Ủy ban Olympic châu Á OCA đang nắm trong tay một danh sách đề cử mà thông tin ban đầu cho biết nội dung thi đấu bao gồm FIFA 2017 cùng những game thuộc các thể loại Moba và RTA.
Tuy nhiên, một số hãng tin quốc tế đã sớm gợi ý cho các gamer muốn tranh tài tại Hàng Châu (Trung Quốc) năm 2022 cần chú trọng tập luyện các trò như FIFA 2017, League of Legends, Dota 2 và StarCraft II.
Hoặc nếu cẩn thận hơn thì có thể quan sát xem những game nào được OCA đưa vào chương trình thi đấu tại Asian Indoor và Martial Arts Games (AIMAG) ở Turkmenistan năm nay.
Dù sao thì theo đánh giá của truyền thông quốc tế, đây là một bước ngoặt lịch sử cho eSports khi được đưa vào nội dung tranh huy chương ở Asian Games, sự kiện thể thao đa môn lớn thứ hai thế giới chỉ sau Olympic.
Bởi mới cách nay 3 năm tại Incheon (Hàn Quốc), Asiad đã thu hút khoảng 10.000 vận động viên đến từ 45 đoàn thể thao và vùng lãnh thổ.
Quyết định đưa eSports vào chương trình thi đấu của Asian Games 2022 ở Trung Quốc vừa được OCA thông báo đầu tuần này đến đối tác Alisports vốn là chi nhánh trong làng thể thao của Alibaba League of Legends – “gã khổng lồ” trong ngành kinh doanh trực tuyến.
Được Alibaba Sports Group sáng lập vào năm 2015 thì chỉ riêng năm qua, Alisports đã đầu tư khoảng 150 triệu đô vào Liên đoàn eSports Quốc tế (International eSports Federation, viết tắt là IESF) có trụ sở tại Hàn Quốc.
Đầu năm nay, Alisports lại bỏ ra hơn 14,5 triệu đô tổ chức World Electronic Sports Games tại Quảng Châu (Trung Quốc), nơi quy tụ khoảng 60.000 tuyển thủ đại diện cho 120 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh giải thưởng trị giá 5,5 triệu đô.
Trên thực tế, cuộc vận động hành lang của các tổ chức điều hành eSports như IESF tác động đến OCA tương đối thuận lợi phần nào do đà phát triển mạnh mẽ của tự thân eSports.
Bằng chứng mới nhất là ngay đầu tháng này, Đại học Utah vừa thông báo về việc sắp cấp học bổng cho những game thủ đủ tài năng chen vào đội eSports của trường.
Còn từ tháng 11/2016, nhà cái William Hill vừa phát hành “Downtown Grand in Las Vegas”, quyển sách thể thao đầu tiên ở Mỹ có đề cập tới eSports.
Vào tuần trước, tới lượt MGM – tập đoàn kinh doanh cờ bạc, giải trí và du lịch ở Mỹ thông báo kế hoạch chuyển đổi hộp đêm tại Luxor thành nhà thi đấu eSports nhiều cấp độ nhằm thu hút thêm khách trẻ.
Sở dĩ eSports đang “hot” như vậy là do chỉ riêng năm 2016 đã đem lại lợi nhuận tới 493 triệu đô và thu hút khoảng 320 triệu người xem như kết quả khảo sát mà công ty Newzoo công bố hồi năm trước.
Và nếu ban đầu khán giả chủ yếu đến từ châu Á như hơn 40.000 người tham dự vòng chung kết 2014 League of Legends World Championship tại Hàn Quốc thì hiện nay, các cuộc tranh tài của eSports đang cuốn hút hàng chục triệu người hâm mộ theo dõi trực tiếp hoặc trực tuyến tại Madison Square Garden ở New York, Staples Center tại Los Angeles hoặc MGM Grand Garden Arena thuộc Las Vegas Strip.