hợp sai lệch, hiện tượng bỏ bê trách nhiệm hay lạm quyền.

Với sự xuất hiện và nhập cuộc của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, giờ đã lên tới 40, thể thao Việt Nam có thêm một hệ thống quản lý mang tính xã hội hóa để thúc đẩy phát triển. Qua hệ thống này, gánh nặng cho các cơ quan quản lý ở nhiều môn, lĩnh vực đã giảm đáng kể mà hiệu quả hoạt động lại được nâng cao. Một số Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia, điển hình là VFF, đã ngày càng chứng tỏ được vai trò, khả năng thực thi quyền và nghĩa vụ của mình ở các mức khác nhau. 

Tuy nhiên, so với mục tiêu và đòi hỏi thực tế, cụ thể là 11 nội dung được quy định trong luật TDTT, hãy còn là một khoảng cách rất xa, với nhiều yếu kém, thiếu hụt và vướng mắc. 

Luật TDTT ban hành từ 2007 với 11 nội dung đã quy định quyền và nghĩa vụ rất toàn diện, đầy đủ với các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia vừa đảm bảo chuẩn quốc tế vừa phù hợp với đặc thù thể thao Việt Nam. Theo đó, các Liên đoàn - Hiệp hội có quyền, nghĩa vụ rất lớn rất rộng.

Liên đoàn điền kinh Việt Nam thu lệ phí của các VĐV, niên liễm của các đơn vị thành viên song kinh phí tổ chức các giải đấu lại do Tổng cục TDTT đảm trách toàn bộ. 

Từ việc tập hợp, đoàn kết, động viên các thành viên tham gia phát triển thể thao trong nước; kiến nghị đề xuất cơ chế chính sách phát triển; huy động mọi nguồn lực và tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ cho đến tổ chức quản lý các giải thể thao quốc gia và quốc tế hay công nhân thành tích thi đấu, đẳng cấp VĐV…

Theo PSG.TS Lương Kim Chung (Nguyên Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng, Ủy ban TDTT), các quy định trong luật mang tính chất “khung” là mục tiêu phấn đấu trong thời gian dài nhưng “áp” vào đó thì thấy rõ các Liên đoàn - Hiệp hội, đều chưa thực hiện đúng, đủ quyền và nghĩa vụ của mình, chính xác là hãy còn quá yếu.

Ngoại trừ VFF đang cơ bản đáp ứng tốt, một số Liên đoàn - Hiệp hội như bóng chuyền, quần vợt, cầu lông, xe đạp mới chỉ thực thi được một vài nội dung còn lại phần lớn các Liên đoàn - Hiệp hội đều gần như chưa làm gì. 

PSG.TS Lương Kim Chung, Nguyên Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng, Ủy ban TDTT

Hiện trạng phổ biến là các tổ chức mới chỉ đứng ra (hay tham gia) đảm bảo một vài hoạt động mang tính chuyền môn, thiết thực và dễ dàng nhất, như tổ chức giải đấu trong hệ thống, mở lớp đào tạo tập huấn, xét phong đẳng cấp. Liên đoàn - Hiệp hội nào khá hơn, sẽ cố gắng vận động tài trợ thời vụ để bù đắp chi phí, khen thưởng VĐV. 

Có thể thấy, việc thực thi quyền và nghĩa vụ, sự tự chủ của các Liên đoàn - Hiệp hội đang rơi vào tình trạng thụ động, tự phát, gắn với những sự vụ cụ thể, xuất phát từ nhận thức, năng lực và điều kiện của mình. Cũng theo chuyên gia đầu ngành kỳ cựu Lương Kim Chung, sở dĩ VFF đang thực thi tốt vì họ hội đủ các yếu tố cần thiết, còn nhiều Liên đoàn - Hiệp hội khác “lấy gì để làm” khi Chủ tịch và Tổng thư ký đều kiêm nhiệm, không có văn phòng, không có nhân sự chuyên trách, các tiểu ban đều chỉ bầu ra cho có… 

Bài toán “quyền và trách nhiệm” càng trở nên phức tạp, phần nào đó bế tắc trong mối quan hệ nửa vời, chồng chéo, phức tạp với cơ quan quản lý nhà nước. 

Thế nên từ đó mới xảy ra những chuyện bi hài mà ở đó phơi bày mỗi Liên đoàn - Hiệp hội đang thực thi quyền, nghĩa vụ một kiểu, còn ngành thể thao quản lý cũng theo cách… rất riêng.

Liên đoàn boxing Việt Nam đang trong quá trình xây dựng

Ví như chuyện Liên đoàn Điền kinh Việt Nam thu lệ phí của các VĐV, niên liễm của các đơn vị thành viên song kinh phí tổ chức các giải đấu lại do Tổng cục TDTT đảm trách toàn bộ. 

Hay Liên đoàn Boxing Việt Nam đang trong giai đoạn mới gây dựng, còn thiếu nhiều điều kiện, nhất là về chuyên môn, đã quyết “tự chủ tuyệt đối” với các hoạt động đến mức bỏ qua luôn với cơ quan quản lý nhà nước. Mối quan hệ giữa Liên đoàn với bộ môn Tổng cục TDTT luôn căng thẳng, với những ảnh hưởng tiêu cực tới chính các giải đấu, HLV và VĐV. 

Rồi sự phân biệt phân tách kỳ lạ trong sự nhìn nhận của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đối với giải VĐQG và bóng rổ nữ. 

Đáng chú ý, giới chuyên môn cũng cảnh báo về hiện tượng hành chính hóa¸nhà nước hóa bắt đầu manh nha ở một vài Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia, cụ thể trong việc kết nạp thành viên, tổ chức giải đấu, kết nối phong trào…

Là người trực tiếp tham gia soạn thảo và triển khai các đề án chiến lược của ngành thể thao, PGS. TS Lương Kim Chung cho rằng điều quan trọng bây giờ là phải khởi động lại một cách mạnh mẽ, bài bản Đề án chuyển giao hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hộI - nghề nghiệp thể thao có từ 2010 song làm chưa hiệu quả.

Trong đó, theo ông: “Trước hết cần nghiên cứu đánh giá năng lực tự chủ tự chịu trách nhiệm của mỗi Liên đoàn - Hiệp hội trong thực thi 11 nội dung quy định về quyền nghĩa vụ của Luật TDTT, từ đó xác định giải pháp về từng vấn đề thuộc quản lý nhà nước và của mỗi Liên đoàn - Hiệp hội theo một lộ trình với tính khả thi cao”. 

 

Quyền và nghĩa vụ của Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia 

1. Tập hợp, đoàn kết, động viên các thành viên tham gia phát triển môn thể thao trong nước.

2. Tuyên truyền lợi ích, tác dụng của môn thể thao.

3. Kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách phát triển môn thể thao.

4. Huy động mọi nguồn lực phát triển môn thể thao; tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ hoạt động thể thao theo quy định của pháp luật.

5. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và cấp kinh phí cho các nhiệm vụ do Nhà nước uỷ quyền theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

6. Được nhận tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ này theo quy định của pháp luật.

7. Tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia và giải thể thao quốc tế tại Việt Nam theo thẩm quyền.

8. Quản lý vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài môn thể thao; cử vận động viên, đội tuyển thể thao tham gia thi đấu quốc tế.

9. Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển thể thao chuyên nghiệp của môn thể thao và tổ chức triển khai, quản lý, điều hành sau khi được Uỷ ban Thể dục thể thao phê duyệt.

10. Hướng dẫn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao ở ngành, địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ.

11. Công nhận thành tích thi đấu thể thao, đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

(Điều 71 Luật TDTT 2007)

 

>>> Sự thật ”giật mình” phía sau 40 Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia

>>>: Bi hài chuyện thực hiện quyền và nghĩa vụ của các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao quốc gia 

>>>: Bóng rổ phát triển như vũ bão nhưng Liên đoàn bóng rổ vẫn... giậm chân tại chỗ

>>> Hoạt động của các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao Thái Lan với sự tham gia như thế nào của những tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp?

>>> Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia các nước hoạt động như thế nào?

>>> Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Các Liên đoàn - Hiệp hội đang tụt hậu hàng thập kỷ

>>> Làm gì để “giải cứu” các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia?

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm