Chấn thương nặng vẫn… đảm bảo sức khỏe
Tại các giải bóng chuyền VĐQG, chuyện một vài cầu thủ dính chấn thương mới hay bất chấp chấn thương chưa hồi phục để thi đấu đã trở nên quen thuộc. Điển hình như Ngô Văn Kiều, không biết bao nhiêu mùa, anh đã phải cắn răng vào sân trong tình trạng chấn thương khắp người, trận nào cũng phải uống và chích thuốc giảm đau.
Có lần vì quá gồng mình gắng sức nên “oanh tạc cơ” này đã bị đau và kiệt thể lực tới mức không thể đập nổi trái bóng. Đến lúc ấy, anh mới chịu, hay nói chính xác hơn là được ngồi ngoài.
Đây cũng là tình cảnh mà nhiều tuyển thủ quốc gia hay những trụ cột của các đội bóng yếu từng trải qua, cho dù không theo kiểu “phi thân” như Văn Kiều.
Trường hợp Văn Kiều bình thường sẽ không được phép tiếp tục tập luyện, thi đấu vì chứa đựng rất nhiều rủi ro, nguy cơ. Thực tế anh cũng đã phải trả giá rất nhiều. Thế nhưng, rất bi hài, “bệnh binh chuyên nghiệp” ấy lại luôn có thể luôn vô tư, hồn nhiên dự giải. Chủ công sinh năm 1984 được bảo lãnh bởi bản chứng nhận sức khỏe mà CLB Sanest Khánh Hòa gửi BTC khi đăng ký danh sách. Trong đó, cũng như các đồng đội, Kiều dù đang chấn thương vẫn được chứng nhận hoàn toàn đảm bảo sức khỏe.
Chứng nhận cho đủ thủ tục
Trong điều lệ giải VĐQG hàng năm gửi tới các đội, BTC luôn ghi rõ điều kiện cầu thủ các đội phải có giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền khám, cấp theo quy định của pháp luật. Và các đội bóng đều đáp ứng đầy đủ khi gửi hồ sơ đăng ký dự giải.
Chỉ có điều, lâu nay, bản chứng nhận ấy chỉ có một giá trị duy nhất là… cho đủ thủ tục. Đáng buồn hơn, điều đó gần như mặc nhiên được các bên liên quan chấp nhận.
Trước giải, các đội bóng chỉ tập trung vào mảng chuẩn bị về chuyên môn, lo kinh phí dự giải. Ở bối cảnh hầu hết các đội đều thiếu cầu thủ có chất lượng, việc có đủ một đội hình đủ 12 người cũng là cả một vấn đề. Họ chỉ quan tâm làm sao có đủ người để đăng ký rồi có gì tính sau. Việc khám sức khỏe chỉ mang tính hình thức qua loa chỉ đơn giản để làm sao có giấy chứng nhận.
Trong khi đó, BTC sau khi nhận được hồ sơ dự giải kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe của các đội cũng coi như xong nhiệm vụ. Việc sử dụng người như thế nào tại giải là chuyện của các đội, mà BTC chưa từng tiến hành kiểm tra, giám sát hay kể cả có hình thức nhắc nhở, cảnh báo với một số trường hợp kiểu như Văn Kiều.
Như một hậu quả khó tránh: Giải nào cũng xuất hiện một số cầu thủ vẫn tranh tài khi đang chấn thương, hay dính chấn thương mới cũng vì tình trạng thể lực, sức khỏe của họ không giống như kết luận của giấy chứng thực trước đó.
Chính sự chủ quan, ứng phó của các đội bóng, bản thân cầu thủ, cùng sự lỏng lẻo trong quản lý tổ chức các giải đấu đã tạo nên một lỗ hổng lớn trong việc phòng chống chấn thương. Và nỗi ám ảnh chấn thương vẫn treo lơ lửng trên đầu các cầu thủ, có thể ngay từ những bản chứng nhận sức khỏe.
"Với Thể thao Việt Nam, trước mỗi giải đấu, Ban Tổ chức kiểm soát tình trạng sức khỏe của VĐV bằng tấm giấy khám sức khỏe của các bệnh viện. Nhiều môn nhiều đội - nhất là các địa phương - mới chỉ đang áp dụng chế độ khám sức khỏe thông thường. Đó chính là sơ hở lớn nhất trong lĩnh vực y học thể thao, làm giảm đáng kể khả năng quản lý, kiểm soát và đề phòng nguy cơ chấn thương, thậm chí là đột quỵ với các VĐV”. Bác sĩ Ngô Đức Nhuận, Bệnh viện Thể thao Việt Nam.
Đội bóng chuyền số 1 Việt Nam Thông tin LienVietPostBank đang vượt trội về nhiều mặt so với mặt bằng chung, trừ mảng y học. Đây có thể coi là khâu yếu nhất của “lò” đào tạo lừng danh này. Do thiếu quan tâm, đầu tư cả về nhân lực, điều kiện nên họ cũng đang phải trả giá, nhất là khi các cầu thủ khoác áo lính luôn phải căng sức thi đấu ở rất nhiều mặt trận, ở cả CLB lẫn ĐTQG.
Chủ công đa năng Âu Hồng Nhung chưa hoàn toàn hồi phục chấn thương, đội bóng Quân đội lại vừa có thêm phụ công hàng đầu Bùi Thị Ngà chuẩn bị lên bàn mổ gối. Trước đó, Thông tin LienVietPostBank từng mất một vài tài năng trẻ vì chấn thương, đáng nói nhất với trường hợp của phụ công tài năng Trần Ngọc Diệp.