Cử tạ Việt Nam được gây dựng từ 25 năm trước với chỉ đúng hai địa phương Hà Nội và TP. HCM cùng một giải đấu đầu tiên vỏn vẹn 27 VĐV. Đến giờ, môn này đã có thành tích vươn tới đỉnh thế giới, với cả chục nhà vô địch thế giới, châu lục. Tấm HCB Olympic của Hoàng Anh Tuấn, ngôi vô địch thế giới của Thạch Kim Tuấn hay Trịnh Văn Vinh là những thành quả ngoạn mục mà các môn khác phải mơ ước. Trong đó, riêng hạng cân 56 kg nam đã trở thành một “mũi nhọn” duy nhất của thể thao Việt Nam đã đạt tới đẳng cấp hàng đầu thế giới, liên tục sản sinh ra các tài năng đặc biệt.
Thế nhưng, thật khó tin, môn thể thao số 1 ấy lại đang rơi vào thảm cảnh kéo dài.
Các lực sĩ cử tạ Việt Nam đang tập luyện trong điều kiện tồi tàn chẳng khác mấy hồi khởi đầu. Cả nước hiện tại chỉ có đúng 3 phòng tập chuyên dụng ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia 1 (Hà Nội) cùng hai trung tâm Hà Nội và TP. HCM. Ngay cả 3 phòng tập hiếm hoi này cũng chỉ mới đáp ứng ở mức tối thiểu, ngang phòng tập phong trào của nhiều nước.
Đáng nói hơn, có tới 18 địa phương, đơn vị đang tiến hành đào tạo VĐV tại những địa điểm vô cùng khó tin, ở dưới gầm SVĐ, sân ngoài trời hay thậm chí gara ô tô… Tất cả đều chỉ trên nền đất hay nền xi măng được lót đệm cao su. Ngoài những quả tạ giá rẻ, khác xa với chuẩn quốc tế, các đô cử - vốn phải chịu hàng trăm tấn trọng lượng hàng tháng - không hề có các thiết bị bổ trợ, không được chăm sóc y học và chỉ hưởng mức dinh dưỡng 100-150 ngàn đồng/ngày.
Khi Hoàng Anh Tuấn mang về tấm HCB lịch sử tại Olympic 2008, cả môn cử tạ chỉ có 50-60 ngàn USD mỗi năm cho việc tập huấn, thi đấu quốc tế, mua sắm trang thiết bị dụng cụ, thuốc men. Mức đầu tư sau đó có được tăng lên qua từng năm, song tối đa cũng chỉ khoảng 100.000 USD. Kinh phí mỗi năm cho cả môn chỉ hơn 2 tỷ đồng, tương đương với số tiền mà Thái Lan đầu tư cho một đô cử hàng đầu của họ.
Mọi chuyện gần đây đã đỡ khó khăn hơn với sự chung sức từ các đơn vị chủ quản, rõ nhất với Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, đó cũng mới là giải pháp tình thế, chỉ có thể giải quyết được “phần ngọn”. Bộ môn cử tạ gần như không thể chỉ đạo định hướng và hỗ trợ được gì cho các cơ sở và đành phải trông đợi vào sự xuất hiện của các đô cử đúng nghĩa “lúa trời”.
Chính xác, những kỳ tích liên tiếp của các lực sĩ cử tạ đều xuất phát từ những nỗ lực vượt khó chịu khổ tự thân. Và việc cử tạ Việt Nam liên tục sản sinh ra các tài năng trẻ đặc biệt chủ yếu cũng nhờ tiềm năng, tố chất, sự phù hợp hiếm có của con người Việt Nam với các hạng cân nhẹ.
Dù những người có trách nhiệm của thể thao Việt Nam luôn coi cử tạ là môn “mũi nhọn” hàng đầu song thực tế lại hoàn toàn khác. Cử tạ chưa từng nhận được sự quan tâm chăm lo xứng đáng, nếu không muốn nói còn thua kém nhiều môn khác có khả năng và thành tích quốc tế dưới mình hẳn một bậc.
Ngành thể thao đang nhìn nhận cử tạ ở một góc độ quá hẹp qua một vài hảo thủ như Kim Tuấn, Quốc Toàn, Văn Vinh chứ không phải với tư cách của một môn gần như duy nhất hội đủ các yếu tố cần thiết trở thành “mũi nhọn” tầm quốc tế, rõ nhất với hạng 56kg nam, nội dung mang về cả huy chương Olympic lẫn ngôi vô địch thế giới. Trong khi đó, Liên đoàn Cử tạ Thể hình Việt Nam qua một nhiệm kỳ đầu tiên gần như cũng chưa làm được gì đáng kể cho môn cử tạ.
Mới đây, tại Đại hội nhiệm kỳ mới, Liên đoàn Cử tạ Thể hình Việt Nam công bố đã huy động được 11 tỉ đồng trong 5 năm vừa rồi, và để lại 3 tỉ đồng cho nhiệm kỳ tới. Chỉ có điều, thật cay đắng, gần như toàn bộ số tiền đó có được đều nhờ… “bên” thể hình.