Đột quỵ trong thể thao đang trở thành chủ đề khiến không chỉ giới chuyên môn, mà cả những người yêu thể thao lo lắng. Đột quỵ được cho dễ gặp ở những người có tuổi, có bệnh nền… nhưng căn bệnh này hiện xảy ra với cả những người trẻ tuổi, có thể lực sung mãn do tập thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là cả những người được cho không có bệnh lý nền khác…
Trường hợp cầu thủ Christian Eriksen của đội tuyển bóng đá Đan Mạch trong trận đấu gặp Phần Lan tại EURO 2020 rạng sáng 13/6/2021 là một ca mới nhất về sự cố sức khỏe đáng sợ này. Eriksen gục trên sân dù không có va chạm với ai gần cuối hiệp 1 trận đấu. Các nhân viên y tế đã nhanh chóng sơ cứu và Eriksen đã được cứu sống.
Vậy đâu là những nguyên nhân gây ra ngày càng nhiều trường hợp đột quỵ, đột tử trong thể thao?
1. Nguyên nhân gây đột quỵ
Các chuyên gia cho biết có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, trong đó gồm các yếu tố không thể thay đổi và các yếu tố bệnh lý.
+ Yếu tố không thể thay đổi
Tuổi tác: các chuyên gia cho rằng ngày nay ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Không chỉ người cao tuổi, những người trẻ cũng gặp tình huống chết người này ngày càng nhiều. Tuy nhiên, tuổi tác cũng góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Từ sau tuổi 55, người ở nhóm tuổi này có nguy cơ mắc đột quỵ ngày càng cao cứ sau 10 năm.
Giới tính: các chuyên gia cho biết tỷ lệ nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới.
Tiền sử gia đình: cũng giống như ung thư, căn bệnh được cho là có di truyền, đột quỵ cũng có nguy cơ tăng cao với những người có các thành viên khác từng bị đột quỵ.
Chủng tộc: các chuyên gia tổng hợp nghiên cứu cho rằng người da đen có nguy cơ mắc đột quỵ cao gần gấp đôi so với người da trắng.
+ Yếu tố bệnh lý
Những bệnh nền sau khiến tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn: người có tiền sử đột quỵ, người bị đái tháo đường, mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu, thừa cân, béo phì, người có lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc, ăn uống thiếu điều độ, uống nhiều chất có cồn…
2. Dấu hiệu đột quỵ
Những dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần rất khó lường: cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không có chút sức lực, tê cứng mặt hoặc nửa mặt, miệng bị méo mó…
Những người cử động khó khưn hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể hay không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc… được cho là dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất.
Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động. Miệng cứng, khó phát âm, không thể nói bình thường hay thị lực giảm, mắt mờ đi, đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh gây buồn nôn hoặc nôn…
3. Cách phòng tránh đột quỵ
Có nhiều cách để phòng tránh đột quỵ nếu bạn chú ý đến việc này từ sớm. Chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách làm cơ thể bạn khỏe mạnh, giảm được các chứng bệnh nền nguy hiểm như: bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu...
Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể… hạn chế ăn các loại thịt đỏ, thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường.. Và nên nhớ uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...
Ngoài ra, tập thể dục hàng ngày là cách tăng cường sức khỏe tốt và hữu ích nhất. Hãy chọn một môn thể thao phù hợp với mình để rèn luyện mỗi ngày. Chạy bộ, đạp xe, bơi… là những môn thể thao phù hợp với số đông. Nhưng hãy lắng nghe cơ thể khi tập luyện, không nên cố gắng tập quá sức, tăng khối lượng tập quá nhanh. Khi gặp các sự cố về sức khỏe trong quá trình luyện tập thì phải dừng lại, đi khám sức khỏe và nhận tư vấn từ bác sĩ, chuyên gia sức khỏe…