LTS: Đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành thể thao (27/03/1946-27/03/2016), Báo Thể thao 24h phối hợp với BBT Truyền hình Cáp Việt Nam cùng Công ty Cổ phần Thể thao 24h tổ chức giải thưởng “Cúp Chiến thắng” nhằm tôn vinh những gương mặt đạt thành tích xuất sắc và tạo ấn tượng đặc biệt của TTVN trong năm.
Cú “đánh rào” lịch sử của Bích Hường
Tấm HCV lịch sử ở môn điền kinh tại SEA Games 1995 do công của Vũ Bích Hường, trên đường chạy 100m rào nữ, được coi là cú “vượt ngưỡng” ngoạn mục nhất không chỉ của điền kinh mà cả nền thể thao.
Kỳ Đại hội trước đó chỉ đoạt HCĐ, không nhà chuyên môn nào dám nghĩ Hường có thể làm nên chuyện, nhất là khi đối thủ của chị là ngôi sao điền kinh Philippines, Elma Muros - người tuyên bố sẽ lấy đủ 5 HCV.
Chưa bước vào đường chạy, nhiều VĐV đã bị choáng trước tên tuổi của Elma, song Bích Hường khác hẳn. Chị không hề sợ, ngược lại hoàn toàn thoải mái, với tâm niệm chạy hết sức mình, chờ cơ hội.
Chân chạy Hà Nội bứt lên ngay từ đầu như tên bắn, vượt qua các rào cản với tốc độ ngày càng cao đến mức chóng mặt. Qua 2/3 quãng đường vẫn duy trì được 1 vị trí trong 3 người dẫn đầu, chị tăng tốc mãnh liệt để bứt lên, rồi vút về đích. Sau cú nước rút tuyệt vời, Hường quỵ xuống vì kiệt sức và sung sướng, còn HLV ruột của chị là Nguyễn Hoàng An cũng không đứng vững.
Hai cô trò họ bật khóc hồn nhiên như con trẻ, trong khi tất cả các thành viên khác của điền kinh Việt Nam có mặt hôm đó đều nghẹn ngào khôn tả. Càng đáng khâm phục hơn khi tuyển thủ người Hà Nội mới trở lại đường chạy, sau hơn 1 năm nghỉ sinh con đầu lòng. Lúc Hường tái xuất, người chị chậm chạp, ai cũng nghĩ coi như “hết nghiệp”, vậy mà chị đã vượt qua tất cả.
Hữu Việt giải “cơn khát Vàng” 44 năm
Tại SEA Games 2005, dù tin chắc kình ngư đất Cảng có huy chương, song giới chuyên môn và chính bản thân Hữu Việt cũng chưa dám đề cập đến ngôi cao nhất, mà chỉ tâm niệm phấn đấu hết sức mình.
Ở chung kết nội dung 100m ếch nam, ngay từ khi xuất phát, Việt đã bứt lên, nằm trong nhóm 3 tay bơi dẫn đầu, bám đuổi nhau quyết liệt, sít sao suốt 50m đầu “tích lũy”. Đến 50m quyết định, các ứng cử viên đồng loạt tăng tốc mãnh liệt, và khi chỉ còn cách đích vài mét, đại diện Việt Nam cùng gương mặt lừng danh Đông Nam Á, Timmy Chua (Philippines), đã vượt lên. Trong cuộc đấu tay đôi gay cấn nước rút này, Việt đã chứng tỏ sức trẻ, để cán đích trước đối thủ sừng sỏ, hơn đúng 1 cánh tay.
Khi đã kết thúc đường bơi, trồi lên khỏi mặt nước, nhìn lên bảng điện tử, rồi thấy các đồng đội reo hò trên khán đài, Việt mới tin chắc rằng mình đã giành tấm HCV ngoài sức tưởng tượng.
Vượt xa tính chất của 1 HCV tại một cuộc đấu cụ thể, ngôi Quán quân của tay bơi mới tròn 17 tuổi này được đánh giá là một trong những chiến tích sáng giá nhất của thể thao Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Đơn giản, đây mới là lần đầu, sau 44 năm đằng đẵng, bơi Việt Nam mới lại vươn tới đỉnh cao nhất của một sự kiện quốc tế chính thức, nhất là lại ở một môn kém và khó phát triển nhất tại Việt Nam.
Hữu Việt thực sự đã đưa bơi Việt Nam, và phần nào đó cả thể thao Việt Nam sang một trang mới. Mẫu hình tuyển chọn, đào tạo tài năng của ngành thể thao, mới nhất như trường hợp của siêu kình ngư đàn em Nguyễn Thị Ánh Viên cũng được khởi nguồn từ chính Hữu Việt.
Phải đến khi Ánh Viên giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục tại SEA Games 2015 mới lại có một gương mặt của thể thao Việt Nam gây chấn động với sức lan tỏa đặc biệt như Vũ Bích Hường cách đây 20 năm. Báo chí thể thao Đông Nam Á khi ấy ca ngợi chiến tích của Hường là sự “sự kỳ diệu của bà mẹ 1 con”, “người đàn bà thép”.
Cái với tay của Phương
Không lọt vào danh sách những người xuất sắc nhất, cũng không đoạt HCV, nhưng tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Phương vẫn là nhân vật đặc biệt nhất của TTVN tại các đấu trường, với “cú với tay bừng sáng tinh thần Việt” trên đường chạy 3.000m rào, ở SEA Games 26 năm 2011.
Ngay trước vạch đích, Phương đã bị kiệt sức và gục ngã. Theo một cách rất bản năng, Phương đã vùng dậy hướng về phía trước, nỗ lực để hoàn tất cuộc đua, trước khi bất tỉnh nhân sự và chỉ tỉnh dậy ở phòng y tế của SVĐ, với cảm giác như mình vừa chết đi sống lại. Sau Đại hội, người ta đã ví von tấm HCB của cô gái xứ Thanh mồ côi mẹ này như một tấm huy chương “kim cương”.
S.M