Sumo - biểu tượng của đất nước Nhật Bản - vẫn giữ được truyền thống và những nghi lễ đã tồn tại từ hằng trăm năm trước.
Sumo là môn võ lâu đời nhất của Nhật Bản và cũng là niềm tự hào của đất nước mặt trời mọc. Từ hằng trăm năm trước, việc hai đô vật to béo, vạm vỡ cố gắng đẩy nhau ra khỏi vòng tròn cát đã trở nên hết sức thịnh hành tại xứ sở hoa anh đào.
Hầu hết các đô vật sumo đều phải sống trong những lò luyện tập thể, được biết đến bằng tiếng Nhật là “heya”. Đây là nơi mà mọi sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày, từ bữa ăn đến cách ăn mặc, đều được kiểm soát hết sức khắt khe.
Giống như món sushi hay kiếm Katana, Sumo là một biểu tượng hết sức đặc trưng của văn hóa Nhật. Các đô vật còn được gọi là các “rikishi”. Họ là những những vận động viên có chế độ tập luyện và sinh hoạt khá đặc biệt.
Ở lò luyện danh tiếng Tomozuna Stable, các vận động viên dành ra hơn 3 tiếng mỗi buổi sáng để tập luyện. Mục đích của môn vật sumo là đẩy đối phương ra khỏi sàn đấu tròn, hoặc khiến cho đối thủ ngã. Vậy nên một trận đấu Sumo có thể kết thúc chỉ trong vài giây.
Bữa ăn của các đô vật được chia làm 2 bữa/ngày với tổng lượng hấp thụ khoảng 8.000 calo. Để so sánh, một người bình thường trung bình chỉ cần nạp từ 2.000 đến 2.500 calo/ngày để đảm bảo năng lượng.
Các đô vật trẻ thường là người chuẩn bị thức ăn với những món từ móng giò, cá rán ngập dầu, rau quả, cơm trắng và đặc biệt là món lẩu truyền thống “chanko nabe”.
Để giữ cân, các võ sĩ sẽ đi ngủ ngay lập tức sau khi ăn. Họ thường ngủ trên nền nhà và đeo một bộ mặt nạ chuyên dụng để giúp hơi thở lưu thông. Đây cũng là cách phòng tránh thông dụng cho bệnh ngưng thở khi ngủ (sleep apnea).
Hành trình gian khó để trở thành một Sumo chuyên nghiệp khiến ngày càng có ít thanh niên Nhật Bản lựa chọn con đường này để theo đuổi. Điều đó lý giải vì sao số lượng "Sumo ngoại" gia tăng.
Tuy nhiên cuộc sống của các đô vật Sumo nước ngoài luyện tập và thi đấu tại Nhật Bản cũng có không ít khó khăn. Họ cần phải hoàn toàn “hòa tan” vào văn hóa Nhật. Để trở thành một “rikishi” đích thực, họ thậm chí phải bỏ quốc tịch mẹ đẻ.
Ví dụ như Tomozuna Oyakata, một đô vật gốc Mông Cổ nổi tiếng với biệt danh Kyokutenho trên sàn đấu. Anh đã từ bỏ quốc tịch Mông Cổ và cái tên Nyamjavyn Tsevegnyam sau khi cưới vợ người Nhật.
“Chúng tôi búi tóc, mặc kimono, đi xăng-đan, sống theo luật pháp Nhật Bản và truyền thống của Sumo. Có lẽ chúng tôi chỉ tình cờ được sinh ra ở một quốc gia khác”, Tomozuna nói.
Sumo có thể gợi đến điều gì đó cổ xưa, nhưng các môn đồ của môn võ này không hề lạc hậu. Họ cũng có smartphone và tài khoản mạng xã hội như những người bình thường khác.
Ngoài ra, các đô vật còn có một lượng fan hâm mộ đông đảo và cuồng nhiệt. Việc được các fan chụp hình, xin chữ ký hay tặng đồ ăn là chuyện bình thường với các võ sĩ.
Giống như các vận động viên thể thao khác, các đô vật Sumo cũng có cuộc sống xã hội khá phong phú. Họ thường xuyên tham gia các buổi gặp gỡ fan hâm mô hay những bữa tiệc trao danh hiệu. Họ cũng là những khách mời ưa thích tại các lễ hội, festival lớn tại xứ sở hoa anh đào.
Sumo là môn thể thao truyền thống của Nhật Bản, nhưng giới trẻ nước này lại không thực sự chú ý đến nó do việc luyện tập cực nhọc cùng cách sinh hoạt theo truyền thống của Sumo, và đó cũng là là lý do tại sao hiện tại đang có rất nhiều đô vật nước ngoài thống trị môn thể thao này, ngay trên đất Nhật.