“Đầu rơi, website bị xóa”
Sự ganh đua và thù địch ở môn cricket vốn là truyền thống ở Nam Á. Vẫn biết vậy nhưng một trận đấu giữa Bangladesh và Ấn Độ đã đưa sự cuồng tín của người hâm mộ tới mức cực đoan, để rồi kết thúc bằng việc các tin tặc tấn công hàng loạt website của chính phủ Bangladesh.
Căng thẳng bắt đầu bằng một vụ cãi nhau vặt trước thời điểm diễn ra trận chung kết Asia Cup giữa Ấn Độ và Bangladesh vào Chủ nhật tuần trước. Ấn Độ được đánh giá cao hơn quốc gia nhỏ láng giềng nhưng “Những chú hổ” Bangladesh cũng đã chơi rất tốt trong thời gian gần đây và họ hi vọng tạo nên một bất ngờ.
Chính vì bị thôi thúc bởi hi vọng đó, người hâm mộ Bangladesh đã chế ra một bức ảnh biếm họa đẫm máu mô tả cầu thủ ngôi sao của họ là Taskin Ahmed tay cầm cái đầu bị cắt rời của đội trưởng đội tuyển Ấn Độ, Mahendra Singh Dhoni.
Bức ảnh này sau đó đã lan truyền trên mạng xã hội với một tốc độ chóng mặt, bởi những người sử dụng nó để kêu gọi ủng hộ cho Bangladesh và những người cho rằng việc sử dụng photoshop để chế ảnh là không phải.
Cuối cùng, Ấn Độ thắng với 8 wicket và giành chức vô địch Asia Cup lần thứ 6. Thế nhưng, người hâm mộ Ấn Độ trong chiến thắng vẫn không quên được hành động của người Bangladesh trước trận đấu. Họ cũng chế ảnh và tung lên mạng những bức ảnh chế giễu thất bại của Bangladesh.
Mặc dù vậy, tất cả những điều này không có gì là mới trong thế giới cricket, giữa những cơn cuồng say của người hâm mộ. Và đối với một số fan của Ấn Độ, chửi đi chửi lại vẫn không thỏa mãn được cơn giận dữ của họ.
Vì thế, ngay sau trận đấu, một nhóm tin tặc tự gọi mình là Kerala Cyber Warriors đã tấn công vào 15 website của Bangladesh, trong đó có một số thuộc về chính phủ. Những ai truy cập vào những website trên đều được chào đón bằng một bài hát chiến thắng của người Hindi cùng hình ảnh cricket và thông điệp: "Đội tuyển cricket của bọn người chẳng là gì".
Các tin tặc không tiết lộ danh tính nhưng họ cho biết lí do giải thích tại sao họ tiến hành những vụ tấn công của mình. "Họ (fan của Bangladesh) đã bắt đầu chuyện này và chúng tôi chỉ là người kết thúc nó," Kerala Cyber Warriors trả lời qua email. "Họ đã đi quá xa trong bức ảnh photoshop Dhoni. Nó đã lan truyền như virus và chúng tôi cảm thấy thực sự tồi tệ. Thái độ của họ đã khiêu khích chúng tôi hành động như vậy. Chúng tôi biết xóa một website là tội ác nhưng đây là vay trả. Các tin tặc Bangladesh từng có hành động tương tự, vậy tại sao các tin tặc Ấn Độ lại không thể?"
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên các fan cricket tấn công những website vào một quốc gia. Kerala Cyber Warriors từng tấn công một số website của Pakistan trước đây và khỏi cần phải nói, Pakistan chính là đối thủ lớn nhất của Ấn Độ ở môn cricket.
Hiện nay, một số website của Bangladesh, trong đó có một của chính phủ, vẫn bị các tin tặc Ấn Độ kiểm soát. Và phía chính phủ Bangladesh cũng chưa có bất cứ phản ứng nào về vụ việc này.
Về phía Kerala Cyber Warriors, họ tiết lộ “Chúng tôi chưa xóa bất cứ dữ liệu nào từ các website. Chúng tôi chỉ xóa những trang chủ. Họ có thể khôi phục lại dễ dàng”.
Và “máu chảy”
Ít nhất thì fan cricket của Ấn Độ vẫn còn tử tế nếu so với một trận đấu đã làm bùng phát chiến tranh tại Trung Mỹ. Đó là cuộc chiến tranh bóng đá giữa El Salvador và Honduras vào năm 1969 hay còn gọi là “Chiến tranh 100 giờ”.
Vẫn biết nguồn gốc sâu xa của căng thẳng xuất phát từ những vấn đề như nhập cư, thương mại và tranh chấp đất đai ở biên giới nhưng giọt nước chỉ tràn li sau 3 trận đấu ở vòng loại World Cup vào năm 1969.
Trận đấu đầu tiên - Honduras thắng 1-0 - tại Tegucigalpa đã chứng kiến những rắc rối đầu tiên nhưng mọi chuyện chỉ trở nên tồi tệ hơn ở trận đấu thứ hai tại San Salvador. Các cầu thủ đội khách Honduras, theo cuốn Wojna Futbolowa vào năm 1978 của Ryszard Kapuscinski, đã có một đêm không ngủ trước trận đấu khi trứng thối, chuột chết và giẻ rách được ném vào khách sạn của họ. Trong khi đó, CĐV Honduras bị đối xử hung bạo trong trận đấu, quốc kì và quốc ca của Honduras bị chế giễu.
"Trong một không khí như thế, các cầu thủ từ Tegucigalpa không còn tâm trạng nào để thi đấu", HLV của đội tuyển Honduras, Mario Griffin, thừa nhận sau thất bại 0-3. "Họ chỉ nghĩ đến việc thoát ra khỏi nơi này. Chúng tôi cảm thấy thật may mắn là chúng tôi chỉ thua thôi".
Và căng thẳng tiếp tục leo thang trước trận đấu thứ 3 quyết định tại Mexico. Ngày 27/06, ngày diễn ra trận play-off - Honduras cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước láng giềng. El Salvador cuối cùng thắng 3-2 trong hiệp phụ và giành vé đến World Cup 1970 (họ đã thua cả 3 trận ở vòng bảng và không ghi được một bàn thắng nào). Đến ngày 14/07, El Salvador tấn công Honduras.
Khi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đàm phán ngừng bắn vào ngày 20/07, xấp xỉ 1.000-2.000 người đã thiệt mạng và hơn 100.000 phải đi sơ tán. Quân đội El Salvador rút lui vào tháng 8 nhưng 11 năm sau, một hiệp ước hòa bình giữa hai quốc gia mới được kí kết. Sau đó, El Salvador trải qua một cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1980 đến 1992 khi Tòa án Công lý quốc tế trả lại phần lớn các vùng đất gây tranh cãi cho Honduras.
Ở khía cạnh tích cực, 2 năm trước “Chiến tranh 100 giờ”, bóng đá cũng đã chặn đứng một cuộc chiến khác, dù chỉ tạm thời. Đó là năm 1967 khi các phe đối địch trong chiến tranh Biafran (Nội chiến Nigeria) đã có 2 ngày ngừng bắn vào tháng 9 để họ có thể xem Pele và đội Santos có 2 trận đấu giao hữu ở đây.