Mất tất cả, chỉ còn hy vọng
Evander Holyfield lại cảm thấy hạnh phúc! Khái niệm ấy thoạt nghe thật xa lạ, nếu theo dõi sát mọi thông tin liên quan tới võ sĩ quyền Anh huyền thoại này. Bởi lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà mãi tới năm ngoái, Holyfield mới chính thức tuyên bố giải nghệ ở tuổi 51. Khi đưa ra quyết định đó, tay đấm duy nhất từng 4 lần vô địch hạng nặng thế giới vẫn còn mơ tới một trận đấu cuối cùng, vì vẫn chưa cam lòng tin rằng cú đánh hạ đo ván đối thủ Đan Mạch Brian Nielsen hồi đầu tháng 5/2011 tại Copenhagen đã là lần thượng đài sau chót.
Sở dĩ Holyfield đã phải gồng mình chiến đấu tới độ tuổi mà nhiều công chức sắp nghỉ hưu, có lẽ cần nhắc lại rằng trước đó, huyền thoại của làng quyền Anh đã rơi vào túng quẫn như thế nào. Hồi tháng 6/2008, ông từng nhận quyết định tịch thu và bán đấu giá ngôi nhà trị giá tới 10 triệu USD với 109 phòng và 17 phòng tắm tọa lạc trong khuôn viên rộng 5.000m2 ở ngoại ô Atlanta của Ngân hàng Washington Mutual. Họa vô đơn chí, Toi Irvin – một trong 6 bà vợ của Holyfield và có với ông đứa con trai 10 tuổi - đệ đơn kiện Holyfield về tội thiếu 2 tháng chu cấp cho con khi ông phải trả tiền chăm nuôi mỗi tháng 3.000 USD. Đồng thời, công ty làm vườn Utah cũng nộp đơn kiện Holyfield về tội không trả tiền phục vụ lên tới 550.000 USD.
Nói tóm lại là trong 26 năm đánh đấm, toàn bộ số tiền 230 triệu USD mà Holyfield kiếm được cho tới lúc giải nghệ đã theo gió bay xa, tương tự 3 bà vợ của ông. Tình hình càng bi đát do cả 11 đứa con mà 6 người phụ nữ của đời ông sinh ra vẫn cần phải chu cấp đầy đủ. Bù lại, những nỗ lực đổi đời của bọn trẻ đang mở ra tương lai tươi sáng hơn trước mắt Holyfield. Elijah - một trong những đứa con trai của ông - hiện được xem như một trong những trung vệ bóng đá kiểu Mỹ xuất sắc nhất tại các trường học. Evan – một người con trai khác - đang hy vọng tiếp bước cha anh để tạo dựng tên tuổi trên sàn đấu.
Bài học về “đời” của người mẹ
Dù vậy, Holyfield tin rằng chỉ hy vọng là chưa đủ để thành công. Đấy là bài học mà ông được mẹ dạy, nay muốn truyền cho các con khi có lần chứng kiến Evan trong phòng nhồi thể lực tại Atlanta. Holyfield nhắc lại những lời mà mẹ ông từng dạy cho mình, tất cả đều cách nay rất nhiều năm. Vì so với con trai, tuổi thơ ông cũng “dữ dội” chẳng kém do là con út trong 9 anh em và nhỏ hơn rất nhiều so với các anh em ruột khác, lại còn cùng mẹ nhưng khác cha.
Bối cảnh ấy đã đẩy đưa Holyfield sớm đến với quyền Anh như cơ hội đổi đời lúc 7 tuổi và đăng quang ở giải vô địch quyền Anh các CLB Thiếu niên. Đến tuổi 13, ông giành được suất dự lứa tuổi trẻ đầu tiên tại Olympic. Ở tuổi 15, Holyfield trở thành nhà vô địch vùng Đông Nam nước Mỹ và nhận giải Tay đấm xuất sắc nhất. Đến năm 1984, ông đã có thành tích thắng 160 trận, bao gồm 76 chiến thắng bằng K.O với 14 trận thua. Holyfield giải thích bí quyết thành công đó: “Mẹ tôi từng bảo rằng ‘đừng bao giờ hối tiếc. Con phải tự quyết định số phận của chính mình, chọn lựa nó bằng niềm tin và thể hiện điều đó qua lời nói’.”.
Do đó, khi nghe thấy Evan tâm sự rằng “có lẽ” cậu muốn dự Olympic để “chỉ giống như cha từng làm 31 năm trước”, Holyfield đã tức đến run người. Giữa lúc Evan nắm chặt hai tay lại với tâm trạng đầy lo sợ, Holyfield răn dạy: “Những người đưa ra đề nghị về những chuyện có thể xảy ra đều chẳng thể trở thành nhà vô địch. Những người sẽ trở thành nhà vô địch là những người dám nói: ‘Đó là điều mà tôi sắp làm’.”. Khi được hỏi nhỏ rằng từng nghe Holyfield nói như thế bao nhiêu lần, Evan đã lè lưỡi cho biết: “Nhiều lắm”.
“Bom nổ chậm” hết... chết nhát
Holyfield đang cố gắng truyền đạt lời mẹ dạy cho các con vì hiểu rằng ông chẳng thể có một sự nghiệp vĩ đại nếu không có bà, ngay cả khi thừa nhận mình có thể hình của “quả bom nổ chậm”. Bởi hồi tốt nghiệp trung học, ông chỉ cao 1,73m và nặng 67kg. Đến năm 21, ông cao 1,83m và nặng 81kg. Trong những năm đầu của tuổi đôi mươi, ông còn cao thêm 6,4cm để đạt đến chiều cao cuối cùng là 1,89m. Vậy mà ít ai ngờ, “quả bom nổ chậm” ấy vốn thuộc loại chết nhát khi trưởng thành trong nghèo khó tại vùng ngoại ô của Sugar Hill, và chỉ thay đổi nhờ vào sự khôn ngoan của bà mẹ, Annie.
Holyfield nhớ lại: “Mẹ tôi mới học tới lớp 6, nhưng vậy là đã quá đủ đối với tôi. Tôi không có cha, nhưng thật sự có được một người mẹ lý tưởng. Bà ấy thật sự là một bà mẹ rất ‘xịn’. Mẹ thường khuyên tôi: ‘Con trai ơi, làm người chớ hèn nhát. Vì kẻ hèn nhát có thể chết tới cả ngàn lần, còn người đàn ông đích thực chỉ chết có một lần’. Khi tôi lớn lên trong khu dân da đen, mấy người anh thường bảo tôi rằng ‘bọn nhóc da trắng không biết đánh đấm’. Nào ngờ có ngày, tôi phải thượng đài đấu với một thằng nhóc da trắng gọi là Cecil Collins. Khi tôi đánh nó, nó đánh trả tôi. Và khi người ta tuyên bố Cecil là người chiến thắng, tôi đã bật khóc và chạy về nhà với mẹ, bảo với bà rằng tôi muốn bỏ quyền Anh”.
Holyfield cho biết: “Nghe tôi kể xong, mẹ bảo: ‘Mẹ không nuôi dạy một thằng bỏ cuộc. Con phải trở lại chỗ đó ngay’. Vậy là tôi trở lại, và Cecil lại đánh gục tôi lần nữa. Tôi lại khóc và đòi bỏ cuộc chơi, nhưng mẹ đã lôi tôi quay trở lại sàn đấu. Rốt cuộc, tôi đã đánh bại được cậu ta. Tôi đã vượt qua cuộc sát hạch. Khi tôi về nhà, mẹ tôi bảo tôi rằng đấy là một trong những bài học quan trọng nhất ở đời: ‘Nếu từ bỏ chỉ vì mọi thứ diễn ra không đúng theo cách mình nghĩ, vậy con sẽ chẳng bao giờ đạt được mục tiêu. Vì thế, đừng bỏ cuộc’. Từ đó, tôi không bỏ cuộc”.
Và con tim bỗng vui trở lại…
Hệ quả là sau khi giành HCĐ ở Olympic 1984, ông thâu tóm mọi ngôi vô địch hạng nặng và trở thành tay đấm duy nhất 4 lần VĐTG khi giành luôn các đai vô địch của WBA, WBC và IBF vào năm 1990. Trên hành trình ấy, ông đánh bại hàng loạt tượng đài như Buster Douglas, Riddick Bowe và Mike Tyson. Tiếc là sau đó, Holyfield đã không giữ được những gì từng khổ công kiếm được, nhưng vẫn kiên trì với niềm tin mãnh liệt là có thể lấy lại tất cả, từ các đai vô địch cho đến các biệt thự…
“Đánh mất tất cả thật sự rất đau”, Holyfield thú nhận, “Cách duy nhất giúp tôi vượt qua được là nghĩ rằng ‘Chúa đã cho tôi có được ngôi nhà đó, Ngài sẽ cho tôi có ngôi nhà khác. Kinh Thánh cũng từng viết rằng ‘nửa đời sau của con sẽ tốt hơn nửa đời trước’. Vì vậy, tôi từng kiếm được 230 triệu USD trong nửa đời đầu thì tôi vẫn còn lý do để sống tiếp“. Một trong những lý do đó là được xem Elijah tập luyện trên sân bóng. Môn bóng đá Mỹ này có thể giúp con trai ông kiếm rất nhiều tiền và đây cũng là “tình yêu” đầu tiên của Holyfield, song ông vẫn thích chọn công việc đem lại cho mình cảm hứng hơn, còn giàu có chỉ là phụ.
Thế nhưng, Holyfield vẫn vui vẻ tâm sự: “Bóng đá kiểu Mỹ không khiến tôi hạnh phúc, nhưng đem lại hạnh phúc cho Elijah. Về phần mình, tôi muốn noi gương mẹ để chỉ cho các con hiểu rằng nếu đó là môn thể thao mà chúng yêu thích, nếu đó là môn thể thao có thể truyền cảm hứng cho chúng, vậy chúng sẽ đạt được thành công. Do đó, tôi tự hào khi thấy Elijah tự nhận trọng trách vào mình, kiêu hãnh vì thái độ của nó. Nó xuất thân từ gia đình có truyền thống thể thao tốt, nên người ta tin rằng nó sẽ giỏi. Nhưng giờ đây, tôi không muốn bác bỏ nhận định ấy. Bởi đúng là khó có thể khiêm tốn khi mình là người giỏi nhất”.
Truyền niềm tin vào các con, Holyfield không chỉ trở thành nguồn động lực cổ vũ chúng phát triển. Bởi quan trọng hơn, khi sắm vai của mẹ ông mấy chục năm về trước, huyền thoại của quyền Anh thế giới nay lại thấy đời vui, đồng thời chứng tỏ bản thân vẫn chưa bỏ cuộc, ngay cả khi cuộc đời tưởng phải vứt đi.
Thành tích của Evander Holyfield
Nghiệp dư: HCĐ Olympic 1984.
Nhà nghề: thắng 44 (29 K.O), thua 10, hòa 2.
Vô địch thế giới: 4 lần, hạng nặng.
5 trận đánh vĩ đại: Thắng Dwight Muhammad Qawi - tranh đai vô địch hạng nặng WBA 1986; thắng James 'Buster' Douglas tranh đai vô địch hạng nặng không kể cân năm 1990; hạ Riddick Bowe đòi lại đai vô địch hạng nặng WBA/IBF năm 1993; hạ Mike Tyson đòi lại đai vô địch hạng nặng năm 1996; hạ John Ruiz đòi lại đai vô địch hạng nặng WBA năm 2000.