Giáo sư Tiến Sĩ Dương Nghiệp Chí: Người thầy lớn và nhà thể thao của những đột phá

Hà Thảo
thứ hai 13-7-2020 8:14:43 +07:00 0 bình luận
Những người làm thể thao và người hâm mộ thể thao vừa vĩnh biệt một nhà thể thao đặc biệt, giáo sư tiến sĩ Dương Nghiệp Chí, qua đời ở tuổi 80.

Trong 55 năm gắn bó trọn vẹn, trên nhiều cương vị  khác nhau, trải khắp các lĩnh vực quản lý, đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, ông đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp thể thao nước nhà. Không chỉ là lãnh đạo thể thao uy tín của những cột mốc đổi mới và hội nhập quốc tế quan trọng, chuyên gia đầu ngành Dương Nghiệp Chí với tài năng, tâm huyết của mình đã đặt nền móng phát triển thể thao Việt Nam qua những đề án, chương trình mang tính chiến lược, đột phá. 

Sinh năm 1941 trong một gia đình giàu truyền thống,  Dương Nghiệp Chí đam mê thể thao từ nhỏ, sớm bộc lộ tố chất và chơi tốt nhiều môn như bóng đá, điền kinh. Có lẽ đó chính là duyên định mệnh để chàng tiền đạo đội tuyển học sinh Hà Nội là người duy nhất được tuyển đi học Đại học TDTT Bắc Kinh (Trung Quốc). 5 năm miệt mài học tập, nghiên cứu, tập luyện tại đây đã giúp công tích lũy, trau dồi được những kiến thức bài bản cùng thực tế sinh động. 

Giáo sư Dương Nghiệp Chí là người có những hành động mang tính đột phá cho thể thao nước nhà.

Trở về nước năm 1965, nghiệp thể thao của ông bắt đầu tại Ủy ban TDTT Trung ương, ngoài việc phụ trách bộ môn Điền kinh còn tham gia huấn luyện cho đội tuyển Hà Nội. Dù gánh vác nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, song nhà quản lý và huấn luyện viên trẻ khi ấy đã luôn có ý thức tìm tòi phát hiện, đặc biệt là  nhận thức về vai trò của khoa học. 

Ông cũng sớm hình thành cho mình một ý thức và thói quen sẽ theo ông suốt đời là “đọc và học mọi lúc có thể”. Vốn kiến thức, tư duy và phương pháp làm việc của ông tiếp tục được nâng cao, mở rộng qua thời gian làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học TDTT Matxcơva (Liên Xô cũ). 

Sau khi đất nước thống nhất, đang làm Trưởng khoa Điền kinh Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, ông được ngành thể thao giao phó trọng trách vào Nam tham gia xây dựng cơ sở đào tạo chuyên ngành tại TP.HCM. Tại đây, trong vai trò hiệu trưởng rồi hiệu phó, ông đã cùng các cộng sự đã phải vượt qua muôn vàn gian khó về cơ sở vật chất và nhân lực. Thậm chí, thời gian đầu, thầy trò còn phải vừa đảm bảo việc lên lớp vừa tham gia lao động xây lớp tạo sân. 

Cũng chính ở đây, ông đã chứng tỏ phẩm chất của một “đầu tàu” xuất sắc, năng động và tận tâm. Qua 9 năm, khi ông ra Hà Nội nhận trọng trách mới, trường trung học TDTT Trung ương II đã hội đủ các điều kiện để nâng cấp thành trường Đại học, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo cử nhân thể thao cho các tỉnh phía Nam mà còn liên kết, hỗ trợ hiệu quả việc tuyển chọn, huấn luyện VĐV cho TP.HCM và một số địa phương khác.

Từ năm 1985, ông trở thành lãnh đạo của ngành thể thao, khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT rồi Cục trưởng Cục TDTT thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch. Trong suốt 10 năm, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm và đóng góp lớn của mình gắn với  một giai đoạn thể thao Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế đầy gian khó. 

Trong đó, phải kể đến việc  ông trực tiếp tham gia chuẩn bị về mọi mặt, và làm Trưởng đoàn TTVN ở Asiad 1990 tại Trung Quốc, một cột mốc quan trọng cho quá trình hội nhập. Đây cũng là lần duy nhất mà  một đoàn TTVN sang tham dự một đấu trường quốc tế bằng tàu hỏa, mà trước  đó phải trải qua cả việc rà mìn sửa đường.

Việc hoàn thiện hệ thống đào tạo, giải đấu thể thao thành tích cao, du nhập nhiều môn mới, phù hợp với con người Việt Nam, thuận lợi cho việc tranh chấp thành tích quốc tế cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, với vai trò, công sức của ông.

Giờ  đây, ngày thể thao Việt Nam đã trở nên hết sức quen thuộc và sức lan tỏa với mọi người. Thế nhưng, ít ai biết, chính ông Chí khi đang là Cục trưởng Cục Thể thao đã bàn bạc, thống nhất với một số cộng sự trong ngành để tham mưu, đề xuất Hội đồng Bộ trưởng chọn ngày Bác Hồ kêu gọi toàn dân tập thể dục (27/03/1946) làm Ngày Thể thao Việt Nam. 

Năm 1998, Giáo sư Tiến sĩ Dương Nghiệp Chí được giao trọng trách phó Viện trưởng Viện Khoa học TDTT. Dù khi đó đã 57 tuổi, song ông vẫn khiến mọi người phải thán phục về sức làm việc đáng kinh ngạc, tinh thần đổi mới sáng tạo dồi dào.

Ngoài tố chất đặc biệt, dường như cả quá trình tích lũy, học hỏi không ngừng, thực tiễn sinh động của ông đã kết đọng ở đây. Ông đã nhanh chóng thổi luồng gió mới, làm thay da đổi thịt cơ quan thể thao vốn đang chìm trong sự trầm lắng kéo dài.

Một người thầy lớn của thể thao Việt Nam đã ra đi.

Hàng loạt vấn đề lớn, mới và khó đối với sự phát triển của thể thao Việt Nam, gắn với việc chuẩn bị đăng cai SEA Games đã được cá nhân ông cùng các cộng sự của Viện đặt ra, đề xuất, nghiên cứu và giải quyết. Từ đó, rất nhiều đề án, chương trình trọng yếu của TTVN do ông chủ trì hay tham gia chính đã được hoàn thành và ngành thể thao triển khai trong cả nước.  

Có thể kể ra đây “Đề án xã hội hóa các hoạt động thể thao đến 2010”, trong đó có lần đầu đề cập đến giải pháp tổ chức đặt cược bóng đá và một số môn khác;  “Quy hoạch phát triển TDTT đến 2020, tầm nhìn 2030”;  “Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030”... Để có được một đề án chuyên về phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam, ông đã mất tới hàng chục năm kỳ công nghiên cứu, hoàn thiện. 

Với SEA Games 2003, lần đầu do Việt Nam đăng cai, trong vai trò của một “tổng chỉ huy, ông cùng Viện KHTDTT đã hoàn thành xuất sắc mảng việc mới và khó nhất là xây dựng hệ thống điện tử xử lý thông tin, thi đấu và trang web chính thức của Đại hội. 

Nghỉ hưu năm 65 tuổi, từ 2007, ông tiếp tục làm cố vấn đặc biệt cho Viện KHTDTT. Ông vẫn “đọc và học mọi lúc có thể”. Ông vẫn luôn bận rộn với công việc nghiên cứu, đào tạo, với những ý tưởng và đề án, chương trình.Trong quá trình xây dựng Luật TDTT, khi được Ủy ban chuyên trách và ngành thể thao mời tham gia, ông đã bỏ ra mấy tháng trời  nghiên cứu từng điều, tham khảo tư liệu quốc tế, để đưa ra những ý kiến đóng góp sắc sảo, có sức nặng. 

Như ví von của nhiều học trò cũ, với họ, Giáo sư Tiến sĩ Dương Nghiệp Chí là “thầy của những người thầy”. Nghiệp làm thầy, viết sách, gắn với nghiên cứu khoa học, ông luôn tâm huyết và nặng lòng, cho tới những ngày cuối cùng.  

Ông đã trực tiếp hướng dẫn, đào luyện thành công hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ, và là tác giả của 18 đầu sách chuyên ngành, 18 bài báo khoa học, chủ trì 4 đề tài khoa học cấp Bộ. 

Sự ra đi của Giáo sư Tiến sĩ Dương Nghiệp Chí là mất mát lớn, để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho gia đình, cùng những người làm thể thao Việt Nam. Và thể thao Việt Nam sẽ còn nhớ mãi về ông, một nhà quản lý, một nhà khoa học, một người thầy tài năng, bản lĩnh, tận tâm và bình dị. 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm