Sốc nhiệt và những điều cần lưu ý khi chạy vào mùa hè

Phúc Hải
thứ năm 25-6-2020 13:38:18 +07:00 0 bình luận
Mùa hè đang ở giai đoạn nóng nhất khi nhiều tuần qua mức nhiệt luôn xấp xỉ 40 độ C. Chạy bộ dưới điều kiện như vậy rất cần lưu ý đến vấn đề sốc nhiệt…

Mùa hè đang ở giai đoạn nóng nhất khi nhiều tuần qua mức nhiệt luôn xấp xỉ 40 độ C. Chạy bộ dưới điều kiện như vậy rất cần lưu ý đến vấn đề sốc nhiệt…

Ở thời điểm hiện tại, nhiều khu vực trên cả nước đang hứng chịu đợt nắng nóng khủng khiếp. Tại miền Bắc, nền nhiệt lên tới trên dưới 40 độ C, trong khi tại miền Trung cũng không hề kém cạnh.
Đây đang là thời điểm “nóng” mà hầu hết những nhà tổ chức sự kiện thể thao, giải chạy đều tránh để đảm bảo an toàn cho VĐV. Tuy nhiên, với tình thế xoay chuyển hoàn toàn do dịch COVID-19, nhiều giải chạy/sự kiện thể thao vẫn phải tổ chức vào mùa hè.

Gần nhất sẽ là Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon) diễn ra tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào 5/7/2020 tới đây. Theo dự báo thời tiết, trong ngày này, ở Lý Sơn có nền nhiệt từ 26-34 độ C, độ ẩm khoảng 65km với vận tốc gió 15km/h.

Tập luyện quá sức dưới trời nắng nóng có thể khiến cơ thể suy kiệt, nôn khan... - Ảnh minh họa

Vào thời điểm này, mặt trời cũng sẽ lên sớm từ khoảng 5h15, tia UV trong ánh nắng đạt cực điểm.
Đó là những thông tin cơ bản trong ngày 5/7/2020 khi diễn ra giải chạy Tiền Phong Marathon 2020. Theo cung đường được công bố, đường chạy tại đảo Lý Sơn cũng khá nhiều dốc, đường quanh co do diện tích đảo nhỏ. Thi đấu trong điều kiện thời tiết nắng nóng như vậy, các VĐV cần chú ý những dấu hiệu liên quan đến sốc nhiệt.

Sốc nhiệt là gì? Đó là thuật ngữ mà dân gian thường gọi bằng những từ dân dã như: say nắng, say nóng. Sốc nhiệt là hình thức tổn thương cao nhất do nhiệt. Nhẹ là say nắng, say nóng, nặng hơn là kiệt sức do nhiệt và nặng nhất là sốc nhiệt.

Định nghĩa về sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm cơ thể cao quá 40 độ C kèm theo có rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Nhẹ sẽ mất định hướng, rối loạn tri giác, nặng thì hôn mê. Thống kê cho thấy đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bình thường tập luyện thể thao.

Với các VĐV chuyên nghiệp, vẫn có khả năng xảy ra. Một trong những nguy cơ của sốc nhiệt là khi nền tảng thể lực càng kém thì càng dễ xảy ra. Một người càng ít luyện tập trong điều kiện khác nhau thì khả năng thích nghi của cơ thể kém hơn. Xác suất bị sốc nhiệt ở người bình thường tập luyện thể thao thì cao hơn VĐV chuyên nghiệp.

Tuyển thủ Nguyễn Thị Huyền ngất xỉu tại Cúp Tốc độ 2020 do thi đấu quá sức dưới nắng nóng - Ảnh: Đào Tùng

Đơn cử tại Giải điền kinh Cúp Tốc độ Thống Nhất hôm 12/6/2020 tại sân Thống Nhất (TP.HCM) vừa qua, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Huyền đã ngất xỉu, phải nhờ đến sự trợ giúp của y tế sau khi thi đấu xong nội dung 400m rào. Ở thời điểm đó, Huyền đã bị sốt, ngay từ khi bắt đầu di chuyển từ Hà Nội vào thi đấu. Thể trạng yếu hơn so với ngày thường, thi đấu dưới nắng nóng vào buổi chiều đã khiến một VĐV chuyên nghiệp như Nguyễn Thị Huyền phải lả đi.

Theo bác sĩ Đinh Linh (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), một chân chạy phong trào có thành tích rất tốt ở cự ly marathon, thì: "Về nguyên tắc, sốc nhiệt trong môi trường lạnh cũng có thể xảy ra được. Con người khác những loài động vật khác là có khả năng thoát mồ hôi. Con người nếu hoạt động quá sức, tốc độ toát mồ hôi chậm hơn tốc độ sinh nhiệt thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên. 

Chúng ta thải nhiệt qua đường da. Với người béo, lượng cơ thải nhiệt ra nhiều hơn trên một diện tích da nhất định. Người cao cao thì lượng da cũng tương đương vậy nhưng lượng cơ lại ít hơn. Béo cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến sốc nhiệt. Thứ hai, trang phục không có khả năng thoát nhiệt tốt cũng tăng nguy cơ sốc nhiệt".

Ngoài những lý do kể trên, sốc nhiệt có thể xảy ra nếu người vận động không bổ sung nước kịp thời vào cơ thể. Theo các chuyên gia, thì lượng nước làm mát thoát đi theo đường mồ hôi. Ngoài ra, nước và điện giải vô cùng quan trọng trong sinh hoạt lẫn chuyển hóa ở cơ thể con người. Tất cả hoạt động đều cần đến nước, phải có nước và điện giải mới có thứ để tản nhiệt.
Trung bình nước thoát khỏi cơ thể 1% tương đương với việc giảm sức hoạt động của cơ là 10%. Nếu như trọng lượng cơ thể giảm đột ngột 5-10% là có thể dẫn đến trụy tim mạch.

Thi đấu quá sức dưới trời nắng có thể dẫn đến sốc nhiệt - Ảnh minh họa

Khi tham gia chạy dưới điều kiện nắng nóng, các VĐV cần chú ý những điều sau:

- Lựa chọn trang phục có chất liệu thoáng mát, nhanh khô mồ hôi…

- Trang bị đầy đủ từ mũ, kính, trang phục kín đáo để tránh nắng làm cháy da…

- Uống nước đầy đủ từ trước ngày thi đấu. Theo kinh nghiệm của những VĐV chạy lâu năm thì uống nước lọc liên tục trong ngày trước thi đấu đến khoảng 20 giờ thì dừng lại. Nước tiểu trong sau khi đi vệ sinh chứng tỏ bạn đã uống đủ nước. Dừng uống nước lúc 20 giờ đêm trước khi chạy sẽ làm bạn không bị mất ngủ vì phải tỉnh dậy giữa chừng để đi vệ sinh.

- Trong ngày thi đấu, uống nước trước khi chạy, có thể cắn một gói gel khoảng 30 phút trước khi chạy để năng lượng kịp thấm, giúp bạn chạy tốt hơn.

- Nên pha viên điện giải hoặc tính toán uống viên muối theo khung thời gian nhất định để bù năng lượng cho cơ thể.

- Nên chạy chậm ở những km đầu tiên, để cơ thể quen dần rồi bắt đầu bung sức. Những VĐV chuyên nghiệp có cách khởi động kỹ để chạy nhanh ngay từ đầu. Nhưng là VĐV phong trào, bạn không nên đua tốc độ với những người khác.

- Nạp gel hợp lý. Nhiều người chọn cách ăn từ 6-7 gói gel nếu chạy marathon.

- Vừa chạy vừa lắng nghe cơ thể, hãy xem nhịp thở của mình có ổn không? Nếu thấy dấu hiệu hoa mày chóng mặt thì nên dừng ở bóng râm để nghỉ ngơi.

- Làm mát cơ thể bằng cách thấm khăn ướt lên gáy, đầu… tại các điểm dừng.

- Nếu có dấu hiệu đau nhức, đói dẫn đến chóng mặt… không nên cố gắng quá. Hãy biết dừng đúng lúc để có một cuộc đua an toàn.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm