Cuộc thi của các thổ dân
Tập trung hết những kỹ năng có từ tổ tiên người da đỏ, Ricardo Waerokra bắn mũi tên về phía tấm bia có vẽ hình một con cá được treo cách đó khoảng 30m. Mũi tên trúng vào con cá nhưng Waerokra vẫn không tỏ ra hài lòng. “Tôi đã bắn trượt đầu nó”, người đàn ông 40 tuổi cơ bắp lẩm bẩm và cho biết ông đã học cách săn cá từ cha mình.
Trong tuần vừa qua, ông Waerokra, trưởng bộ tộc Xerente của Brazil là một trong số 2.200 thổ dân tham dự Đại hội thể thao bản xứ thế giới đầu tiên. Đây là một sự kiện thể thao giữa những nền văn minh tiến bộ và lâu đời nhất hành tinh, diễn ra từ ngày 23/10 đến 01/11.
Phía Brazil có khoảng 24 bộ tộc tham gia tranh tài cùng với những thổ dân đến từ hơn 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Mexico, New Zealand, Nga, Mông Cổ, Paraguay, Guatemala và Guiana thuộc Pháp… Ngoài cuộc thi bắn cung, họ còn thi ném xiên, chèo thuyền, đua ngựa, vật, chạy cùng với khúc gỗ nặng 99kg, giao chiến kiểu cổ đại hay đá bóng.
Mục tiêu của Đại hội thể thao bản xứ thế giới cũng nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức về những giá trị tinh thần và văn hóa của cuộc sống bản xứ trên khắp các châu lục. Do tổ chức xen giữa World Cup 2014 và Olympic vào hè năm sau tại Rio de Janeiro, Đại hội thể thao bản xứ thế giới vì thế có ngân sách khá khiêm tốn, không được quảng cáo rùm beng và phô trương như những sự kiện thể thao lớn trong thế kỷ 21. Điều thú vị là các VĐV tham dự đều nhận được một huy chương, bất chấp thành tích như thế nào. Và ở Palmas cũng không có nỗi ám ảnh về kiểm tra chất kích thích hay tìm kiếm những hợp đồng tài trợ.
“Trong đại hội thể thao của chúng tôi, không có nhà vô địch thổ dân, không có thương mại, không sự sắp đặt. Tất cả chỉ là những hoạt động mang tính tâm linh”, ông Marcos Terena, người cùng với người anh em Carlos Terena là đồng sáng lập Uỷ ban các bộ lạc của Brazil, đồng sáng lập và tài trợ cho Đại hội thể thao bản xứ thế giới, nói. “Chúng tôi đã quyết định mọi người đều là nhà vô địch bởi huy chương là dành cho chất lượng cuộc sống chứ không chỉ cho một sự kiện thể thao.”
4 năm sẽ tổ chức đại hội một lần
Bởi vì các bộ tộc khác nhau sử dụng thuyền, cung, tên, xiên và trang bị có kích cỡ, hình dáng khác nhau, ban tổ chức đã phải rất vất vả để có thể thỏa hiệp và thống nhất được quy định của từng nội dung. Vấn đề ở đây là theo tiến sĩ David Yarlott, người đứng đầu đoàn Mỹ và là thành viên của bộ tộc Crow Nation, chủ tịch trường đại học Little Big Horn ở Montana, nhiều bộ tộc coi những công cụ, phương tiện của họ là vật thiêng liêng và không muốn chia sẻ với ai cả. Vì vậy, giải pháp mà họ đưa ra là các VĐV sẽ có một lựa chọn, chẳng hạn như trong ba loại xiên khác nhau, họ sẽ chọn cái phù hợp với mình ngay khi đến Brazil.
Theo quy định, mỗi bộ tộc có thể gửi tối đa 50 VĐV. Tính ra có khoảng 70 nhóm ngôn ngữ bản địa có mặt ở Palmas. Độ tuổi thấp nhất của các VĐV là 16 nhưng sẽ không có giới hạn ở độ tuổi cao hơn.
Tại đại hội, khán giả, ước tính mỗi ngày có khoảng 30.000 người, theo dõi các cuộc thi miễn phí trên diện tích khoảng 30 mẫu. Điều thú vị là bên cạnh những cuộc tranh tài nảy lửa, ban tổ chức còn có các cuộc hội thảo, chuyên đề về những vấn đề mang tính xã hội. Chủ đề là quyền của người bản xứ, chế độ dinh dưỡng, cũng như các rắc rối xảy ra trong cộng đồng như nghiện rượu và mại dâm.
Cũng nên nói thêm là do ngân sách dành cho đại hội chỉ khoảng 40 triệu USD nên nhiều công trình xây dựng được làm từ những vật liệu tạm thời, bền vững. Cùng lúc, người dân Palmas cũng đã trồng hàng trăm cây con để thay thế cho số cây đã được chặt hạ để làm thuyền và các vật dụng khác. Nói như ông Carlos Terena của Uỷ ban các bộ lạc, “Người da trắng không nghĩ theo cách này. Họ mua thứ này, thứ khác và biến nó thành rác”.
Cùng với Uỷ ban các bộ lạc, Bộ Thể thao của Brazil đã hỗ trợ xây dựng ý tưởng và đồng tổ chức các sự kiện bản xứ tại Brazil từ năm 1996. Trong khi đó, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), thành phố Palmas và bang Tocantins cũng có những hỗ trợ khác. Brazil hy vọng Đại hội thể thao bản xứ thế giới có thể trở thành một sự kiện liên tục, diễn ra bốn năm một lần và luân phiên giữa những quốc gia.
Những thách thức cho người bản xứ
Ngày nay, thổ dân Brazil có khoảng 900.000 người, sống trên 10% diện tích quốc gia. Tuy nhiên, do không sở hữu các dòng sông, những cánh rừng hay tài nguyên khoáng sản gắn liền với đất, họ là những công dân nghèo nhất ở Brazil.
Cộng thêm việc người di cư ngày càng tiến sâu vào các bang, mở đường, phá rừng, môi trường sống của người bản địa dần dần bị phá hủy. Điều này cũng giải thích tại sao người nông dân và chăn nuôi gia súc thường xuyên có xung đột với các thổ dân. Thậm chí, như bộ lạc Kraho, họ đã từ chối tham dự Đại hội thể thao bản xứ thế giới nhằm phản đối sự can thiệp thô bạo của nền văn minh hiện đại vào cuộc sống của họ.
Theo ông Marcos Terena, người bản xứ từ Nam Mỹ, Pakistan, Iran và châu Phi đều phải đối mặt với những thách thức tương tự nhằm gìn giữ ngôn ngữ, âm nhạc, thể thao và các hoạt động sinh tồn khác. Chẳng hạn như nhiều thanh niên bản xứ Brazil giờ cũng cắt tóc để bắt chước thần tượng bóng đá của họ là Neymar.
Vì thế, Đại hội thể thao bản xứ thế giới được xem là sợi dây kết nối giữa cộng đồng bản xứ, giúp họ chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức xã hội. Hay nói như Reginaldo Tapirape, tù trưởng của bộ tộc Tapirape ở phía nam Brazil, thì “Chúng tôi muốn cho tất cả thấy ngôn ngữ của chúng tôi, văn hóa của chúng, con người chúng tôi vẫn tồn tại. Đối với chúng tôi, tất cả là thể thao”.
Dân số người bản địa ở Brazil trước khi bị Bồ Đào Nha xâm chiếm khoảng 3-5 triệu người. Tuy nhiên, năm thế kỷ bệnh tật và xung đột đã khiến số dân của họ giảm đáng kể. Hiện nay, người ta thống kê chỉ có xấp xỉ 1 triệu người bản địa Brazil, chiếm 0,5% trong số dân 200 triệu người của quốc gia này.