Hành trình vươn tầm Ánh Viên: Tăng 4 hạng khó như… lên trời

thứ tư 5-8-2015 14:56:54 +07:00 0 bình luận
Tại giải vô địch thế giới 2013, Ánh Viên đã từng đoạt hạng 19 và lần này là đứng thứ 15. Qua 2 năm, kình ngư đã tạo nên những điều thần kỳ từ SEA Games cho đến ASIAD chỉ có thể tăng được vài bậc ở đấu trường quốc tế đỉnh cao.

Top 20 không khó

Qua 3 lần tham dự, có lẽ Ánh Viên hiểu rõ hơn ai hết giải VĐTG là nơi mặt bằng chung trình độ vốn quá cao lại phân ra nhiều đẳng cấp khác nhau. Có nghĩa là, một tài năng trẻ với những bước đột phá liên tục như Viên sẽ có nhiều cơ hội để chen vào nhóm giữa, cụ thể với một thứ hạng trong Top 25, Top 20, hay kể cả Top 15.

Tăng 4 hạng khó như... lên trời

Thực tế, cuộc đấu cách đây 2 năm trên đất Tây Ban Nha thời điểm còn “chưa là gì”, Viên khi đó 17 tuổi đã chinh phục thành công Top 20. Chỉ dự tranh 2 nội dung, nhưng Viên đều đạt thành tích rất tốt. Cô đứng thứ 21 đường bơi 400m hỗn hợp, và thậm chí còn xếp thứ 19 ở 200m ngửa.

Theo đánh giá, khi đó, nếu phát huy cao nhất khả năng thay vì chỉ xác định như một đợt cọ xát, tuyển thủ Việt Nam đã có thể lọt vào Top 15. Đây cũng chính là 2 cự ly sau đó Viên đã mang về cho bơi Việt Nam 2 tấm HCĐ lịch sử tại ASIAD 2014.

Top 8 hoàn toàn khác

Với đẳng cấp hiện tại, chuyện Ánh Viên lọt vào Top 15, hay Top 10 tại giải VĐTG sẽ không còn quá bất ngờ. Chính xác hơn, kình ngư này đã vươn tới tầm mức vững vàng của một kình ngư nhóm 2 thế giới. Tuy nhiên, để tăng thêm được vài bậc, rõ nhất với mục tiêu lọt vào tới chung kết – tương ứng với Top 8 – lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Đơn giản vì giữa các gương mặt thuộc Top 8 (chưa nói đến các ứng viên tranh huy chương) với nhóm ngay phía sau, trong đó một vài nội dung có Viên, hãy còn một khoảng cách rất xa. Nó không chỉ thể hiện ở thành tích mà còn gắn với những khác biệt rõ rệt về hình thể, sức mạnh, kỹ thuật, kinh nghiệm.

Như giới chuyên môn ví von, Viên cần 2 năm để gia nhập Top 15 thế giới. Và cũng phải cần chừng ấy thời gian, với quyết tâm nỗ lực cao hơn nhiều mới có thể tiếp tục vượt qua được một vài đối thủ xếp trên mình.

Vì sao có thể hy vọng ở 400m hỗn hợp?

Có thể thấy, 400m hỗn hợp đang là nội dung mạnh nhất, phù hợp nhất với Ánh Viên. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý, đó cũng là đường bơi gần như duy nhất Viên luôn có những bước thăng tiến nhanh và ổn định như một “mũi nhọn” số 1. Kể từ khi nền tảng thể lực của cô có bước đột phá, cùng khả năng bơi ếch được nâng cao, điều này càng được khẳng định.

Ở giải VĐTG 2013, Viên xếp thứ 21 với thông số 4 phút 47 giây 60. Qua 2 năm, kỷ lục gia SEA Games này đã bơi dưới 4 phút 40 giây, rút ngắn được tới 7-8 giây, một thành quả rất “khủng”. Chưa kể căn cứ vào kết quả trong tập luyện, cũng như tính toán về “điểm rơi” phong độ, Viên sẽ có thể làm nên chuyện ở bài thi quyết định 400m hỗn hợp vào ngày 09/08 tới.

Ánh Viên chỉ có đúng 30 ngày để chuẩn bị trực tiếp cho giải VĐTG – một quỹ thời gian cực kỳ ngắn so với các hảo thủ quốc tế, do phải dự tranh SEA Games 28. Và việc phải căng sức ra đấu ở cả chục nội dung (đoạt 8 HCV, phá 8 kỷ lục ở sân chơi khu vực) đã ít nhiều ảnh hưởng đến tính quy trình chặt chẽ cùng thể lực của Viên. Kình ngư này cũng gặp bất lợi khi chưa thể tạo ra cho mình một vài đường bơi sở trường, kiểu như 400m hỗn hợp, mà vẫn phải duy trì đồng thời nhiều nội dung. Nó sẽ chỉ phù hợp với một sân chơi như SEA Games song rất khó cho đích tranh chấp HCV ASIAD hay đoạt thứ hạng cao tại đấu trường Olympic, thế giới.

Màn trình diễn tệ hại của ĐKVĐ SEA Games Hoàng Quý Phước ở cự ly mạnh nhất 200m tự do nam với thông số 1 phút 54 giây 31, đứng thứ 62 trong 80 đấu thủ càng minh chứng giải VĐTG là một sân chơi quá tầm với bơi Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ chiến tích Top 15 thế giới của “con độc” Ánh Viên sáng giá như thế nào. Chuyến tập huấn tại Nhật Bản với tổng chi phí dự tính lên tới 1,6 tỷ đồng của anh đã sớm đổ bể. Được biết, đơn vị chủ quản Đà Nẵng đã lên kế hoạch rút Phước về nước.

HÀ THẢO

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm