Vấn nạn doping thể thao: Sức ép “phải là số 1”!

thứ năm 12-11-2015 22:50:17 +07:00 0 bình luận
Nếu các ngôi sao thể thao dùng doping, họ phải bị cấm thi đấu. Nếu nước nào tổ chức dùng doping có hệ thống, họ phải chịu trừng phạt. Nhưng đặt giả định tất cả đều doping?

Chống doping như hô khẩu hiệu

Trong mấy ngày qua, thể thao thế giới lại náo loạn vì câu chuyện doping mới: Lần này không liên quan tới người Đức, mà là người Nga cũng bị nghi ngờ sử dụng chất cấm có hệ thống. Một trong 5 VĐV “nhúng chàm” là ĐKVĐ Olympic Maria Savinova đã bị Cơ quan chống doping thế giới (WADA) cấm thi đấu trọn đời. Ekaterina Poistogova và Ksenia Ugarova cũng đang bị “treo giò”. Số phận những “tội nhân” còn lại chỉ chờ một thời gian sẽ rõ.

Vậy là ngay lập tức, làng thể thao Nga rơi vào tình trạng báo động cấp 1. Sau khi bị WADA ra lệnh tạm ngưng hoạt động, phòng xét nghiệm chống doping ở Moskva như cái trại lính khi ngay cả quân đội cũng được điều động nhằm ngăn cản mọi ý đồ hủy diệt chứng cứ. Người Nga đang làm tất cả những gì có thể với hy vọng thiện chí đó sẽ hóa giải nguy cơ không được dự Olympic 2016, như kiến nghị của WADA.

Vấn đề đặt ra ở đây là nếu Nga không được góp mặt tại Rio do chống doping thiếu hiệu quả, vậy phải chăng LĐĐKTG (IAAF) cũng nên rút môn thể thao của họ ra khỏi Thế vận hội, và WADA cũng nên tháo biển hiệu xuống do hành động bất lực? Bởi lẽ, chẳng thể nào tin rằng khi bị IAAF kết tội sử dụng chất kích thích, đấy mới là lần đầu “trót dại” của các ngôi sao tốc độ như Asafa Powell, Dwain Chambers, Tyson Gay... Lý do rất đơn giản: Nếu họ tự thân đã đủ là số 1, vậy chắc chắn chẳng cần doping. Nhưng nếu họ muốn leo lên số 1 mà không đủ sức? Như vậy, họ ắt hẳn đã dùng doping từ trước lúc nổi tiếng và kéo dài đến lúc bị phát hiện. Chỉ có điều là trong giai đoạn ấy, IAAF có mắt như mù mà thôi.

Bên cạnh đó, WADA thể hiện chẳng khá hơn. Tổ chức này hàng năm chi khoảng 30 triệu USD nhằm phát hiện VĐV dùng chất cấm, nhưng hiệu quả rõ ràng là quá tệ. Thậm chí là từ khi chào đời năm 1999 tới nay, WADA xem ra chỉ “hữu danh vô thực”. Bằng chứng là nếu Lance Armstrong chẳng tự thú, WADA vĩnh viễn chẳng có cách nào kết tội cua-rơ huyền thoại này do anh chưa từng có kết quả xét nghiệm dương tính với chất kích thích.

Sao không thử doping cho tất cả (?!)

Một khi những tổ chức giàu kinh nghiệm nhất về doping đều đang tỏ ra bất lực, phải chăng giới thể thao đã đến lúc cho phép doping xả láng? Khi đó, chẳng cần phải tranh cãi về phương án đợi tới lúc thi đấu mới xét nghiệm chất kích thích là biện pháp hiệu quả hay không, vì các VĐV vẫn có thể hưởng lợi bằng cách dùng doping ngay trong thời gian nghỉ ngơi hoặc dưỡng thương nhờ vào những chất như EPO? Hoặc khi xem xong Tour de France, NHM chẳng cần phải về nhà với tâm trạng hoài nghi rằng cua-rơ vừa đoạt áo vàng chung cuộc có phải là tay đua xứng đáng vô địch, hay lại sắp bị tước danh hiệu do từ 1996-2010, chỉ có đúng 1 áo vàng của giải này được ghi nhận là “sạch sẽ”?

Ngoài ra, không thể phủ nhận sự thật là thể thao cần có ngôi sao, tương tự giới showbiz, đặc biệt là âm nhạc cũng cần những giọng ca bất hủ hoặc những tác giả thiên tài. Thế nhưng, thật bất công cho giới thể thao vì với showbiz vốn có cùng đặc điểm là giải trí, NHM tỏ ra khoan dung hơn khi các danh ca nhạc rock thường tiết lộ rằng họ chỉ ghi âm khi đang dùng ma túy hoặc chất kích thích, cũng như một số nhà soạn nhạc nổi tiếng phải hút heroin mới tìm được nguồn cảm hứng để viết ra những tác phẩm để đời. Đấy là chưa kể ở các giải bóng đá trẻ, NHM vẫn sẵn lòng đón nhận những ngôi sao gian lận tuổi, trong khi cái trò gian lận tuổi này thực chất chẳng khác gì doping.

Nói cách khác thì nếu xét kỹ, doping đang tràn lan trong thể thao phần nào là do thói “thần tượng” những nhà vô địch của NHM, nên cũng buộc các nhà tài trợ phải treo giải thưởng khổng lồ nhằm tạo ra những tên tuổi lớn để tăng sức hút. Trước sức hấp dẫn của tiền thưởng và danh vọng đang ngày càng lên nhanh như tên lửa, thử hỏi có bao nhiêu VĐV chấp nhận về nhì? Nhưng nếu muốn chiếm ngôi đầu, họ chỉ còn cách doping. Và nếu thế, tại sao còn phải cấm doping, đặc biệt khi mọi VĐV ở vạch xuất phát đều dùng doping có nghĩa là điều kiện thi đấu tuyệt đối công bằng? Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể chia giải thưởng ra làm 2 cho những kẻ chơi doping và những VĐV “sạch”. Nhưng hãy tin chắc rằng nếu VĐV “sạch” không thể giành ngôi vô địch, sẽ chẳng có ai tôn vinh người đó đâu.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm