Trong 25 tổ chức xã hội - nghề nghiệp của TTVN, số Chủ tịch là doanh nhân lâu nay chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Vị trí yếu nhân của các Liên đoàn - Hiệp hội (LĐ-HH) vẫn hầu hết do quan chức các bộ ngành, địa phương hay lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế này đang thay đổi rất nhanh với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các doanh nhân. Thậm chí, khi chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ mới hay thành lập, các LĐ-HH cũng chủ yếu hướng tới đối tượng có nhiều ưu thế và sự phù hợp với quá trình xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa của TTVN này.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Boxing, Bóng rổ và Bóng chuyền có 3 Chủ tịch Liên đoàn đều là doanh nhân; sắp tới có thể thêm Liên đoàn Quần vợt.
Cùng với những lý do quan trọng về sự phù hợp, ưu thế riêng từ các doanh nhân, xu thế ngày càng ít quan chức đương nhiệm nhận lời làm Chủ tịch các LĐ-HH còn xuất phát từ một số nguyên nhân mang tính khách quan khác.
Đáng kể nhất, theo quy định của nhà nước cách đây chưa lâu, các quan chức bộ, ngành, địa phương từ cấp Thứ trưởng trở lên sẽ hạn chế tối đa việc tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp để tập trung cho công tác quản lý nhà nước. Trước đó, nhiều Liên đoàn như Taekwondo, Điền kinh, Bắn súng trong nhiều nhiệm kỳ từng có được Chủ tịch là Bộ trưởng đương nhiệm.
Với quy định mới này, ngành thể thao cùng các LĐ-HH khi tìm kiếm, vận động người vào vị trí Chủ tịch giờ cũng đã phải chuyển hướng.
Mặt khác, thực tế lâu nay, các quan chức là Chủ tịch thường chỉ chủ yếu đóng vai trò về mặt vị thế, điểm tựa chứ ít tham gia vào các hoạt động trực tiếp. Vị Chủ tịch có khi cả năm mới xuất hiện một đôi lần, tại cuộc họp tổng kết năm của LĐ-HH hay giải đấu đặc biệt quan trọng. Mọi chức trách của Chủ tịch thường dồn hết cả lên vai các lãnh đạo Liên đoàn còn lại, mà trực tiếp nhất là ông Tổng thư ký.
Điều này được minh chứng rõ qua các trường hợp của không ít LĐ-HH như Quần vợt, Cầu mây, Thể thao dưới nước…, cho dù vị Chủ tịch của họ đang là các quan chức hàm Thứ trưởng. Có nghĩa là trên danh nghĩa “oách” hơn nhiều một số LĐ-HH do doanh nhân làm Chủ tịch.
Từ hàng loạt nguyên do khác nhau, trong đó quan trọng nhất là hiệu quả và đòi hỏi từ thực tế, có thể đoán chắc sẽ ngày càng có ít Chủ tịch các LĐ-HH là quan chức đương nhiệm.
Như nhìn nhận thẳng thắn của một “người trong cuộc”, chính họ cũng hiểu rõ mình làm Chủ tịch song phần nhiều chỉ là cái danh, không thể hỗ trợ được nhiều cho LĐ-HH, trong khi trách nhiệm trước giới chuyên môn và người hâm mộ vẫn có phần của mình. Bởi thế, cách tốt nhất với các quan chức đương nhiệm là từ chối… ngay khi được mời.
Rất khó để đánh giá một vị Chủ tịch LĐ-HH thành công hay thất bại vì vị trí tưởng như trọng yếu này ở TTVN bấy lâu nay hoàn toàn khác với mô hình ở các nước, từ vai trò, điều kiện cho tới hoạt động. Chỉ có một điều chắc chắn là: Phần lớn các vị Chủ tịch đều rất mờ nhạt.