Và người ta lại phải tự vấn về những lỗ hổng lớn trong việc phòng chống doping của TTVN.
Nghi vấn thập kỷ & nghịch lý khó tin
Sau SEA Games 22, dù không nằm trong diện 4 VĐV dính doping, song có 2 tuyển thủ điền kinh của Việt Nam với thành tích xuất thần bị giới chuyên môn và dư luận đặt ra nghi vấn có sử dụng doping. Trong đó, đối tượng bị đặt dấu hỏi to tướng chính là ngôi sao vụt sáng đoạt tới 3 HCV, trong đó có 2 HCV cá nhân và 1 kỷ lục SEA Games.
Điều này xuất phát từ suy luận tưởng như cảm tính song lại không hề vô lý: Thực lực của chính các VĐV này, cũng như thực tế chuẩn bị, gần như không thể chạy tốt đến mức như thế.
Tuy mới chỉ dừng ở mức tin đồn, nhưng nó lại lan nhanh, và càng khiến mọi người nghi ngờ khi cả 2 đều sớm giã từ đường chạy, với lý do đưa ra là... chấn thương kéo dài. Còn nghi vấn của giới chuyên môn và dư luận thì vẫn “treo lơ lửng” như một bí ẩn chưa có lời giải đáp sau hàng thập kỷ.
Đến thời điểm này, có một số môn thuộc nhóm có số lượng VĐV cùng nguy cơ doping cao nhất lại chưa hề bị phát hiện tại Việt Nam, điển hình như bơi, xe đạp và kể cả tennis.
Nguyên nhân không phải vì nhóm môn này trong sạch tới mức không có ca nào, mà đơn giản bởi tại các cuộc đấu quốc nội, hay trước các giải đấu quốc tế, đều không tiến hành kiểm tra hay thuộc diện bị kiểm tra.
Rất bi hài cả 2 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần nhất, ngành thể thao đều kiểm tra song các môn bơi, xe đạp hay tennis đều không có trong danh sách, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.
4 điểm chung bi hài
Thể thao Việt Nam đã có 16 tuyển thủ “dính trấu” kể từ SEA Games 2003 trên sân nhà. Số lượng này có thể rất nhỏ so với mặt bằng chung quốc tế song lại là một con số đáng giật mình nếu căn cứ vào quan điểm thống nhất của ngành thể thao, thậm chí đã trở thành ý thức của các HLV, VĐV: Nói không với doping.
Nhìn lại các ca doping có mấy điểm chung đầy bi hài, gắn với một lỗ hổng từ gốc khi nhận thức cùng cả mảng phòng chống doping chủ quan, lỏng lẻo, ứng phó cho có.
Thứ nhất, các VĐV Việt Nam đều “dính” vào các loại thuốc mà bây giờ trên thế giới nếu cố tình xài doping người ta sẽ không dùng. Bởi đơn giản chúng quá dễ bị phát hiện, kiểu như loại lợi tiểu với Phương Thanh (boxing), Ngân Thương (thể dục dụng cụ). Thậm chí, nhà Á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn còn có mẫu thử dương tính với chất bị cấm tại giải cử tạ VĐTG 2010 bởi dùng một loại đồ uống có tác dụng hỗ trợ năng lực đàn ông.
Thứ hai, những người trong cuộc đều cho rằng nguyên nhân liên quan vì “vô tình” mà như cách nói đã trở nên nhàm chán là “chết vì thiếu hiểu biết”.
Thứ ba, vai trò của các HLV trực tiếp là hết sức yếu kém, gần như không giám sát, quán triệt được quân mình. Chính các ông thầy cũng nắm bắt rất hời hợt về danh mục các chất bị cấm, cũng như cách thức làm sao để chọn lựa và sử dụng các loại thuốc và thực phẩm thuốc cần thiết.
Thứ tư, mảng quản lý, phòng chống và xử lý về mặt toàn ngành còn nhiều hạn chế. Đơn cử ngành thể thao đều đã xử lý rất nhẹ khi đều chỉ quốc tế xử thế nào là áp như thế, rồi sau đó lại xin giảm án, có người bị cấm thi đấu còn được bố trí làm HLV riêng các HLV gần như chưa bị động đến. Trong khi đó, các nước khác đều làm rất rắn. Đơn cử Trung Quốc, không chỉ VĐV mà chính HLV cứ vi phạm là chắc chắn đứng trước nguy cơ bị cấm hành nghề dài hạn, phần nhiều là suốt đời.
Dù chưa từng có VĐV bị phát hiện song khó có thể khẳng định tennis Việt Nam là môn hoàn toàn trong sạch và không có doping. Môn này chưa từng tiến hành việc kiểm tra doping tại các cuộc đấu quốc nội, cũng như trước khi dự tranh các giải quốc tế. Tại 2 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc mới đây, ngành thể thao đều tiến hành kiểm tra doping song chỉ có 30 mẫu, mà tennis không có trong danh sách.
Qua các trường hợp vi phạm của thể thao Việt Nam luôn có một điệp khúc được dẫn đi dẫn lại một cách khá tội nghiệp và nhàm chán: Vô tình dính doping. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cùng cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) đã quy định rõ: Dù dưới hình thức nào song cứ có phản ứng dương tính với các chất bị cấm là vi phạm doping còn sau đó thực tế vi phạm như thế nào chỉ là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ.
Hiện tại TTVN có một Trung tâm Doping và Y học Thể thao đặt tại Mỹ Đình (Hà Nội), được đầu tư 74 tỷ đồng với nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại. Thế nhưng, sau cả chục năm hoạt động, trung tâm này vẫn chưa thể tự kiểm tra tại chỗ, và các mẫu thử đều phải gửi ra nước ngoài nhờ kiểm tra. Đó là nguyên do mỗi năm Việt Nam chỉ có thể “làm điểm” được vài chục mẫu do kinh phí kiểm tra mỗi mẫu thử lên tới 200-300 USD/mẫu.