Quy mô “oách” nhất thế giới
Về số lượng thuần túy, giải VĐQG bóng chuyền đang thuộc diện… hàng đầu thế giới với sự tham dự của 12 đội bóng. Hiện tại ngoài Việt Nam, chỉ Trung Quốc duy trì một cuộc đấu có quy mô “hoành tráng” tương tự. Phương thức tổ chức giải với 12 đại diện bắt đầu từ mùa 1999, xuất phát từ mặt bằng chung rất thấp, tình trạng nửa phong trào nửa đỉnh cao của các đội, hệ thống các giải không rõ ràng. Việc “gom” các đội có khả năng vào chung được coi như một giải pháp tình thế không thể khác, nhằm nâng chất cho chính các đội cùng cả giải.
Thế nhưng cách thức ấy đã sớm bộc lộ bất cập rất cơ bản khi ngay từ đầu khoảng cách trình độ giữa các đội đã rất lớn, và ngày càng tiếp tục phân hóa. Trong vài mùa giải trở lại đây, nó đã thực sự khiến cho giải đấu quốc nội cao nhất của bóng chuyền Việt Nam rơi vào sự trì trệ, tụt hậu, cũng như kìm hãm sự phát triển của cả môn.
12 đội phân thành… 4 đẳng cấp
Có lẽ không có giải VĐQG nào ở Việt Nam, cũng như bóng chuyền thế giới lại phân ra 4 nhóm trình độ với sự khác biệt hoàn toàn như môn này. Thậm chí, so ngay nhóm dẫn đầu gồm Thông tin LienVietPostBank, Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương Việt Nam với nhóm thứ 2 của những Thanh Hóa, Thái Bình cũng đã có sự chêch lệch rõ rệt. Các cuộc đối đầu giữa 2 nhóm này gần như không thể có bất ngờ. Và hết mùa này tới mùa khác, 2 “đại gia” Thông tin LienVietPostBank hay Bình Điền Long An coi như cả giải chỉ phải đấu đúng 2 trận, 1 trận bán kết và 1 trận chung kết. Còn lại vòng bảng với họ đúng nghĩa chỉ như một cuộc dạo chơi, vừa tranh thủ tạo cơ hội tập dượt, đào tạo cho các cầu thủ trẻ, vừa để các trụ cột dưỡng sức và làm nóng.
Chính tình cảnh 12 đội phân thành 4 đẳng cấp như thế đã dẫn đến thảm họa về chất lượng chuyên môn của giải đấu vẫn mang danh đỉnh cao quốc nội ấy, nhất là vòng bảng. Những cuộc chạm trán, đơn cử Thông tin LienVietPostBank với Quảng Ninh hay Bình Điền Long An – Hải Dương chẳng khác gì một màn “tra tấn” đối với cầu thủ 2 đội, cùng khán giả.
Một giải VĐQG qua 2 vòng đấu bảng, 1 VCK mà chỉ có khoảng 4-5 trận đáng xem đủ biết tệ hại đến mức nào. Riêng mục tiêu quan trọng bậc nhất là phát hiện, rèn giũa cầu thủ trẻ, nâng tầm cho các tuyển thủ quốc gia cũng bất thành vì thế.
Càng khốn khổ hơn cho bóng chuyền nữ bởi qua suốt bao nhiêu mùa, giải đấu hạng A phía dưới không hề mang tới cho giải VĐQG nổi một vài đại diện mới, đủ sức làm thay đổi tình hình phần nào. Những Quảng Ninh, Hải Dương hay Biên Phòng thay nhau xuống hạng rồi lại lên hạng, bởi khi đấu ở giải hạng A, họ vẫn mạnh nhất.
Tất cả đã tạo nên một vòng luẩn quẩn làm cho bóng chuyền nữ đang giậm chân tại chỗ, trong sự lúng túng và bị động của “đầu tàu” quản lý – bộ môn và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Nó cũng lý giải tại sao môn này đang lãng phí tiềm năng và điều kiện hiếm có của mình.
Hà Thảo
Rất bi hài và đáng tiếc cho giải VĐQG cũng như cả bóng chuyền nữ bởi chỉ trong năm 2014, liên tiếp hai đội bóng Vietsov Petro và Bia Sài Gòn Thái Bình Dương được coi như một “hiện tượng” mang lại sức bật lại đều bị giải thể. Đây là hai CLB theo mô hình xã hội hóa, có nguồn lực tài chính dồi dào, cùng cách làm nhiều đột phá. Thực tế, ở các mức độ khác nhau, họ đã làm thay đổi diện mạo cũ mèm cho cả môn, song đã bị “khai tử” sau quyết định chóng vánh của doanh nghiệp sở hữu.
Sau một vài mùa giải có sự thay đổi, giải VĐQG bóng chuyền lại tiếp tục rơi vào lối mòn trong cách thức tổ chức khi vòng 1 được mặc định tổ chức tại các địa phương khu vực Phía Bắc. Còn quyền đăng cai vòng 2, kèm theo VCK của giải thuộc về các địa phương phía Nam. Điều đó đã dẫn đến sự bất hợp lý và bất công lớn đối với chính các đội bóng, và đặc biệt là cho khán giả.