Thợ hồ và võ sĩ khổng lồ
Ngọc Tú được các HLV môn Silat của Vĩnh Phúc phát hiện ngẫu nhiên khi đang làm thợ hồ tại một công trình tư nhân. Thấy hình thể đặc biệt đến khó tin của anh chàng phụ hồ, họ lập tức tiếp cận để tìm hiểu rồi mời về đội tập luyện thử. Tú đồng ý ngay bởi hiểu rằng đây là một cơ hội đổi đời gần như duy nhất, và bản thân lại rất mê thể thao.
HLV Nguyễn Xuân Hùng vẫn còn nhớ như in ngày đầu cậu học trò gia nhập đội cách đây 2 năm chỉ với một bộ quần áo cũ chật ních đang mặc trên người và đôi chân trần ngoại cỡ. Anh đã phải nhờ bạn tận Hà Nội tìm khắp nơi mới mua được 2 bộ quần áo đủ rộng dài cho Tú mặc tạm. Còn dép đi kiếm không ra, buộc phải khắc phục bằng cách mua cỡ to nhất về tự “làm lại”. Rất may đặc thù môn này tập luyện, thi đấu không cần giày nên Tú mới trụ lại được bởi chẳng có một loại nào vừa chân, trong khi từ bé anh cũng chưa một lần xỏ vào giày. Thời điểm ấy, mới 16 tuổi, Tú đã cao tới 2m08 và nặng trên 110 kg.
Cả nhà không ai quá 1m75
Đang là quân của Silat Vĩnh Phúc song quê gốc của Ngọc Tú ở mãi Thanh Hóa (xã Thiệu Trịnh, huyện Thiệu Xuân). Điều kỳ lạ, cả dòng họ và gia đình của Tú đều không có gì nổi trội, khác biệt về chiều cao so với mặt bằng chung. Bố anh tương đối cao cũng chỉ 1m75 còn mẹ thậm chí chỉ 1m60. Người anh trai ruột cũng đạt 1m75 như bố, trong khi 2 cô em gái với sự phát triển như hiện tại khó có thể vượt được mức 1m60 của mẹ.
Duy nhất Tú sau thời gian đầu hoàn toàn bình thường bắt đầu “lớn nhanh như thổi”, bất chấp điều kiện ăn uống thiếu thốn và không hề biết đến thể dục thể thao. Ở tuổi 12, Tú đã khiến người thân và dân làng choáng váng vì đã cao 1m75. Chỉ thêm 1 năm, cậu thiếu niên đã chạm mốc 1m80. Và đến năm 16 tuổi, anh chàng này đã vượt qua cột mốc 2m00 tới… 8cm.
2m12 chưa phải là giới hạn cuối
Theo HLV Xuân Hùng, từ khi nhận Ngọc Tú về đội, ông đã chủ động khống chế chiều cao và cân nặng, nhằm tập trung nâng cao thể lực, rèn kỹ thuật cho học trò, nhằm đảm bảo tốt nhất các đòi hỏi chuyên môn của hạng cân siêu nặng 110kg. Tú tuyệt nhiên không động gì đến các bài tập hay hoạt động có tác dụng cho việc tăng chiều cao.
Thế nhưng, thực tế chiều cao của Tú vẫn tiếp tục tăng trưởng, dù đã chậm lại đáng kể. Qua 2 năm, ở lần đo gần nhất, võ sỹ 18 tuổi xứ Thanh đã cao thêm 4cm, đạt mức 2m12. Đó sẽ không phải là giới hạn cuối và Tú gần như chắc chắn có thể tăng thêm chiều cao “không thể tin nổi” của mình ít nhất vài cm nữa.
Như lời ông Hùng, ngoại trừ chiều cao “bất thường” tới 2m12, mọi yếu tố khác ở Tú đều diễn ra bình thường và tự nhiên. Nhờ luôn thực hiện tốt giáo án chuyên biệt mà các thầy đặt ra, Tú đang có thể lực sung mãn, hoàn chỉnh các kỹ thuật để bắt đầu tham gia tranh tài tại các giải đấu tầm quốc gia.
Phúc Tường
Trong giới thể thao, người được ghi nhận cao nhất trước Ngọc Tú là chủ công Nguyễn Ngọc Thắng của đội nam Long An với 1m99. Cầu thủ sinh năm 1998 này được dự báo sẽ sớm vượt qua
mốc 2m00.
Ngoài chiều cao 2m12, Ngọc Tú còn có một đôi bàn chân dị thường, cả về chiều dài lẫn chiều ngang, với hai thông số tương ứng là 37cm và 16cm. Kể từ bé, Tú chưa từng môt lần được đi giày vì không vừa một cỡ giày nào. Giả dụ có sản xuất một loại giày nào riêng cho anh thì cũng phải cỡ 55 hay 56.
Vĩnh Phúc từng nhờ chúng tôi kiểm tra tư vấn kỹ lưỡng trường hợp của võ sĩ Ngọc Tú với chiều cao khi đó là 2m08 ở tuổi 16. Đây là một sự tăng trưởng đặc biệt do đột biến gen, với biểu hiện cụ thể là ở tuyến nội tiết. Rất mừng vì các chỉ số khác của Tú vẫn bình thường, có thể đảm bảo cho việc sinh hoạt, hay kể cả tập luyện thể thao”.
Bác sỹ Phạm Xuân Ngà (Bệnh viện Thể thao Việt Nam)