- Thể thao 24h: Thưa ông, có vẻ như thể thao Hải Phòng đã có phần trầm lắng và lép vé trong bối cảnh thành phố tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, du lịch trong năm 2015?
Ông Đoàn Duy Linh: Không hẳn thế, bên cạnh các hoạt động văn hóa, du lịch cũng có thể thao đấy chứ. Tất nhiên đó là những sự kiện mang tính phong trào nhiều hơn nhằm hưởng ứng không khí chung của thành phố trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Còn thể thao bằng các sự kiện thường niên thì có phần đúng. Năm 2015 là năm chuyển giao thế hệ VĐV, năm đầu của chu kỳ đào tạo chuẩn bị cho kỳ Đại hội TDTT kế tiếp, việc trầm lắng cũng dễ hiểu. Tôi cho rằng đó là tính chất chung của thể thao chứ không riêng với Hải Phòng.
- Tại kỳ SEA Games 28, thành tích của Hải Phòng, nhất là số HCV đóng góp cho các ĐTQG đã ít đi so với nhiều kỳ Đại hội trước. Liệu có phải thể thao thành tích cao đang đi xuống?
Điều đó phần nào đúng nếu xét trên thành tích thuần túy ở một giải đấu cụ thể. Thế nhưng trong thể thao nếu chỉ xét huy chương để đánh giá chất lượng của một địa phương, theo tôi là chưa đủ. Tôi đơn cử như một câu chuyện rất cơ bản đó là huy chương môn gì, ở giải đấu tầm cỡ như thế nào. Hải Phòng tự hào và vinh dự đóng góp nhiều tấm huy chương có giá trị, nhiều trường hợp mang tính đột phá cho TTVN. Tôi cho rằng muốn đánh giá biểu đồ lên hay xuống phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể.
Suốt 8 năm nay, chúng tôi chỉ có khoản kinh phí hạn chế chỉ đủ nuôi được 270 VĐV, trong khi Hà Nội, TP.HCM, Quân đội là 3.000 VĐV. Ngay cả Thanh Hóa con số này cũng tới 900 VĐV. Chế độ cho VĐV như tiền công chỉ được hưởng 2 lần/năm, mỗi lần khoảng 50 ngày mà lẽ ra phải có cả năm như các nơi khác. Ngoài ra, cơ sở vật chất dù rất được quan tâm song chưa theo kịp yêu cầu đào tạo và huấn luyện, nhiều môn phải đi tập nhờ bên ngoài.
Tất cả tác động trực tiếp tới thành tích của ngành. Song không vì thế mà những người làm thể thao Hải Phòng để cái khó bó cái khôn. Nhiều kỳ Đại hội TDTT gần đây chúng tôi vẫn đứng trong top 5. Trước khi Ánh Viên nổi lên với sự đầu tư chuyên biệt của cả nước chưa từng có trong 2 năm nay chắc không có gương mặt nào nổi hơn Hà Thanh. Đó không phải là thành quả tự nhiên từ đâu đó rơi xuống.
- Nhưng một số môn đã xuất hiện khoảng trống, thậm chí ở mức đáng báo động?
Đúng là một số môn võ, bóng bàn, đua thuyền và ngay cả aerobic, môn thế mạnh hàng đầu thế giới trong nhiều năm cũng đã có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân có nhiều, ngoài những yếu tố kể trên thì việc đào tạo VĐV kế cận không được chú trọng là gốc rễ.
Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân, lãnh đạo Sở sẽ cùng Trung tâm đào tạo VĐV rà soát, quy hoạch lại những môn Hải Phòng có truyền thống, thế mạnh để tập trung đầu tư. Và nhân tố quan trọng nhất là con người, những người làm thể thao Hải Phòng phải chủ động, tự vận động để phát huy hết nội lực, tất cả vì màu cờ sắc áo của thành phố.
Cũng rất đáng mừng vì hiện tại đã xuất hiện một dàn VĐV trẻ ở một số môn trọng điểm như điền kinh, thể dục dụng cụ, cử tạ. Đó sẽ là hạt nhân đầy tiềm năng cho tương lai.
- Có thể thấy rõ quyết tâm và nỗ lực của ngành thể thao thành phố. Dù vậy, điều đó không thể đủ nếu như kinh phí đầu tư và chế độ chính sách cho thể thao đang ngày càng tụt lại so với ngay mặt bằng chung cả nước, thưa ông?
Thực sự chúng tôi cũng đang rất trăn trở và mong muốn TP quan tâm hơn nữa về kinh phí, chế độ chính sách đối với HLV,VĐV. Đây có thể coi là điều kiện tiên quyết trong bối cảnh các địa phương đầu tư mạnh, đãi ngộ tốt với HLV, VĐV. Trong chức năng và trách nhiệm tham mưu của mình, chắc chắn chúng tôi sẽ nỗ lực, tích cực ở mức cao nhất để sớm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế cho phát triển.
- Xin cảm ơn!
Chưa có HLV, VĐV nào tự xin đi
“Những người làm thể thao chúng tôi luôn ý thức cao về phẩm chất, truyền thống của thể thao Hải Phòng để trân trọng, gìn giữ, phát huy. Tất cả có thể nói gọn trong 6 chữ: Vượt khó, sáng tạo, danh dự. Chúng tôi rất mừng vì cho đến thời điểm này chưa có HLV, VĐV nào tự xin ra đi để đầu quân cho đơn vị khác”.
35 HCV Đại hội đều là vàng thật
“Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, người ta kêu ca rất nhiều về chất lượng chuyên môn, bệnh thành tích, sự nhốn nháo trong chuyển nhượng VĐV. Thế nhưng thể thao Hải Phòng có thể hoàn toàn tự tin khẳng định trong sự hãnh diện rằng 35 HCV tại Đại hội đều là vàng thật”.
Lực lượng VĐV chưa bằng 1/10 của Hà Nội
Do kinh phí đầu tư thấp nên nhiều năm qua, Hải Phòng chỉ có thể duy trì một lực lượng VĐV khiêm tốn tới mức khó tin so với truyền thống, vị thế của một trung tâm hàng đầu quốc gia: 270 VĐV. Nó chưa bằng 1/10 của Hà Nội, TP.HCM hay Quân đội, những nơi đang dẫn đầu cả nước với trên dưới 3.000 VĐV. Môn nhiều nhất của Hải Phòng là cử tạ cũng chỉ có tổng số 20 VĐV các tuyến, trong khi môn khiêm tốn nhất như thể hình có 2 VĐV. Chính vì thế, ngay tại các giải quốc gia, thể thao đất Cảng chỉ có đủ quân để tranh tài tối đa 5-6 nội dung, và việc giành được 1-2-3 huy chương cũng đã là thành công.
Chế độ đãi ngộ 15 năm không đổi
Suốt 15 năm qua, chế độ đãi ngộ đối với các HLV, VĐV Hải Phòng ngay từ đầu chỉ thuộc diện trung bình so với cả nước và nhiều năm nay không có gì thay đổi. Mức tiền ăn hàng ngày của VĐV là 120.000 đồng/ngày, còn mức tiền công tập luyện là 90.000 đồng/ngày. Đáng nói hơn, các VĐV dù phải tập luyện quanh năm suốt tháng cũng chỉ được hưởng tiền công 2 đợt, mỗi đợt 52 ngày. Trong khi đó, hầu hết các địa phương đều áp dụng chế độ VĐV tập ngày nào được hưởng đủ ngày đấy.