Theo chân của các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ, đấu vật luôn được cân nhắc như môn thể thao có lịch sử lâu đời nhất tồn tại trong suốt nền văn minh loài người. Một giáo sư thuộc trường đại học Oxford từng đúc kết lý lẽ quan trọng nhất để chứng minh cho luận điểm này:
“Nên nhớ, chúng ta cũng có thể quan sát thấy hành vi đấu vật giữa những cá thể động vật không phải con người. Đấu vật thực sự luôn tồn tại như bản năng của các loài động vật nói chung.”
Tại tỉnh Bayankhongor của Mông Cổ, các nhà khảo cổ tìm thấy hình vẽ hai người đàn ông khỏa thân vật lộn với đám đông khán giả vây quanh. Bức tranh nằm trong số nhiều hình khắc được tìm thấy tại một hang động tồn tại ở thời điểm 7000 năm trước Công nguyên.
Phía Bắc Trung Hoa 4000 năm trước Công nguyên cũng ra đời Shuai Jiao, hình thức võ vật đầu tiên vẫn tồn tại cho tới tận ngày nay. 2600 năm trước Công nguyên, một bức tượng đồng mô tả 2 võ sĩ đấu vật được tìm thấy tại Babylon, tới giờ vẫn được cất giữ trong Bảo tàng Quốc gia Iraq.
Ở trên đều là những bằng chứng sớm nhất về sự tồn tại của đấu vật nhưng lại gây bối rối trong việc công nhận đâu là môn đấu vật thể thao sớm nhất lịch sử. Bức tranh tại hang động Mông Cổ và bức tượng đồng Babylon không đủ để chứng minh tính chất thể thao của câu chuyện phía sau chúng.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Shuai Jiao, Jiao Li, cũng thừa nhận “Shuai Jiao là thể thủy tổ của tất cả các hình thức võ chiến đấu Trung Hoa”, điều khiến loại kung-fu cổ xưa này gặp rắc rối trong việc xác định như đây là một môn đấu vật thể thao.
Phải tới khi toàn bộ khu vực thung lũng sông Nile (Ai Cập) được khám phá, các nhà nghiên cứu mới tìm được đủ tư liệu cần thiết để xác định đâu là môn đấu vật thể thao đầu tiên trong lịch sử loài người.
2400 năm trước Công nguyên, tại lăng mộ Niankhkhnum và Khnumhotep, những người phục vụ thân tín của Pharaoh Nyuserre, một hình vẽ mô tả 6 cặp trai tráng đang đánh vật tại một kỳ lễ hội. Không ai trong số họ phải chết, điều này chứng minh lí lẽ đầu tiên, đấu vật Ai Cập vẫn được tổ chức trong các sự kiện quan trọng và không mang tính chất chiến đấu sống còn.
Tại nhiều đền thờ khác ở triều đại thứ 11 và 12 Beni Hasan, các hình ảnh đấu vật được dùng để che phủ hoàn toàn một số bức tường, cho thấy sự phổ biến số đông của bộ môn này trong xã hội Ai Cập.
Nhưng điều quan trọng nhất chứng minh đấu vật Ai Cập là môn thể thao đích thực lại nằm ở vô số các tác phẩm điêu khắc trong thời kỳ Vương quốc mới (1550-1070 trước Công nguyên).
Trong kho tàng hiện vật bày ra trước mắt, các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng quốc gia Ai Cập chỉ tay vào những hình khắc sống động mô tả lại một giải đấu vật qui mô lớn giữa 2 quốc gia cổ xưa: Ai Cập và Nubia.
Hơn 800 võ sĩ xuất hiện trong các hình khắc, tạo thành hơn 400 cặp đấu, giúp định hình nên cuốn cẩm nang các kỹ thuật đấu vật đầu tiên mà thế giới được biết đến. Các võ sĩ thường có thế tấn cao hơn so với đấu vật Mông Cổ và hoàn toàn khỏa thân khi giao đấu.
Qua hàng loạt hình miêu tả, thậm chí người xem có thể nhận ra nhiều kỹ thuật đấu vật hiện đại của ngày nay. Tại bức tường chính giữa ngôi đền của vị vua đầu tiên của Vương quốc mới, nơi đây khắc hình nhà vô địch với giải thưởng vinh dự tới từ những vị vua của 2 vương quốc. Tất cả những bằng chứng này đã giúp đấu vật Ai Cập được công nhận như môn thể thao cổ xưa nhất lịch sử thế giới.