Số âm & 14 triệu đồng
Cuối năm 2009, sau khi tiến hành Đại hội khóa V theo cách tối giản nhất, ngân quỹ của Liên đoàn bóng rổ VN thậm chí còn là con số âm. Ban điều hành khóa mới không chỉ phải khởi động lại hoàn toàn mảng kinh phí mà còn lo giải quyết khoản thâm hụt để lại. Qua 6 năm, như ví von đầy bi hài, tình hình đã khá hơn vì chí ít lần này cũng có một khoản “thừa kế” 14 triệu đồng. Đây là khoản “vốn” không thể tin nổi với một tổ chức xã hội – nghề nghiệp cấp Quốc gia, lại ở một môn đại chúng và hiện đại bậc nhất.
Các khoản thu hàng năm của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam, theo thống kê đều chỉ quanh quẩn mức 200-300 triệu đồng, trong đó đã bao gồm khoản “cứng” 100 triệu đồng của các đội bóng và thành viên trực thuộc. Nó chỉ đủ cho Liên đoàn duy trì một văn phòng nhỏ, tổ chức một giải đấu quốc nội, mở một vài lớp tập huấn ngắn hạn cho HLV, trọng tài, hay hỗ trợ một phần để cử 1 đội đại diện sang Trung Quốc dự giải mời truyền thống… Dù hoạt động chỉ bằng một góc các môn khác song Liên đoàn này lúc tổng kết hàng năm đều trống trơn, nhiều năm còn âm vài chục triệu đồng.
Ban Tiếp thị tài trợ “không ai nhớ mặt nhau”
Suốt 6 năm của nhiệm kỳ V, Liên đoàn bóng rổ Việt Nam không kiếm được một đồng tài trợ nào, kể cả qua Liên đoàn hay các hoạt động trực tiếp. Tại Đại hội, có cả một Ban Tiếp thị tài trợ được hình thành, với sự tham gia của một vài doanh nhân. Chỉ có điều, bộ phận quan trọng bậc nhất ấy thực chất chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Kể từ đó, các thành viên của Ban này chưa có thêm bất cứ một buổi họp hay triển khai công việc nào. Đến nỗi, không ai còn nhớ mặt nhau và giờ nhiều người ngỡ ngàng vì hóa ra mình vẫn đang có “chân” trong Ban này.
Chính sự bất động của Ban Tiếp thị tài trợ đã khiến chuyện kiếm tiền của Liên đoàn bế tắc kéo dài, một nghịch lý có thật ở một môn có phong trào nở rộ vào loại nhất nhì tại Việt Nam. Thế nhưng, cũng khó trách được khi ngay từ đầu bộ phận này được dựng lên cho có, cũng giống các ban bệ khác. Không ai tập hợp, tạo điều kiện hay tìm cách để “kéo” họ vào cuộc.
Cả một khóa, Liên đoàn bóng rổ VN gần như chỉ có sự hiện diện ở một ông Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký là cán bộ ngành thể thao đã nghỉ hưu từ lâu, được hỗ trợ bởi một nhân viên hợp đồng làm công việc văn phòng. Khả năng và nhiệm vụ của vị lãnh đạo này chỉ gói gọn ở mảng sự vụ hành chính, thủ tục đối ngoại, dự khai/bế mạc và trao thưởng tại các giải.
Bản thân vị này, bước vào tuổi 70 khi khóa cũ khép lại, đơn độc và bế tắc trong vòng tròn luẩn quẩn của một môn thể thao được ngành thể thao nhìn nhận, quản lý, đầu tư… cho có. Lời than thở mang tính đúc kết của ông “bóng rổ không chết song đang sống trong cảnh nửa tỉnh nửa mê” chính là một câu hỏi bức bối đang đặt ra cho khóa VI của Liên đoàn vừa ra mắt.
Hà Thảo
Bóng rổ Việt Nam lâu nay càng khốn khó bởi trong khi Liên đoàn không kiếm nổi tiền thì nguồn bao cấp của ngành thể thao thông qua Bộ môn (thuộc Tổng cục TDTT) mỗi năm chỉ khoảng 400- 500 triệu đồng. Mức này thấp nhất và kém xa so với 40 môn thể thao khác, kém cả một môn đặc thù Việt Nam như đá cầu và chỉ bằng một nửa so với bóng ném. Nó chỉ đủ cho bộ môn tổ chức giải VĐQG với 2 vòng. Nếu tính cả 2 nguồn từ Liên đoàn và Bộ môn, nhiều nhất bóng rổ Việt Nam cũng chỉ có 700- 800 triệu đồng/năm.
Xét về kinh phí huy động cho hoạt động hàng năm (200-300 triệu đồng), cùng khoản ngân quỹ khi kết thúc nhiệm kỳ (14 triệu đồng), bóng rổ chính là tổ chức xã hội – nghề nghiệp nghèo nhất của TTVN. Nó nằm trong nhóm 3 Liên đoàn có ngân quỹ gây “sốc” khi được công bố tại Đại hội khóa mới vì ít… ngoài sức tưởng tượng:
– Liên đoàn bóng rổ Việt Nam: 14 triệu đồng.
– Liên đoàn thể dục Việt Nam: 15 triệu đồng .
– Liên đoàn bóng bàn Việt Nam: 21 triệu đồng.