- Thể thao 24h: Với bản hợp đồng tài trợ mới nhất, năm thứ 8 liên tục, Tiến Minh có thu nhập tiền tỷ. Chắc hẳn Minh sẽ kết thúc sự nghiệp với khoản tích lũy nhiều tỷ đồng?
Nguyễn Tiến Minh: Có lẽ may mắn lớn nhất của tôi chính là luôn có sự đồng hành từ các nhà tài trợ, để có thể chủ động đầu tư thêm cho việc tập luyện thi đấu, cũng như có một khoản tích lũy. Nếu chỉ trông chờ vào kinh phí có hạn từ nhà nước hay mức lương vài triệu đồng/tháng, tôi khó làm được gì.
Có thể mọi người nghĩ khoản tích lũy của tôi từ nguồn tài trợ hay tiền thưởng rất đáng kể song thực tế không hề nhiều do phải tái đầu tư cho sự nghiệp. Tôi gần như không tiêu pha gì cho bản thân để mong khi giải nghệ có khoảng 2 tỷ đồng mà chưa biết có nổi không.
- Anh có thấy rằng mình quá thua thiệt, nhất là so với các tay vợt quốc tế cùng đẳng cấp với mình?
Điều đó rõ ràng tới mức từ lâu tôi đã phải làm quen, thích nghi và vượt qua. Tay vợt Lee Chong Wei từng nói rằng nếu ở Malaysia, tôi đã là một ngôi sao vượt khỏi lĩnh vực thể thao, có nhà lầu, xe hơi cùng vài triệu USD. Và đâu chỉ có thu nhập, chuyện chuyên gia, bác sỹ, dinh dưỡng, tôi đều không so được gì với các tay vợt trong Top 50-60, chứ chưa nói đến nhóm hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, tôi hài lòng với những nỗ lực, thành quả, đóng góp của mình cho thể thao Việt Nam, cũng như những gì mình nhận được. Tôi chưa bao giờ phải hối tiếc vì đã chọn lựa gắn bó với cầu lông.
- Nếu phải đúc kết, đâu là sự khác biệt giúp cho một Tiến Minh có tố chất bình thường, hình thể hạn chế và điều kiện tập luyện thi đấu yếu kém có thể vươn tới đỉnh cao thế giới?
Đó là sự đam mê và khổ luyện. Giờ nghĩ lại tôi vẫn không thể tưởng tượng mình lại có thể khổ luyện đến vậy. Tôi gần như không có ngày nghỉ. Thậm chí, tại các giải đấu, ngay sau khi đánh bại dễ dàng một đối thủ dưới cơ, tôi vẫn tranh thủ tập thêm nhằm đảm bảo khối lượng, thể lực cần thiết. Việc tập luyện đã trở thành một thói quen, nhu cầu tự thân, mang đầy đủ tính chuyên nghiệp.
- Liệu có phải chính vì thiếu đam mê và khổ luyện mà một số tay vợt Việt Nam có xuất phát điểm vượt xa Tiến Minh đã không thể vươn xa, thậm chí sớm bị thui chột?
Cá nhân tôi cho rằng điều đó đúng. Điều kiện tập luyện, thi đấu có thể thay đổi song ý chí, đam mê và sự khổ luyện thì hoàn toàn phụ thuộc vào từng người. Rất đáng buồn vì sau tôi và Vũ Thị Trang, sau nhiều năm vẫn chưa thấy có tay vợt nào đủ khả năng lọt vào Top 50 thế giới.
- Tiến Minh đã chắc chắn là tuyển thủ Việt Nam đầu tiên 3 lần liền giành quyền dự tranh Olympic. Anh đặt mục tiêu gì ở cuộc đấu trên đất Brazil mùa Hè tới?
Tôi sẽ phấn đấu lọt vào tứ kết - một đích nhắm rất cao và khó, nhất là với tuổi tác, thể lực hiện tại. Muốn đạt kết quả cao, tôi chỉ còn cách phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhất về mọi mặt. Từ giờ tới Olympic, tôi sẽ tranh tài ở 6 giải đấu quốc tế tầm cao.
- Xin cảm ơn Minh!
"Tôi dự kiến sau năm 2016 sẽ giải nghệ để chuyển sang làm HLV hay kinh doanh. Thế nhưng, tùy theo năng lực và tình hình thực tế, kế hoạch đó có thể chậm lại 1-2 năm. Nói thật, tôi vẫn rất muốn dự thêm 1 kỳ SEA Games để quyết tâm “phục hận”, chí ít cũng một lần có mặt ở chung kết. Tới đây, bên cạnh việc tập luyện, thi đấu, tôi sẽ mở một siêu thị phân phối độc quyền các sản phẩm của một thương hiệu trang thiết bị dụng cụ thể thao Nhật Bản tại TP.HCM.
Dù chúng tôi đều cố gắng giấu nhưng giờ mọi người đều biết tôi và Vũ Thị Trang là một cặp đôi. Tình yêu của chúng tôi đã được nảy nở, vun đắp và thăng hoa cùng với nghiệp cầu lông. Do còn phải lo sự nghiệp của cả hai nên tôi vẫn chưa thể đưa nàng về dinh, dẫu điều đó nằm trong kế hoạch, và chỉ là vấn đề thời điểm”, tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh.