LTS: Đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành thể thao (27/03/1946-27/03/2016), Báo Thể thao 24h phối hợp với BBT Truyền hình Cáp Việt Nam cùng Công ty Cổ phần Thể thao 24h tổ chức giải thưởng “Cúp Chiến thắng” nhằm tôn vinh những gương mặt đạt thành tích xuất sắc và tạo ấn tượng đặc biệt của TTVN trong năm.
Tuyển thủ duy nhất 2 lần được gặp Bác
Lần thứ nhất vào tháng 11/1965 khi kình ngư 17 tuổi Vũ Thị Sen được tham gia cùng đoàn VĐV bơi, bóng bàn Trung Quốc đến chào Bác nhân dịp sang Việt Nam du đấu. Đặc biệt hơn là lần thứ 2 vào chiều 19/12/1966, không lâu sau chiến tích giành 1 HCV, HCB tại Đại hội thể thao các nước mới trỗi dậy (Ganefo), bà lại cùng các tuyển thủ xuất sắc khác được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch.
Như thể một giấc mơ, gương mặt nữ duy nhất còn được ưu tiên ngồi cạnh Bác, được Người ân cần hỏi chuyện về tập luyện, thi đấu, và ngợi khen khi biết rằng VĐV bơi trẻ quê Nam Định đã mang về cho Tổ quốc 2 tấm huy chương giá trị.
Kể từ đó, cũng như trong suốt cuộc đời VĐV, bà Sen đã luôn khắc sâu những lời căn dặn của Bác dành cho các thành viên của đoàn đại biểu thể thao mà cũng là với tất cả những người làm thể thao: “Phải luôn mang tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản” và “hoạt động, phát triển thể thao cũng chính là một công tác cách mạng”.
Hôm đó, bà Sen cũng là 1 trong 4 gương mặt tuyển thủ ưu tú (cùng với 2 xạ thủ Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Hùng; VĐV điền kinh Trần Hữu Chỉ) được tặng huy hiệu Bác Hồ, và được chụp ảnh chung với Người.
Bức ảnh này từ lâu đã trở thành 1 kỷ vật quý giá của cả TTVN, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Olympic Việt Nam. Còn tấm huy hiệu Bác Hồ, bà Sen đã luôn gìn giữ như 1 báu vật.
Kỷ lục gia trọn đời gắn bó với nghiệp bơi
Vũ Thị Sen chính là kình ngư được phát hiện, thành tài từ phong trào cơ sở ở địa phương bơi điểm số 1 Việt Nam thời kỳ chống Mỹ - xã Nghĩa Phú (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), nơi có tới 2.000 người biết bơi và Hội thao bơi ở đây thu hút tới 700 người dự tranh. Bắt đầu tập luyện từ năm 1960 tại hồ bơi hết sức đơn giản, Vũ Thị Sen đã nhanh chóng cho thấy tố chất hiếm có, liên tục tạo ra những bước đột phá.
Đến năm 1965, tay bơi nữ thành Nam đã hoàn toàn vô đối ở miền Bắc, rồi đạt đến đỉnh cao nhất tại Ganefo 1966 trên đất Campuchia, với 1 HCV, 1 HCB, trong đó có 1 thông số phá kỷ lục châu Á ở nội dung 200m ếch (3’03”01).
Kể từ khi được gặp Bác, nghe những lời chỉ dạy của Người, dù còn rất trẻ nhưng Vũ Thị Sen đã thực sự hiểu, thấm thía về lý tưởng, vai trò, trách nhiệm đối với 1 VĐV.
Bà Sen có thể tự hào rằng cả đời mình đã luôn phấn đấu làm theo lời dạy của Bác Hồ, để xứng đáng là một VĐV, một cán bộ tiêu biểu của ngành thể thao. Không chỉ nổi bật về thành tích mà Vũ Thị Sen còn là một mẫu hình chuẩn về ý thức công dân, thái độ chuyên nghiệp: Luôn tập luyện thi đấu hết mình, với tính kỷ luật, tự giác, học hỏi và sáng tạo.
Tinh thần ấy đã tiếp tục được Vũ Thị Sen phát huy cho đến tận bây giờ khi đã ở tuổi thất thập. Sau khi nghỉ hưu, ở vị trí của một chuyên viên bộ môn, hay Chánh văn phòng Hiệp hội Thể thao Dưới nước Việt Nam, bà đều luôn mẫn cán, tận tụy, bền bỉ và không câu nệ bất cứ điều gì, công việc gì.
Hiện tại, kỷ lục gia châu Á này vẫn duy trì thói quen rèn tập thể thao hàng ngày, tranh thủ thời gian để dạy bơi miễn phí cho trẻ em mà như tâm sự thì đơn giản bởi đó là “nghiệp đời”.
Vợ chồng thể thao, chị em bơi
Đây là 2 điều rất đặc biệt của cựu tuyển thủ Vũ Thị Sen, bên cạnh sự nghiệp bơi lẫy lừng với vinh dự lớn lao 2 lần được gặp Bác Hồ. Chồng của bà Sen cũng là dân thể thao chính hiệu, cựu kỷ lục gia 10 môn phối hợp và HLV nổi tiếng môn điền kinh Đoàn Kim Phách. Ông Phách từng nhiều năm đảm trách Tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam. Bà Sen có 1 người em gái ruột, Vũ Thị Men, cùng sát cánh trên hành trình vươn tới đỉnh cao bơi lội, từ hồ bơi của xã Nghĩa Phú. Tuy chưa đạt tới tầm vóc của chị song bà Men cũng từng là 1 kình ngư hàng đầu QG. 2 chị em Sen - Men đã tạo thành một cặp “song kiếm hợp bích” khuynh đảo khắp miền Bắc trong thập kỷ 1960.