Diễn đàn kinh tế thể thao 2024: Khi kinh tế địa phương và quốc gia cũng được hưởng lợi từ các sự kiện lớn

Việt Long
thứ năm 17-10-2024 15:59:02 +07:00 0 bình luận
Việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn luôn mang đến nhiều lợi ích vô hình và hữu hình cho quốc gia hoặc địa phương đăng cai. Vậy các bên đang làm gì để chung tay mang đến một sự kiện thành công?

Tại Diễn đàn kinh tế thể thao 2024 được tổ chức tại Thủ Đô Hà Nội sáng ngày 17/10, một trong những chủ đề chính được bàn luận là sự liên hệ giữa kinh tế, thể thao và tác động của chúng với địa phương, nơi đăng cai và tổ chức các sự kiện thể thao lớn.

Điều này được chia sẻ kỹ hơn ở phiên 2 của diễn đàn, nơi ba diễn giả trong và ngoài nước mang đến cái nhìn cụ thể với ví dụ từ Hàn Quốc, Thủ Đô Hà Nội và tỉnh Nam Định của Việt Nam.

Mang theo kinh nghiệm và nhiều thông tin giá trị từ kinh nghiệm tổ chức Olympic 1988 và World Cup 2002, ông Oh Yeong-woo, Nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Hàn Quốc cho biết các sự kiện thể thao lớn như Olympic, World Cup hay ASIAD rất quan trọng với sự phát triển của quốc gia này

“Trong sự phát triển của Hàn Quốc, việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển quốc gia. Ngoài hiệu quả kinh thế, các sự kiện này còn đóng vai trò hữu hình và vô hình rất quan trọng để quốc gia phát triển.

Việc tổ chức thành công các sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới không chỉ giúp nâng cao thương hiệu quốc gia mà còn có tác động tích cực về kinh tế, làm tăng giá trị thương hiệu quốc gia và tạo ra nhiều hiệu ứng đa dạng.

Đặc biệt hơn, các sự kiện thể thao này có hiệu quả trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, thúc đẩy hội nhập và nâng cao giá niềm tự hào dân tộc”.

Ông Oh Yeong-woo, Nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Hàn Quốc chia sẻ về lợi ích mà Olympic Seoul 1988 mang lại

Xác định tầm quan trọng của các sự kiện này, Hàn Quốc đã chớp thời cơ đăng cai, sau đó quyết tâm tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn như Olympic Seoul 1988, World Cup 2002 (đồng đăng cai với Nhật Bản), ASIAD 2014 hay gần đây hơn là Olympic mùa Đông 2018, Giải vô địch bơi lội thế giới 2019…

Để đạt được thành công này, Hàn Quốc không chỉ chuẩn bị tốt về tiềm lực kinh tế, cơ sở hạ tầng mà còn có sự thông suốt trong khâu tổ chức, huy động nguồn lực, sự kết hợp về pháp lý và đặc biệt là luôn thể hiện tinh thần dân tộc xuyên suốt quá trình diễn ra sự kiện.

Liên hệ với Việt Nam, nước ta đã tổ chức thành công hai sự kiện lớn mang tầm khu vực là SEA Games 22 (năm 2003) và gần đây hơn là SEA Games 31 (năm 2022). Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội chia sẻ rằng:

“Từ năm 1994, Chính phủ đã có chủ trương chuẩn bị cho SEA Games 22 diễn ra vào năm 2003. Quá trình chuẩn bị diễn ra liên tục, đặc biệt là cho lễ khai mạc cũng như xây dựng các địa điểm thi đấu trên địa bàn Thủ Đô. 

SEA Games 22 diễn ra năm 2003 ngay sau đại dịch SARS, đây là sự kiện thể thao lớn đầu tiên mà Việt Nam tổ chức, có thể gọi là lớn nhất tính đến thời điểm đó kể từ sau Giải phóng. 

Sức ảnh hưởng của nó không chỉ trong ngành thể thao mà cả người dân Việt Nam đều rất tự hào vì chúng ta tổ chức được sự kiện này. Mọi lĩnh vực, ngành nghề đều chịu sự tác động tích cực của sự kiện này.

Thực ra sau SEA Games 22 năm 2003 hay SEA Games 31 năm 2022, chúng ta có thể thấy trình độ tổ chức các sự kiện thể thao rất tốt, quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam ra quốc tế”.

Hình ảnh từ lễ khai mạc SEA Games 31 ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Thủ Đô Hà Nội

Không chỉ dừng lại ở quá khứ mà Thủ Đô Hà Nội còn đang đi đầu trong việc tạo hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các hoạt động hay sự kiện văn hoá và thể thao.

Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội nói thêm: “Đã là làm kinh tế, sản xuất ra cái gì đó thì phải mua và bán được, phải là thứ mà mọi người ưa dùng. Vì vậy điều số 1 tôi quan tâm là thị trường, mình nhắm đến thị trường nào. 

Ví dụ thể thao của chúng ta ở lứa tuổi nào, bộ môn gì, ở trong nước hay ra khu vực hay quốc tế. Sau đó chúng ta mới quay về xây dựng cái sản phẩm của mình để tham gia thị trường đó. Nhưng điều rất quan trọng là để đưa sản phẩm đó đến thị trường đó, làm nó đủ hấp dẫn, ưa dùng và tiêu thụ được thì phải có sự kết nối giữa dịch vụ, sản phẩm và thị trường. 

Đây là bộ ba mà tôi cho là quan trọng, là thứ mà ngành văn hoá, thể thao chúng ta phải nghiên cứu, nhất là những nhà quản lý phải rất chú ý đến việc này. Hà Nội chúng tôi hiện đang làm như vậy. 

Vietnam International Half Marathon, một trong những sự kiện thể thao thường niên được tổ chức tại Hà Nội thu hút hàng nghìn VĐV tham dự mỗi năm

"Trong nghị quyết 15 phát triển Thủ Đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng tôi đã hiện thực hoá nội dung này về lĩnh vực thể thao. Đặc biệt là trong luật Thủ Đô, tất cả những băn khoăn về pháp lý đều được giải quyết trong luật. Tất cả những thể chế về văn hoá, thể thao, hoạt động văn hoá và thể thao trên địa bàn Thủ Đô sẽ được áp dụng luật Thủ Đô, không bị chế tài của luật đối tác, thông tư hay luật quản lý tài sản công. 

Một điều nữa rất quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư, đó là các dự án liên quan đến thể thao sẽ được miễn thuế đất và mặt nước trong 10 năm, sau đó được giảm 50% trong những năm tiếp theo. 

Điều thứ hai, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng ở mức 5% nhưng sẽ được miễn toàn bộ khoản thuế 5% đó trong 4 năm đầu tiên, 9 năm sau đó sẽ áp dụng mức 50%. Từ những điều này, tôi mong rằng nó có thể áp dụng tổng thể ra toàn quốc”.   

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội cho biết Thủ Đô đang có những hướng đi riêng nhằm thúc đẩy phát triển văn hoá, thể thao

Với những điều khoản và chính sách đặc biệt, Thủ Đô Hà Nội đang hướng đến việc ưu tiên phát triển về văn hoá và thể thao một cách rõ rệt. Bởi lẽ nó không chỉ mang đến lợi ích về tinh thần mà còn có những tác động rất tích cực về mặt kinh tế. Ông Đỗ Đình Hồng lấy ví dụ thêm về sự kiện lưu diễn của nhóm nhạc nổi tiếng Blackpink:

“Với chỉ 2 đêm lưu diễn, thống kê từ ngành du lịch cho thấy doanh thu đạt 650 tỷ đồng, bằng gần một nửa tổng thu của cả nền công nghiệp biểu diễn của Việt Nam hướng đến năm 2030. Nếu diễn 4 buổi thì coi như bằng chúng ta cố gắng phấn đấu từ nay đến năm 2030 của cả nền công nghiệp biểu diễn”.

Đóng góp thêm ý kiến vào lợi ích của các địa phương trong việc tổ chức các sự kiện thể thao, Nguyên phó chủ tịch tỉnh Nam Định là ông Bạch Ngọc Chiến, nay là Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam hoàn toàn đồng tình. 

“Mô hình được ông Oh Yeong-woo chia sẻ hoàn toàn có thể áp dụng được ở Việt Nam, đặc biệt là quy mô cấp tỉnh. Khi tôi về Nam Định năm 2014, việc đầu tiên là cậu làm thế nào để đưa được giải bóng chuyền VTV về Nam Định bởi đây là giải đấu rất “hot”, các tỉnh tranh nhau được đăng cai.  

Sau này, lãnh đạo Nam Định đã kiên định với định hướng chọn một điểm mạnh của tỉnh. Mọi người hay nói vui Nam Định ngày xưa là vùng đất của các vị vua đã về hưu, vì vậy người ta phát triển những thứ liên quan đến giải trí, hưởng thụ. 

Như văn hoá, thể thao, giải trí… đều rất mạnh ở Nam Định, vì vậy đây là nơi rất phù hợp để tổ chức và đăng cai các sự kiện về thể thao, văn hoá. Nam Định đã đầu tư vào việc đó và trong những năm vừa rồi, sân vận động Thiên Trường nổi đình đám vì được đầu tư cải tạo, tân trang và làm rất tốt với chất lượng cao.

Ông Bạch Ngọc Chiến chia sẻ câu chuyện về thể thao tại Nam Định, nơi ông từng là Phó chủ tịch UBND tỉnh

Nhiều trận đấu lớn từ đó đã về Nam Định đá và đây cũng là chủ trương của lãnh đạo tỉnh nhất quán từ trước, đó là hút những giải thể thao lớn về với tỉnh. Như vậy để làm gì? Thực chất nó tạo ra rất nhiều yếu tố.

Chuyện mọi người về Nam Định, đi qua cái trạm thu phí cầu đường thôi cũng là giúp thu được một khoản tiền. Rồi mọi người phải sinh hoạt, nghỉ ngơi ăn uống, từ đó tranh thủ quảng bá được hình ảnh địa phương mà Nam Định có nhiều thứ hấp dẫn để mọi người có thể trải nghiệm. Đó là lợi ích trực tiếp.

Thứ hai và cũng quan trọng hơn cả đó là người dân tại địa phương được giải trí, được thưởng thức thể thao đỉnh cao và những hoạt động xung quanh thể thao đỉnh cao. Đó là nguồn cảm hứng để những hoạt động trong quy mô quần chúng được phát triển hơn.

Để làm được những điều đó, Nam Định cũng phải khéo léo kêu gọi xã hội hoá như câu chuyện công ty Thép Xanh Nam Định. Họ được mời nhưng cũng được chỉ định rằng phải đóng góp trách nhiệm xã hội về phát triển con người cho Nam Định. Từ đó TXNĐ là nhà tài trợ chính cho bóng đá Nam Định, cũng là tài trợ chính cho thể thao Nam Định và phát triển cơ sở hạ tầng. 

Vậy lợi ích là gì? Những đầu tư, quảng cáo và tài trợ đó sẽ được hoàn trả rất tốt khi có truyền thông. Như vậy nhiều bên cùng có lợi. Môn thể thao có lợi, địa phương có lợi, doanh nghiệp tài trợ cho môn thể thao cũng có lợi, cho nên đây là hướng đi rất đúng mà tôi nghĩ rằng có thể áp dụng ở cả quy mô địa phương lẫn các quy mô lớn hơn”. 

Một trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam được tổ chức tại sân Thiên Trường, Nam Định (Ảnh: VFF)

Có thể thấy việc tổ chức các sự kiện thể thao mang quy mô quốc gia, lớn hơn là quốc tế luôn mang lại những giá trị tích cực về nhiều mặt cho địa phương đăng cai.

Và để tổ chức thành công những sự kiện này, như lời Nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Hàn Quốc ông Oh Yeong-woo chia sẻ đó là việc xem trọng sự đoàn kết và tinh thần dân tộc, phải cùng nhau thể hiện sự quyết tâm từ trên xuống dưới và đặt lợi ích chung lên hàng đầu.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm