LTS: Đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành thể thao (27/03/1946-27/03/2016), Báo Thể thao 24h phối hợp với BBT Truyền hình Cáp Việt Nam cùng Công ty Cổ phần Thể thao 24h tổ chức giải thưởng “Cúp Chiến thắng” nhằm tôn vinh những gương mặt đạt thành tích xuất sắc và tạo ấn tượng đặc biệt của TTVN trong năm.
Quang Hạ tạo bước ngoặt châu Á
Tại ASIAD 1994, cả đoàn thể thao Việt Nam còn chưa dám nghĩ đến huy chương thì tất nhiên võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ cũng không phải là ngoại lệ, nhất là khi anh mới thảm bại ở kỳ SEA Games 1 năm trước đó.
Tuy nhiên, Hạ đã thích nghi nhanh chóng, luôn có được sự tập trung cùng phong độ cao nhất trong từng trận đấu để lần lượt “giải quyết” từng đối thủ ở hạng 58kg, với độ lì và sự chắc chắn đáng sợ. Trong đó, bản lĩnh cao cường của tuyển thủ người TP.HCM đã được thể hiện ở trận bán kết chạm trán ứng viên số 1 Y.Hironobu của chủ nhà Nhật Bản.
Hai võ sĩ chơi ăn miếng trả miếng trong một thế trận giằng co, quyết liệt tới nghẹt thở, với điểm số chung cuộc hòa 2-2. Nhờ ưu thế tấn công rõ rệt thể hiện suốt trận đấu, Hạ là người được các trọng tài xử thắng. Vượt qua thử thách lớn nhất, tuyển thủ Việt Nam đã không mấy khó khăn đánh bại Berran (Indonesia) 3-2 ở trận chung kết để đăng quang.
Quang Hạ đã đi vào lịch sử với tư cách tuyển thủ giành HCV Á vận hội đầu tiên của đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Kỳ tích của anh đã đưa thể thao Việt Nam vọt lên đứng thứ 19 trên bảng tổng sắp toàn đoàn ở ngay lần thứ 2 hội nhập trở lại với đấu trường lớn nhất châu lục, thay vì đội sổ như Á vận hội trước.
Quan trọng hơn, nó đã tạo nên cú hích cho cả một nền thể thao, bắt đầu tự tin nhắm tới tầm cao châu lục, xác lập các môn võ - với taekwondo dẫn đầu - là nhóm môn thế mạnh để tập trung đầu tư.
Hiếu Ngân lên “đỉnh” Olympic
Olympic 2000, khi taekwondo được đưa vào chương trình thi đấu, và cơ hội huy chương đã mở ra cho thể thao Việt Nam. Trong 2 nữ võ sĩ đoạt suất chính thức tới Sydney (Australia) tranh tài, niềm hy vọng được đặt vào Nguyễn Xuân Mai chứ không phải Trần Hiếu Ngân. Thế nhưng, áp lực đã dồn cả lên võ sĩ nhỏ bé quê Phú Yên khi người đồng đội bị loại sớm. Giấc mơ tưởng như sớm chấm dứt, vì ngay trận ra quân, Ngân phải trầy trật mới đánh bại được đối thủ người Trinidad&Tobago yếu hơn bằng 1 cú đá ăn điểm vào những giây cuối cùng. Tuy nhiên, vượt qua được rào cản tâm lý, càng vào sâu, Ngân càng thi đấu tốt.
Đặc biệt trận bán kết quyết định tấm huy chương, tuyển thủ 26 tuổi của TP.HCM đã có một màn trình diễn để đời trước Lourenc Virginia (Hà Lan) đang là ĐKVĐ châu Âu cao hơn mình tới 5cm. Lúc trận đấu chỉ còn 30 giây, chị vẫn đang bị dẫn 1-2, nhưng với những cú ra chân liên hoàn trúng vào mặt đối phương, Ngân đã giành thắng lợi chung cuộc 9-6.
Do thiếu kinh nghiệm, Ngân đã để thua Jung Jae Eun 0-2 (Hàn Quốc) trong trận chung kết. Đây là một kết quả đáng tiếc bởi ở lần chạm trán trước đó, chị đã đánh bại Jung. Tuy nhiên, chỉ với tấm HCB, Ngân cũng đã làm nên lịch sử khi trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương Olympic, một kỳ tích làm nức lòng người dân cả nước, được cả làng thể thao quốc tế săn đón.
Anh Tuấn nâng tầm TTVN
Phải mất 8 năm đằng đẵng sau “cột mốc” của Trần Hiếu Ngân, đến Olympic 2008, đô cử Hoàng Anh Tuấn mới lại giúp TTVN bước lên đỉnh thế giới, với một tấm HCB đẳng cấp và xứng đáng, ở một môn cơ bản hàng đầu.
Anh Tuấn khởi đầu tuyệt vời ở nội dung cử giật, qua “ngọt” khởi điểm 126kg. Sau khi nâng lên mức tạ 130kg, dù vừa sức song do căng thẳng ảnh hưởng tới kỹ thuật nên phải mất tới 2 lần thực hiện, tuyển thủ quê Bắc Ninh mới thành công. Đến nội dung cử đẩy, Tuấn vượt qua ngay mức 155kg. Mọi chuyện được quyết định trong lần đẩy thứ 2 của anh với mức 160kg. Cú đẩy đầu của Tuấn đã nâng được tạ lên song lại sai kỹ thuật nên tạ bị văng ra sau. Ở cú đẩy thứ 2, Tuấn đã kịp thể hiện bản lĩnh để hoàn tất khoảnh khắc quan trọng nhất sự nghiệp, dù có đôi chút “lung lay”: Mang huy chương về cho TTVN.
Càng ngoạn mục hơn vì đó lại là một tấm huy chương màu Bạc, với mức tổng cử 290kg, chỉ chịu thua đối thủ 17 tuổi Long Quinquan (Trung Quốc) đột ngột xuất hiện như “kỳ nhân” đúng 2kg.
Cho đến giờ, tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn vẫn được coi là chiến tích sáng giá nhất về mặt chuyên môn, giống như một sự “nâng tầm” cho cả TTVN.
Hình ảnh nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân với quốc kỳ choàng trên người, cổ đeo huy chương, hát vang bài quốc ca trong nước mắt chứa chan tại Olympic 2000 được coi là một khoảnh khắc kỳ diệu, kết đọng không chỉ cho thể thao Việt Nam mà cả một đất nước đang đổi mới, hội nhập vươn lên mạnh mẽ. Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã gửi thư chúc mừng Chủ tịch nước ta. Trở về nước, Ngân đã được Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tiếp và tặng quà. Quỹ UNDP của Liên hợp quốc cũng đề cử chị làm Đại sứ Thiện chí.