6/10 VĐV là tuyển thủ quốc gia
Đội điền kinh Thanh Hóa đang phát triển theo mô hình 4 tuyến, trong đó tuyến 1 gồm 10 VĐV. Đây là những gương mặt đều thuộc lứa tuổi 9x, được tuyển chọn và tập trung đầu tư cách đây 5 năm. Ngay từ đầu, họ đã được hưởng chế độ dinh dưỡng, tiền công rất cao, ngang với mức của ĐTQG.
Thấy rõ hạn chế lớn về đội ngũ HLV và cơ sở vật chất tại chỗ, các nhà quản lý huấn luyện đã đưa ra một giải pháp đột phá: Đưa quân lên tập huấn cùng ĐTQG. Ngoài chuyện phải tự bỏ kinh phí, xứ Thanh còn phải rất nỗ lực, tích cực mới thuyết phục ngành thể thao dành cho sự ưu tiên đặc biệt này.
Nhờ thế, khi tài năng mới phát lộ, những Lan, Lịch hay Hinh đã được ăn tập theo đúng tiêu chuẩn của một tuyển thủ quốc gia. Và họ đã nhanh chóng phát huy tối đa tố chất, sức vươn hiếm có trong một môi trường lý tưởng.
Đến giờ, cách làm sáng tạo của Thanh Hóa đã cho ra một thành quả mỹ mãn cho cả địa phương lẫn trung ương. Trong 10 VĐV tuyến 1 có tới 6 người trở thành tuyển thủ quốc gia chính thức: Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, Lê Trọng Hinh, Nguyễn Thị Phương, Lê Trọng Giang và Lương Văn Thao. Tại SEA Games 28, cả 6 tuyển thủ xứ Thanh đều giành huy chương, nổi bật nhất với 2 tấm HCV 200m cá nhân nam của Hinh và 4x400m của Lan. Chiến tích của họ còn có thể ngoạn mục hơn nhiều chỉ cần 2 hay 3 trong số 5 tấm HCB đổi màu.
Cùng những đích nhắm tầm cao như huy chương ASIAD hay suất dự tranh Olympic, họ cũng đang hướng tới một “điểm rơi” đỉnh cao tại SEA Games 2017 khi đủ sức mang về 7-8 HCV.
Nơi duy nhất có quỹ xuất ngoại 10 tỷ đồng
Nguyên nhân quyết định khiến điền kinh Thanh Hóa ngày càng chứng tỏ sự vượt trội chính là việc luôn có thể đưa quân ra nước ngoài luyện tài, cả theo diện ngắn hạn và dài hạn. Trong vài năm trở lại đây, các VĐV trụ cột đã liên tục có các đợt tập huấn tại một số cường quốc như Thái Lan, Trung Quốc và Mỹ. Riêng 2 anh em Quách Công Lịch - Quách Thị Lan hiện đang rèn giũa dài hạn trên đất Mỹ, và theo kế hoạch tới đây có thêm Lê Trọng Hinh. Thanh Hóa cũng đều đặn “hợp sức” cùng ngành thể thao để cử quân dự tranh các giải đấu quốc tế.
Lãnh đạo ngành thể thao xứ Thanh khẳng định, bất cứ VĐV chứng tỏ được khả năng và triển vọng, ở tầm mức HCV SEA Games, sẽ nhận được sự chăm lo cao nhất về mọi mặt. Sở dĩ Thanh Hóa có thể thực hiện các giải pháp đột phá là nhờ họ có một quỹ xuất ngoại với mức tối thiểu 10 tỷ đồng mỗi năm phục vụ việc tập huấn thi đấu quốc tế. Quỹ này được UBND tỉnh cấp riêng, thậm chí không bị giới hạn về định mức.
Trên thực tế, điền kinh Thanh Hóa hoàn toàn có thể cử 5 VĐV sang Mỹ tập huấn dài hạn, vấn đề chỉ là sự hiệu quả. Hiện tại, hai anh em nhà họ Quách cũng mới tiêu tốn khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm của ngành thể thao xứ Thanh. Có nghĩa là, nguồn lực của họ còn rất rủng rỉnh để chăm lo cho các VĐV khác.
"Thể thao Thanh Hóa không bị ảnh hưởng gì trong mô hình sáp nhập ngành, với một mô hình tổ chức ổn định, hiệu quả, nguồn đầu tư ngày một tốt từ tỉnh cùng việc xã hội hoá. Trong đó, điều quan trọng là tỉnh đã sớm phê duyệt quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT với những giải pháp toàn diện và đột phá, nhất là về kinh phí. Riêng mảng thành tích cao, hiện tại Thanh Hóa là một trong những địa phương có chính sách, chế độ đãi ngộ thuộc diện tốt. Ngành thể thao có tối thiểu 20 tỷ đồng mỗi năm để đưa các VĐV xuất sắc xuất ngoại tập huấn thi đấu. Chúng tôi đã hoàn thành chỉ tiêu lọt vào Top 5 tại Đại hội TDTT toàn quốc trước 5 năm, đồng thời đóng góp nhiều gương mặt ưu tú cho quốc gia ở nhiều môn cơ bản, mà nổi bật là điền kinh”. PGĐ Sở VH-TT&DL Thanh Hoá, Lê Văn Nam.
Thanh Hóa là địa phương duy nhất cả nước đã đưa ra định mức “cứng” về kinh phí đầu tư cho thể thao trong quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT đến năm 2020, và theo hướng giai đoạn sau cao hơn hẳn giai đoạn trước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, ngân sách chi cho sự nghiệp TDTT đảm bảo đạt tỷ lệ 1% tổng chi ngân sách tỉnh/năm. Giai đoạn 2016-2020, mức chi sẽ đạt tỷ lệ 1,3 - 1,5% tổng chi ngân sách. Tổng mức đầu tư phát triển thể dục thể thao tỉnh giai đoạn 2011-2020 là 8.527 tỷ đồng, chỉ kém Hà Nội, TP.HCM và vượt xa các tỉnh, thành còn lại.
Từ năm 2009, ngành thể thao xứ Thanh đã lập ra một Hội đồng Khoa học với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia và HLV hàng đầu làm nhiệm vụ tư vấn chiến lược phát triển, quá trình tuyển chọn đào tạo VĐV. Hiện tại, Thanh Hóa đã thực hiện được một khâu mang tính quyết định đối với mảng thành tích cao là giám định khoa học các VĐV năng khiếu, đối với các đối tượng 6 -17 tuổi, đặc biệt từ 6 đến13 tuổi.