Nghịch lý thể thao Hà Nội: Tiền thưởng, đầu ra là... chuyện nhỏ

thứ sáu 4-3-2016 22:47:01 +07:00 0 bình luận
Thể thao Hà Nội vẫn đang đi theo lối mòn hơn 10 năm nay, khi chính sách hỗ trợ học nghề, đầu ra, chỗ ở sau giải nghệ coi như không có.

Chỉ lo đào tạo và kiếm huy chương  

Xét về điều kiện cơ sở vật chất, dinh dưỡng, tập huấn thi đấu; VĐV Hà Nội đang nhận được đầu tư tốt nhất, thậm chí vượt xa mặt bằng chung cả nước. Như các chuyên gia đánh giá, đó là một quy trình đào tạo đã phần nào tiếp cận chuẩn quốc tế.

Chỉ riêng số chuyến xuất ngoại rèn giũa, cọ xát lên tới vài trăm của quân Hà Nội cũng đủ khiến cả làng thể thao phải ngước nhìn. Nơi đây cũng tiên phong cả nước trong mô hình trường năng khiếu thể thao, có thể giải quyết hiệu quả chuyện học văn hóa, vốn luôn là một bài toàn khó…

thể thao Hà Nội

Chính quy trình vượt trội dựa trên mức kinh phí “khủng” trên 300 tỷ đồng mỗi năm ấy đã giúp thể thao Thủ đô luôn có một lực lượng VĐV hùng hậu, đủ sức khuynh đảo mọi giải đấu quốc nội, và phần nào đó cả đấu trường SEA Games.

Tuy nhiên, đó lại chỉ là một quy trình khép kín, phục vụ cho một đích nhắm gần như duy nhất: Đào tạo VĐV giỏi để tranh chấp huy chương. Thế nên, các VĐV Hà thành có thể có chi phí đào tạo cao gấp 4-5 lần các địa phương khác với nhiều giải pháp đặc biệt song lại nhận về cho mình rất ít quyền lợi.

Trên thực tế, mức thưởng thành tích bèo bọt không phải là sự thua thiệt đáng kể, nếu so với tình cảnh “tay trắng” của hàng nghìn VĐV sau khi giải nghệ. Họ phải tự bỏ tiền học Đại học, tự xin việc, lo chỗ ở... Một tỷ lệ không nhỏ qua nhiều năm xoay đủ cách cuối cùng vẫn thất nghiệp hay bế tắc, đơn cử nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ, hay nhà vô địch thế giới Nguyễn Thị Huyền Trang.

Trách nhiệm của ngành thể thao

Lỗ hổng lớn về chế độ đãi ngộ, có thể coi như một bất công đầy vô lý mà VĐV Hà Nội đang phải gánh chịu, dường như các nhà quản lý của thể thao Hà Nội lại không coi đó là một vấn đề chính đáng, cơ bản phải nhìn nhận và giải quyết. Thay vào đó, họ vẫn bàng quan, mặc địch cho rằng quân mình đang được quan tâm chăm lo tốt.

Đơn cử chuyện thưởng thành tích bèo bọt, kém mức chung tới 8 lần, như lý giải của những người có trách nhiệm, cứ hệt như đó là… chuyện nhỏ. Có lẽ cũng vì “mác” Hà Nội nên VĐV cứ phải tập luyện, thi đấu, đóng góp hết mình còn việc học hành, công việc, chỗ ở là một mảng không liên quan.

thể thao Hà Nội

Thực sự, thể thao Hà Nội có những cái khó về mặt khách quan do quân số quá đông, gắn với đặc thù đào thải khắc nghiệt của thể thao, trong khi khả năng đáp ứng - rõ nhất về đầu ra - có hạn. Chỉ có điều, trong vấn đề đãi ngộ ngày càng bức bách đang đặt ra, có trách nhiệm lớn và trực tiếp từ ngành thể thao.

Thủ đô đi đầu cả nước về sự ưu tiên, đầu tư đặc biệt cho thể thao. Song chính ngành thể thao lại đang quá thiên lệch về quan điểm, cách làm khi tập trung cao độ mọi nguồn lực cho quy trình khép kín: Đào tạo VĐV giỏi để tranh huy chương.

Lâu nay, Hà Nội luôn có chính sách, giải pháp vượt trước cả nước về tuyển chọn, đào tạo VĐV nhưng lại thiếu hẳn các nội dung thiếu yếu trong chế độ đãi ngộ, về thưởng thành tích, hỗ trợ học nghề, công việc, chỗ ở.

Rất đáng lo ngại cho sự phát triển bền vững, nếu nhìn vào thống kê chỉ 15% số VĐV Thủ đô sau khi giải nghệ có công ăn việc làm ổn định.

Sau trường hợp thưởng 1 căn hộ chung cư cho tượng đài wushu Nguyễn Thúy Hiền vào năm 2002, mãi gần đây mới có thêm HLV điền kinh Vũ Bích Hường được xét hỗ trợ mua trả góp nhà giá rẻ.

HLV điền kinh Vũ Bích Hường

HLV điền kinh Vũ Bích Hường

Điều đáng nói, Hường được xét đặc cách không phải vì thâm niên, thành tích đóng góp mà chủ yếu bởi thời điểm ấy gia cảnh quá khổ, con trai thứ 2 bị mắc chứng tự kỷ, chồng bị bệnh hiểm nghèo. Chuyện được bố trí việc làm hay hỗ trợ lo chỗ ở vẫn là một giấc mơ xa vời với các VĐV Thủ đô, trong khi nhiều nơi khác như TP.HCM, Đà Nẵng đã có hẳn một chính sách riêng.

Các nhà quản lý của thể thao Hà Nội là những chuyên gia tham mưu hàng đầu để có được những chính sách, giải pháp đột phá trong cách thức tổ chức và đào tạo VĐV. Ngay trong thời sáp nhập, Hà Nội đã hình một mô hình Trung tâm huấn luyện đào tạo có tính tự chủ, phù hợp cao, đảm bảo cho một hệ thống gồm trên 3.500 VĐV của 42 môn, với nguồn kinh phí tối thiểu 300 tỷ đồng mỗi năm.

Thế nhưng, họ lại không ngó ngàng đến việc đề xuất các chế độ đãi ngộ chính đáng, thiết thực đối với VĐV. Đơn cử, mức thưởng thành tích vẫn đang áp dụng quy định cách đây 15 năm.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm