Cá nóc là một trong những món khoái khẩu ở Nhật. Tại các khu chợ ở đất nước mặt trời mọc, không khó nhìn thấy cá nóc qua mặt kính các hồ chứa. Trong khu bếp các nhà hàng, đặc biệt tại chợ hải sản ở mũi phía nam đảo chính của Nhật Bản, du khách dễ dàng được thấy cảnh tay đầu bếp lạnh lùng chém đầu một con cá nóc sống.
Đầu bếp lột da cá nóc xong mà tim nó vẫn đập. Họ khéo léo loại bỏ những phần độc hại rồi ném chúng vào một cái xô trên sàn nhà để xử lý sau. Thịt cá dính máu được làm sạch rồi cắt thành những lát sashimi mỏng, sắp xếp thành hình hoa cúc cho khách hàng ăn vào bữa trưa.
Thế nhưng, vì mắt và gan cá có chứa độc tố tetrodotoxin đủ mạnh để giết chết một người trưởng thành chỉ trong vài giờ và chưa có thuốc giải, thị trường cá nóc đang suy yếu trong khoảng thập niên qua khi giá trị năm 2017 chỉ còn 3,4 tỷ yên Nhật (tương đương 710 tỷ đồng) so với năm 2007 đạt đến 5 tỷ yên (trên 1 ngàn tỷ đồng).
Tuy nhiên, các nhà hàng và giới kinh doanh cá nóc Nhật đang kỳ vọng Olympic 2020 sẽ giúp thị trường này khởi sắc. Hiện đang cung cấp cá nóc trực tuyến và kinh doanh đồ trang trí làm từ loại cá "tử thần" này, Hajime Sakai - chủ tịch hãng buôn Sakai Shoten - tiết lộ ông đã chú ý tới Olympic 2020 như thế nào. "Tôi thật sự hy vọng du khách sẽ đến thử món cá nóc rồi khi trở về, họ sẽ tự hỏi tại sao mình không thể thử món cá này ở các nước khác," - Sakai cho biết.
Tại Tokyo, ông Yukihiro Furukawa - chủ tịch Hiệp hội cá nóc quốc tế - đang sở hữu một nhà hàng nổi tiếng của quận Ginza, nơi các món ăn cho mỗi đầu người có giá 30.000 yên (khoảng 6,2 triệu đồng), bao gồm một đĩa sashimi với những lát cá nóc được sắp xếp theo hình con rồng.
Furukawa cho biết khách du lịch giàu có chiếm thị phần lớn trong thị trường cá nóc của ông. "Trong mùa cao điểm, 60% khách hàng của tôi đến từ nước ngoài," ông khẳng định. Mặc dù coronavisrus COVID-19 có thể ảnh hưởng đến lượng du khách tại Olympic 2020, ông tin tưởng thị trường cá nóc vẫn phát triển được trong thời gian tới.
Dù vậy, các chuyên gia đánh giá cá nóc có những hạn chế nhất định để phát triển như phải nhai thật lâu mới cảm nhận được vị có chút ngọt và độc chất khó loại bỏ hoàn toàn khiến loại cá này không dễ xuất khẩu theo dạng thực phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Masaaki Sano - giáo sư ngành phân phối hải sản tại Đại học Kagoshima - phân tích: "Còn điều nữa là khi bàn về món cá nóc, chúng ta thật ra đâu chỉ xem trọng mỗi thịt cá. Sức hấp dẫn của món này còn phụ thuộc vào tay nghề của đầu bếp và nghệ thuật bài trí. Đây là một món ăn tinh tế. Đó mới là điều đáng nói."