Chuyện kỳ thú điền kinh Thanh Hóa: Từ số 10 vọt lên số 1

thứ hai 15-2-2016 22:48:51 +07:00 0 bình luận
Trong số 4 tài năng tầm cỡ hàng đầu khu vực, tiếp cận đỉnh cao châu lục của điền kinh Việt Nam, xứ Thanh đóng góp tới 3. Cả hai tuyển thủ đang tập huấn nước ngoài để chuẩn bị cho Olympic đều là quân Thanh Hóa.

Cái gì cũng nhất

Cách đây 10 năm, điền kinh Thanh Hóa dù luôn được đánh giá cao về tiềm năng, tố chất con người mới chỉ đứng thứ 10 tại giải vô địch quốc gia, với vài tấm huy chương. Kỷ lục gia nhảy xa Lê Thị Phương hay chuyên gia nội dung 3.000 m chướng ngại vật Nguyễn Thị Phương là hai trường hợp ngoại lệ và đột xuất vươn được tới tầm khu vực. Thế nhưng đến giờ xứ Thanh đã trở thành một hiện tượng ngoạn mục không chỉ của môn điền kinh mà cả TTVN, mà như đánh giá của giới chuyên môn thì “cái gì cũng nhất”.

điền kinh

Ở sân chơi trong nước, tại một cuộc đấu thể hiện rõ nhất nền tảng và diện mạo là Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Thanh Hóa đã vượt mặt các “đại gia” truyền thống như Hà Nội, Quân Đội để giành ngôi đầu một cách đầy  thuyết phục. Họ đã đoạt tới 9 HCV, và đáng ra phải là 12 nếu như tài năng trẻ Quách Thị Lan không chấp nhận hi sinh thành tích vì nhiệm vụ quốc gia.

Đến đấu trường quốc tế, sự vượt trội càng được thể hiện. Quách Thị Lan đã mang về tấm huy chương duy nhất, đáng nói hơn còn là một tấm huy chương màu Bạc cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2014. Tại SEA Games 2015, Thanh Hóa tiếp tục góp công lớn, trong đó nổi bật là tấm HCV lịch sử trên đường chạy tiếp sức 4 x400m và 200m cá nhân nam.

Sở hữu 3 trên 4 tài năng trẻ đặc biệt

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tương lai của điền kinh Việt Nam, nhất là với các mục tiêu quốc tế tầm cao sẽ phụ thuộc lớn vào xứ Thanh. Đơn giản vì trong số 4 tài năng trẻ đặc biệt, Thanh Hóa đóng góp tới 3, gồm Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, Lê Trọng Hinh, bên cạnh ngôi sao Nguyễn Thị Huyền của Nam Định.

lan

Thậm chí, nếu Nguyễn Thị Huyền đang chạm ngưỡng thì cả Lịch, Lan, Hinh mới đang bước vào thời kỳ tăng tốc phát triển. Bộ ba này đã đạt tới đẳng cấp hàng đầu khu vực, tiếp cận đỉnh cao châu lục. Riêng Quách Thị Lan từng về nhì nội dung 400m ASIAD 2014 và được đầu tư để tranh chấp sòng phẳng HCV ASIAD 2018, cũng như đạt thứ hạng cao Olympic 2020. Họ cũng đang sẵn sàng cho một kỳ SEA Games 2017 đại thắng khi hoàn toàn đủ sức để đoạt tới 7 HCV.

Kế hoạch “khủng” trên đất Mỹ

Hiện tại điền kinh Việt Nam đang có 2 tuyển thủ đang tập huấn ở nước ngoài, đều trên đất Mỹ. Rất thú vị bởi đó không phải là 2 gương mặt của những địa phương giàu nguồn lực như Hà Nội hay TP.HCM mà lại đến từ Thanh Hóa: 2 anh em ruột Quách Công Lịch và Quách Thị Lan.

hinh

 Ngay sau SEA Games 28, với sự chủ động đến mức quyết liệt của ngành thể thao Thanh Hóa, Lịch và Lan đã được đưa sang Mỹ luyện tài tại một trung tâm nổi tiếng, dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia đẳng cấp cao. Xứ Thanh đang hướng tới một đích nhắm “khủng” tầm cỡ ASIAD và Olympic với 2 tài năng trẻ đặc biệt này. Tới đây, nhà ĐKVĐ SEA Games đường chạy 200m Lê Trọng Hinh cũng sẽ có mặt tại Mỹ với quyết tâm sớm trở thành ông “Vua tốc độ” của khu vực Đông Nam Á.

Thành công ngoạn mục của điền kinh Thanh Hóa không dừng lại ở một môn thể thao cụ thể mà còn minh chứng cho một cách nghĩ cách làm mang tính đột phá của cả TTVN trong mô hình sáp nhập ngành.

"Thành công bước đầu của điền kinh Thanh Hóa là kết quả của một quá trình chuẩn bị bài bản, toàn diện, gắn với sự quan tâm đầu tư đặc biệt của ngành thể thao và cao hơn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ 2009, điền kinh đã được coi là môn trọng điểm số 1 trong quy hoạch phát triển thể thao tỉnh đến 2020, với nguồn kinh phí và những giải pháp mang tính đột phá. Chúng tôi đã không còn phải lo đến vấn đề khó nhất là kinh phí. Thậm chí, nếu ngành thể thao không quyết định đưa những tài năng như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch ra nước ngoài tập huấn với phương thức trung ương và địa phương cùng chia sẻ kinh phí, chúng tôi cũng sẽ tự lo”. Trưởng bộ môn điền kinh Thanh Hóa Lưu Văn Hùng

70 tỷ & hạng 4

Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Thanh Hóa đã khiến các địa phương khác phải ngạc nhiên với khoản đầu tư lên tới 70 tỷ đồng. Nhờ thế, các đội tuyển xứ Thanh không chỉ có được điều kiện tập luyện, thi đấu, đãi ngộ cao nhất mà còn có các chuyến xuất ngoại tập huấn. Kết quả dù chỉ đặt mục tiêu lọt vào Top 10, Thanh Hóa đã vọt lên xếp hạng 4 toàn đoàn, chỉ sau 3 “đại gia” HN, TP.HCM, Quân đội với 46 HCV, 30 HCB, 29 HCĐ.

  

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm