Doping trong thể thao Đông Đức (Kỳ1): Từ dấu “x” trên bảng kỷ lục đến cô bé hóa chàng trai

thứ năm 8-10-2015 15:23:31 +07:00 0 bình luận
Trong lịch sử thể thao Đông Đức, hầu như không có trường hợp dương tính với chất kích thích hiện diện trên các văn bản chính thức. Tuy nhiên, chính phủ Đức rõ ràng phải có cơ sở để quyết định tiếp tục bồi thường cho các cựu VĐV Đông Đức từng tuyên bố họ bị ép buộc dùng doping, nhân kỷ niệm ngày nước Đức thống nhất hôm 3/10 năm nay.

Khi doping được coi là hợp pháp

“Chúng tôi hy vọng Hạ viện sẽ thông qua ngân sách 10,5 triệu euro để tiền có thể đến với các nạn nhân vào năm 2016”, Ole Schroeder – Quốc vụ khanh nghị viện trong Bộ Nội vụ Đức vừa thông báo trên đài truyền thanh Deutschlandfunk nhân dịp đất nước kỷ niệm 25 năm ngày thống nhất. Đây là gói bồi thường thứ 3 của chính quyền dành cho các cựu VĐV Đông Đức từng bị ép buộc dùng doping sau các năm 2002 và 2006 mà theo thống kê từ Bộ Nội vụ, con số đã vượt quá 1.000 người. Dự kiến mỗi nạn nhân nhận khoảng 10.500 euro, tương đương những đợt bồi thường trước.

Từ dấu “x” trên bảng kỷ lục đến cô bé hóa chàng trai
Ông Andreas Krieger là tuyển thủ nữ của Đông Đức chuyển giới do sử dụng doping.

Song song đó, chính phủ còn muốn Ủy ban Olympic Đức (DOSB) cũng phải tham gia hỗ trợ. Ngài Schroeder giải thích: “Bi kịch này do chính quyền gây ra, nhưng cũng có sự phối hợp của các tổ chức thể thao. Đấy là lý do tại sao tôi muốn giới thể thao phải gánh phần trách nhiệm và có thể cũng góp vào 10,5 triệu euro”. Đáp lại lời hiệu triệu này, DOSB hưởng ứng nhiệt liệt qua thông báo: “Các nạn nhân của doping cần được hỗ trợ càng nhiều càng tốt”.

Ngoài những khoản nêu trên, các nạn nhân còn nhận bồi thường sau vụ kiện Jenapharm, công ty dược phẩm sản xuất chất kích thích Oral-Turinabol theo đơn đặt hàng của Bộ Thể thao Đông Đức. Theo quan điểm của Jenapharm, họ chẳng làm gì sai trái, vì thể thao Đông Đức coi doping là hợp pháp. Nhưng rốt cuộc, Jenapharm đã chấp nhận lập một quỹ 3,1 triệu euro và cam kết bỏ ra thêm gần 400.000 euro trong thời gian tới để hỗ trợ các cựu VĐV Đông Đức đang tàn tạ vì doping.

Tại sao sách kỷ lục hiện có thêm chữ “x”

Vụ kiện Jenapharm còn là động lực để người Mỹ gây sức ép đòi IOC (Ủy ban Olympic thế giới) phải hủy bỏ thành tích của các kình ngư Đông Đức để trao lại cho các tuyển thủ của họ, ước tính lên tới khoảng 50 người. Điểm nhấn là Olympic 1976, nơi các ngôi sao Đông Đức gây sốc do đoạt tới 11 trong tổng số 13 HCV của làng bơi nữ ở Montreal (Canada). Bởi cho tới tận ngày nay, đây vẫn là bí mật lớn nhất trong lịch sử bơi lội của Olympic, vì chẳng ai giải thích được tại sao các kình ngư Đông Đức bỗng nhiên xuất sắc như vậy. Chỉ có những mẩu chuyện đến từ ký ức các tuyển thủ Mỹ mới hé lộ dáng dấp của doping.

Từ dấu “x” trên bảng kỷ lục đến cô bé hóa chàng trai
Tiết lộ về việc đội bơi nữ Đông Đức dùng doping tại Olympic 1976 đăng trên tạp chí Bơi Thế giới năm nay.

Chẳng hạn như lần đầu tiên Camille Wright nhìn thấy các kình ngư Đông Đức khi họ tập huấn tại Concord (California) để đấu với Mỹ vào năm 1975. Wright nhớ lại: “Tôi liếc nhìn họ và chợt nghĩ: ‘Ồ, ở đâu ra mấy gã to đùng thế này!’. Thế rồi tôi nhìn thấy sợi dây nịt ngực hằn trên áo tắm và cảm thán: ‘Trời ơi, họ là nữ! Chúng tôi phải bơi đua với họ sao?’”. Thế nhưng, cơn ác mộng không đơn giản như vậy, vì một năm sau tại Thế vận hội mùa hè ở Canada, các kình ngư nữ Đông Đức gần như quét ngang mọi đường đua xanh, bất chấp sự thật là trước đó tại Munich 1972, họ không giành nổi ngôi vô địch nào. Kết quả đó khiến các ngôi sao của Mỹ như Shirley Babashoff choáng váng và nêu ra nghi vấn Đông Đức dùng doping. Nhưng đổi lại, họ phải nhận những ánh mắt khinh miệt bởi nhiều người cho rằng họ thua quá mất mặt nên tìm cách chữa thẹn.

Dù vậy, các kình ngư Mỹ vẫn luôn ấm ức cho tới ngày nay. Thậm chí trong cuộc phỏng vấn gần đây do một tờ báo ở California thực hiện, Babashoff tuyên bố bà chưa từng cảm thấy việc 3 lần về nhì ở Olympic 1976 là những thất bại, vì “bị đánh bại bởi những người đàn ông”. Những cuộc điều tra sau đó của IOC cũng thừa nhận lịch sử đã oan uổng cho các cô gái Mỹ. Thế nhưng, IOC không có ý định viết lại sách sử, và quyết định này nhận được sự hưởng ứng từ nhiều phía. Vì trên thực tế, ngay cả các tuyển thủ Mỹ cũng phải thừa nhận không thiếu đồng đội từng dùng doping để chiến thắng.

Tuy nhiên, IOC cũng không thể biết mà không tìm giải pháp xử lý. Hệ quả là giờ đây, mọi tuyển thủ Đông Đức từng sử dụng doping để vô địch đều bị xóa tên trên bảng thành tích trong các ấn phẩm của IOC như các sách ghi kỷ lục… Thay vào tên của họ là ký tự “x”, như trường hợp của Ines Geipel – thành viên trong đội điền kinh tiếp sức nữ 4x100m từng lập kỷ lục Đức năm 1984 với thông số 42”2. Tên các đồng đội như Baerbel Woeckel, Ingrid Auerswald và Marlies Goehr hiện còn nguyên, nhưng sau khi Geipel thừa nhận dùng doping, tên thời con gái của cô là Ines Schmidt đã bị thay bằng chữ “x”.

Heidi bị tước quyền quyết định chuyển giới

Thế nhưng, một trong những bằng chứng rõ ràng nhất về doping trong thể thao Đông Đức ắt hẳn phải là câu chuyện nàng Heidi Krieger biến thành chàng Andreas Krieger. Bởi thời còn nhỏ, Heidi từng được xem như một trong những lực sĩ đẩy tạ nữ hàng đầu châu Âu với ngôi vô địch năm 1986. Hiện nay trong phòng khách của Andreas vẫn còn trưng bày bức ảnh chụp ông lúc 15 tuổi: đó là một bé gái cao lêu khêu với nụ cười quyến rũ. Bên cạnh đó là bức ảnh chụp Andreas ở tuổi 17 với cái cổ phình cơ bắp, khuôn mặt rộng hơn và vai trông lớn hẳn. Andreas nhớ lại: “Thời đó, các HLV thường giả vờ quan tâm tới sức khỏe của chúng tôi để hợp thức hóa việc cho chúng tôi uống thuốc”.

Vài năm sau khi giải nghệ, cô gái Heidi đầy cơ bắp mới phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành chàng Andreas. Nhưng chẳng phải vô cớ mà người bạn của ông là Geipel khẳng định: “Họ đã ép cô ấy phải từ bỏ giới tính”. Vì khi tài năng được phát hiện vào năm 1979 lúc 14 tuổi thì tới lúc 16, Heidi bắt đầu nhận những viên thuốc tròn màu xanh. Đấy là chất steroid Oral-Turinabol, nhưng các HLV đều bảo là vitamin tăng cường sức khỏe và chống trầm cảm trong tập luyện. Họ còn bảo với cô bé Heidi rằng phản ứng phụ của thuốc chẳng hơn được thuốc ngừa thai.

Nhưng chỉ 6 tháng sau, Heidi không thể mặc vừa quần áo cũ và cảm thấy cơ thể mình phát triển như đàn ông. Bởi lúc đó mới 18 tuổi, nhưng cô nặng gần 100kg, giọng nói trở nên trầm đục, cơ thể phình to, mặt trổ lông và diện mạo ngày càng đậm nét nam tính. Thậm chí, Heidi bắt đầu không còn muốn mặc váy, chưa kể có lần ở sân bay tại Vienna, một tiếp viên hàng không nhìn cô rồi chỉ hướng đi vào nhà vệ sinh nam. Heidi tâm sự: “Tôi không còn kiểm soát được bản thân. Tôi không thể biết được thật ra mình muốn mang giới tính nào nữa”. Đấy là điều mà Heidi không bao giờ có thể tha thứ cho các HLV, vì họ đã tước đoạt mất của cô quyền quyết định điều quan trọng nhất của cuộc đời. Heidi khẳng định: “Trước lúc bị cho dùng hormone nam, tôi đúng là đang lưỡng lự giữa hai giới tính. Nhưng khi bị ép dùng doping, tôi đã không còn chọn lựa nào khác”. Nhằm giảm bớt nỗi đau tinh thần của Andreas, nước Đức hiện chỉ có thể an ủi cựu VĐV này bằng cách giới thiệu một huy chương mang tên “Heidi Krieger Award” để trao tặng những người có công tuyên truyền hậu quả do sử dụng chất kích thích.

Minh Châu 

Chính phủ Đức vừa thông qua gói bồi thường thứ 3 cho các cựu VĐV Đông Đức từng bị ép buộc dùng doping sau các năm 2002 và 2006 mà theo thống kê từ Bộ Nội vụ, con số đã vượt quá 1.000 người.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm