Huyền thoại việt dã Bùi Lương: 78 tuổi vẫn “trốn” nhà đi huấn luyện

thứ năm 18-2-2016 23:11:55 +07:00 0 bình luận
Sau mấy ngày nghỉ Tết, cụ ông đã bước sang tuổi 78 này lại một mình lặn lội vào Bình Phước để tiếp tục làm HLV. Ông bảo đây đã là lần thứ 5 mình phải “xin lỗi” và “xin khất” cụ bà cho câu trả lời “bao giờ mới chịu nghỉ hưu”.

Năm thứ 5 phải xin lỗi… cụ bà

Cách đây 6 năm, ở tuổi 72, tượng đài đường chạy việt dã Bùi Lương đã chia tay đội điền kinh Biên Phòng để nghỉ ngơi, và có điều kiện bù đắp, chăm lo cho người vợ cả đời xa chồng biền biệt của mình. Bản thân cùng cả nhà đã thống nhất như thế song khổ nỗi, ông lại lập tức trở thành mục tiêu săn đón của hàng loạt đơn vị.

Nơi nào cũng thiết tha nhờ cậy, rồi tập trung “khai thác” vào đúng cái máu nghề hãy còn quá lớn của ông già gân. Trong đó, bền nhỉ nhất chính là lãnh đạo thể thao Bình Phước. Họ đã nhiều lần trong mấy tháng trời bay ra tận Thủ đô để vận động ông, rồi thuyết phục qua cả bà. Họ còn viện dẫn cả lý do đường chạy dài Bình Phước đang tan dã, học trò đang bơ vơ để mong ông ra tay “giải cứu”.

thể thao

Cuối cùng, sau những đắn đo, ông đã quyết định vào giúp điền kinh Bình Phước một thời gian. Và ông cũng chỉ được cụ bà miễn cưỡng đồng ý khi cam kết chỉ đi huấn luyện theo từng đợt vài tháng một.

Thế nhưng, Bùi Lương đã vào Nam theo các học trò suốt cả năm, chỉ tranh thủ 2-3 lần về nhà. Chính ông cũng dự định chỉ làm thêm 1 năm chẳng ngờ kéo luôn cho tới tận bây giờ. Đây đã là năm thứ 5, ông phải “xin lỗi” và “xin khất” cụ bà cho câu trả lời “bao giờ mới chịu nghỉ hưu”. Việc khó nhất của ông mỗi dịp nghỉ Tết chính là làm sao để thuyết phục cụ bà “cho tôi đi huấn luyện nốt… năm nữa”. Vì quá hiểu tính chồng, nhất là tình yêu cùng sự gắn bó máu thịt với đường chạy nên cụ bà chỉ còn cách động viên chồng giữ gìn sức khỏe.

“Midas” đường chạy việt dã

Trong các lý do khiến Bùi Lương ưu tiên chọn lựa Bình Phước có chuyện ông đã quá quen, thậm chí còn “đặc biệt thích” với công việc khó, mới – nơi luôn đòi hỏi ông thầy phát huy cao nhất năng lực xuất sắc, chuyên biệt của HLV. Ở Hà Nội, Vĩnh Phúc hay Biên Phòng khi trước đều như vậy cả, Bùi Lương đều “cầm trịch” từ đầu đến cuối mảng chuyên môn, và luôn thành công, để lại cả một nền tảng vững chắc lâu dài. Ông được coi như một ông “vua Midas” của đường chạy việt dã.

Thực tế, trên đất Bình Phước, Bùi Lương chỉ mất đúng 1 năm để gây dựng lại đội việt dã từ con số 0 nổi lên như một “hiện tượng” mới. Đến giờ, đội quân gồm 20 thành viên thuộc các tuyến do một tay ông tuyển chọn, đào tạo, chăm lo, dẫn dắt đã trở thành một thế lực hàng đầu Việt Nam. Tại SEA Games 28, có 2 học trò của ông giành quyền dự tranh, trong đó Hoàng Nguyên Thanh đoạt tấm HCĐ quý như Vàng.

thể thao

Đến giờ vẫn không có gì ở đường chạy dài Việt Nam “nằm ngoài” cụ ông 78 tuổi Bùi Lương. Ông vẫn nằm lòng từng thông số, bước chạy của các học trò cũ trên ĐTQG, rồi lực lượng, thuận lợi và khó khăn của các địa phương, thậm chí cả những biến động nhỏ.    

Hành trình độc nhất vô nhị của HLV thể thao thành tích cao già nhất Việt Nam, mà có thể cả trên thế giới vẫn đang dài thêm.

Tạm thời, ông mới chỉ lên cho mình một kế hoạch sẽ phải nghĩ ngơi trước tuổi 80 để chuẩn bị đón và khao thọ.

78 mà như… chưa đến 60

Đó là ví von vui mà các đồng nghiệp dành cho lão tướng Bùi Lương, HLV cao tuổi nhất còn đang tác nghiệp đỉnh cao của TTVN “ 78 mà cứ như chưa đến….60”, nhất là xét trên sức khỏe và sức làm việc.

Bùi Lương vẫn đi lại thoăn thoắt, mắt tinh, lưng thẳng, cười nói sang sảng, có thể đáp ứng tốt một lịch làm việc dày đặc, nặng nhọc giống như bất cứ HLV nào của ĐTQG, cũng như mọi áp lực tại các giải đấu đỉnh cao. 

thể thao

Ngoài sự rèn luyện qua hơn nửa thế kỷ với đường chạy, sở dĩ Bùi Lương có sức khỏe, sức làm việc phi thường như thế còn nhờ nếp sống đặc biệt giản dị, lành mạnh của ông. Ông  không uống rượu, hút thuốc, ăn uống khoa học, tập luyện đều đặn. Cả khi huấn luyện hay nghỉ ở nhà, Bùi Lương vẫn duy trì nếp bắt đầu một ngày từ khoảng 4h “chào buổi sáng” bằng một vòng chạy 5km, rồi kết thúc một ngày với 45 phút đi bộ vào buổi tối.

Ông mới có 2 lần phải vào bệnh viện, nhưng chỉ là với 2 bệnh hết sức thông thường, lần đầu tiên từ năm 1984 để khám họng và mãi 15 năm sau mới phải quay lại để khám răng.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm