Kỳ tích riêng, nỗi buồn chung
Kỷ lục giành 16 HCV/17 nội dung đăng ký kéo dài 5 năm của “cô gái vàng” Nguyễn Thị Kim Tuyến đã bị Phương Trâm chính thức xô đổ tại giải bơi VĐQG hồ ngắn (25m) năm 2016 tại Thừa Thiên Huế vừa kết thúc. Bởi “tiểu Ánh Viên” đã giành 21 HCV/21 nội dung đăng ký và phá 6 kỷ lục QG.
Xuống nước là “gặt vàng”, Phương Trâm được HLV ĐT trẻ Singapore, Phạm Thúy Vi nhận xét rằng: “Tôi đã xem qua thành tích của Phương Trâm tại giải. Trâm vẫn tiếp tục nổi bật ở các cự ly bơi bướm nhưng một tín hiệu đáng mừng là Trâm có nhiều tiến bộ ở cự ly sải trung bình và dài”.
Thế nhưng, bà Vi cũng thẳng thắn đánh giá việc Phương Trâm đã giành trọn 21 HCV trong tổng số 21 nội dung đăng ký thi đấu cho thấy các VĐV nữ Việt Nam đang quá yếu. Thực tế, Trâm đã vô đối trước mọi đối thủ ở giải đấu tại Huế, dù kình ngư này chỉ được đánh giá mạnh ở cự ly ngắn và các nội dung bơi bướm. Chính xác hơn, không có Ánh Viên thì “tiểu Ánh Viên” đã trở thành số 1 dù chỉ mới 15 tuổi.
Việc Phương Trâm giành 21 HCV và 6 kỷ lục QG là một tín hiệu đáng mừng cho những ai kỳ vọng kình ngư 15 tuổi này sẽ tiếp bước Ánh Viên. Tuy nhiên, đằng sau kỳ tích ấy là nỗi lo của cả làng bơi Việt Nam như HLV Phạm Thúy Vi từng khẳng định: “Bơi Việt Nam chưa phát triển đồng bộ, quá thiếu mũi nhọn”.
Đi Mỹ 9 năm với số tiền đầu tư 900.000 USD
Cách đây không lâu, cả làng thể thao VN đã biết chuyện Phương Trâm nhận được khoản tài trợ “khủng” cho chuyến xuất ngoại đi Mỹ trong thời gian 5 năm, với mức phí vào khoảng 100.000 USD/năm. Đó là một mô hình được đánh giá là sẽ tạo bước ngoặt cho cả nền thể thao khi lần đầu tiên có một VĐV được doanh nghiệp tài trợ dài hạn đi nước ngoài tập huấn.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thể thao 24h, kình ngư 15 tuổi này nhận được tài trợ “khủng” hơn rất nhiều so với những thông tin ban đầu. Cụ thể, Phương Trâm được tài trợ đến 9 năm (từ năm 2016 đến năm 2024) và tổng giá kinh phí vào khoảng 900.000 USD. Bởi đích ngắm lớn nhất là Phương Trâm sẽ giành được huy chương Olympic trong tương lai.
Trước Phương Trâm, thể thao Việt Nam có 4 tuyển thủ hàng đầu đang rèn tập tại Mỹ là siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, siêu kỳ thủ Lê Quang Liêm, cùng hai anh em ruột ở môn điền kinh Quách Công Lịch/Quách Thị Lan.
Đánh giá về việc Phương Trâm vừa giành 21 HCV và phá 6 kỷ lục QG, ngành thể thao TP.HCM cho biết đó là một tín hiệu vui và bỏ qua yếu tố chuyên môn thì Phương Trâm đã có sự chuẩn bị rất tốt trước chuyến đi Mỹ tập huấn. Đây chính là điều mà ngành thể thao TP.HCM đã từng bày tỏ nỗi lo lắng, bởi Trâm còn rất trẻ và hành trình tập luyện ở Mỹ có rất nhiều thách thức đang chờ đón.
Vào tháng 5 tới, Phương Trâm sẽ sang Mỹ bắt đầu chuyến tập huấn theo hợp đồng giữa gia đình và nhà tài trợ. Hiện, Trâm đang cố gắng cải thiện khả năng tiếng Anh và chuẩn bị tốt nhất về mặt tâm lý cho lần đầu sống xa gia đình.
"Chúng tôi coi giải đấu này giống một cuộc kiểm tra học kỳ với Phương Trâm, để thấy kình ngư này phát triển như thế nào trong thời gian qua. Một tín hiệu tích cực khi Phương Trâm đã thể hiện sự tiến bộ đúng với dự tính. Chúng tôi đánh giá cao việc kình ngư này đã biết vượt lên những biến động trong thời gian qua để gặt hái được thành tích tốt. Những điều ấy sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho Phương Trâm trong chuyến tập huấn dài hạn ở nước ngoài”. Giám đốc Trung tâmThể thao Dưới nước Yết Kiêu, Chung Tấn Phong.
Kết thúc giải bơi VĐQG hồ ngắn 2016, bơi TP.HCM đã giành ngôi nhất toàn đoàn với 32 HCV trong đó một mình Phương Trâm đóng góp 21 HCV (14 cá nhân và 7 tiếp sức). Đặc biệt, Trâm đã giúp TP.HCM đoạt trọn bộ 7 HCV tiếp sức. Trâm cùng đồng đội đã bỏ xa đối thủ xếp thứ 2 là Đà Nẵng tới 27 HCV (32 so với 5). Đó là một sự khác biệt rất lớn bởi tại Giải bơi lặn VĐQG hồi tháng 10/2015, TP.HCM đã mất ngôi đầu do không có sự phục vụ của Phương Trâm, vì dính chuyện lùm xùm đi/ở giữa 2 bên.
Với 21 lần đăng quang tại giải, Phương Trâm đã đi vào lịch sử với tư cách kình ngư giành được nhiều HCV nhất tại một giải đấu VĐQG, tính cả hồ bơi 25m và hồ bơi 50m. Chị đã phá kỷ lục 20 HCV mà đàn chị Nguyễn Thị Ánh Viên từng tạo lập ở giải bơi Đại hội TDTT toàn quốc.
Tuy nhiên, nếu xét về số HCV cá nhân, thành tích của Phương Trâm lần này chưa thể so với thành quả của Ánh Viên tại Đại hội TDTT toàn quốc. Trâm có 14 HCV cá nhân, 7 HCV tiếp sức còn Viên có 17 HCV cá nhân, 3 HCV tiếp sức.