Liệu đó có phải là một trong những nguyên nhân khiến cho phụ công cao 1m87 có nền tảng thể lực thuộc diện tốt nhất nước này dính chấn thương? Và câu chuyện các tuyển thủ quốc gia đấu hội làng, nhất là trong thời gian chuẩn bị cho giải VĐQG, cần phải xem xét nghiêm túc để có giải pháp.
Các cầu thủ dự giải hội làng chỉ như một cuộc vui và làm nóng. Họ không tốn nhiều sức, hiếm khi phải thực hiện các pha bật cao, hay các động tác mạnh và khó. Thế nhưng, họ lại phải đối mặt với những nguy cơ khác, gắn với đặc thù và điều kiện riêng của các cuộc đấu ở làng. Đơn cử sân đấu của giải hội làng luôn chỉ là những sân cứng nền xi măng chứ không phải thảm chuẩn của các NTĐ.
Ngoài ra, việc thi đấu ngoài trời cùng tính chất của giải hội đã khiến các cầu đấu theo kiểu ngẫu hứng, tự do chứ không theo kỹ thuật cơ bản. Từ đó, chấn thương hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Mỗi dịp năm mới, các đội bóng cùng các cầu thủ luôn được cảnh báo về việc có nên dự giải hội làng hay không. Thế nhưng, các hội làng vẫn thu hút ngày càng đông các CLB mạnh cùng tuyển thủ quốc gia.
Rõ ràng, những cuộc đấu hội làng giờ rất khác. Ngoài chuyện vui, còn là một nguồn thu nhập tốt và dễ dàng, đồng thời có thu hoạch cả về chuyên môn trong bối cảnh các đội thiếu cơ hội cọ xát trước giải VĐQG.
Trên thực tế, chính các tuyển thủ cũng biết việc dự hội làng có những mặt trái cùng nguy cơ hiển hiện của nó, thế nhưng họ vẫn “máu mê” vì những lý do hấp dẫn kể trên. Một ngôi sao như Hữu Hà, Văn Kiều, Phạm Yến có khi chỉ qua vài hội làng đã có cả 15-20 triệu đồng, còn hơn cả thu nhập chính thức một tháng.
Có lẽ việc cấm cầu thủ đấu hội làng là bất khả thi, song cần có cách thức quản lý, kiểm soát hiệu quả để tránh những ảnh hưởng tiêu cực, rõ nhất như chấn thương. Những người có trách nhiệm cần phối hợp với các CLB để có giải pháp, đặc biệt với các tuyển thủ quốc gia. Còn chính các cầu thủ cũng phải nâng cao nhận thức để tránh sa đà, và tự bảo vệ mình.