Tổn thương xương, khớp và cách phòng tránh, sơ cứu (Phần 3)

thứ tư 6-1-2016 9:26:13 +07:00 0 bình luận
Bác sỹ Lê Thanh Tùng, Chuyên khoa cấp II ngoại chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Thể thao Việt Nam) sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất về loại tổn thương này.
Bác sỹ Lê Thanh Tùng

Bác sỹ Lê Thanh Tùng

Chấn thương xương, khớp chủ yếu là những chấn thương nặng như trật khớp, gẫy xương, thường gặp trong các môn đối kháng trực tiếp.

Trật khớp

Là tình trạng hai mặt khớp bị xê dịch ra khỏi vị trí bình thường. Nguyên nhân do lực tác động lớn làm đứt, rách bao khớp và dây chằng quang khớp.

Trật khớp

Biểu hiện:

+ Đau dữ dội sau chấn thương - có thể nghe thấy tiếng “bực”, “rắc”.

+ Khớp mất khả năng vận động.

+ Biến dạng, có thể sưng nề bầm tím quanh khớp.

+ Cần chụp X-quang để xác định và đánh giá các tổn thương xương phối hợp.

Sơ cứu:

+ Băng bất động khớp ở nguyên tư thế bị trật(với nẹp, băng chun).

+ Chườm lạnh để giảm đau.

+ Chuyển cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất.

+ Chú ý tránh tự kéo nắn hoặc xoa bóp dầu có thể làm tụ máu nhiều trong bao khớp, có thể gây cứng khớp, lỏng khớp, gẫy xương.

Gẫy xương cấp tính sau va đập mạnh

Biểu hiện: Đau chói, lạo sạo ở vùng xương gẫy, vận động bất thường hoặc mất vận động, biến dạng xương khớp.

Gẫy xương

Sơ cứu: Sau chấn thương bất động tại chỗ, tránh vận chuyển ngay lập tức có thể gây shock chấn thương.

+ Cắt bỏ trang phục quanh vùng tổn thương.

+ Nẹp cố định xương gẫy(Chú ý qua 3 mặt phẳng và qua hai khớp trên và dưới vùng tổn thương)

+ Vận chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

+ Có thể chườm lạnh giảm đau.

+ Không được bó đắp thuốc rất nguy hiểm, nhiễm trùng da, viêm xương, khớp giả.

Một số biện pháp phòng tránh

- Khởi động kỹ trong khoảng 15 phút: chạy tại chỗ, nhảy, cử động các bộ phận trên cơ thể và duỗi người, đặc biệt chú ý đến những cơ bắp sẽ phải làm việc nặng.

- Thường xuyên uống đủ nước. Nếu bị mất nước thì hiệu suất vận động và sự chú ý của bạn sẽ giảm sút, trong khi các cơ bắp sẽ không thể loại bỏ chất thải một cách hiệu quả.

- Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, thích hợp với lối sống và mức độ hoạt động của bản thân. Hãy bổ sung đủ lượng natri cần thiết vì thiếu hụt chất này có thể làm bạn dễ mắc chứng chuột rút.

- Gia tăng cường độ tập luyện một cách từ tốn. Các chấn thương thể thao thường rất dễ xảy ra trong thời tiết lạnh giá. Bạn cần phải gia tăng cường độ tập luyện của mình một cách chậm rãi.

- Tự massage (hoặc đi massage). Hoạt động này giúp loại bỏ chất thải chứa trong cơ bắp, nguyên nhân gây ra vọp bẻ và đau nhức.

- Đừng mạo hiểm khi không cần thiết, đặc biệt với những bài tập luyện ngoài trời. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt thường có những ảnh hưởng nhất định đối với hiệu quả tập luyện thể thao. Để tránh những ảnh hưởng xấu (gây cảm giác khó chịu, nguy cơ gây chấn thương...) cần phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt. Tránh tập luyện quá lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt.

Quý độc giả và người yêu thể thao quan tâm có thể phản hồi và đặt câu hỏi về Tòa soạn, qua số điện thoại (04) 32669666 hay địa chỉ email: [email protected].

Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật, chọn lựa và xử lý để đáp ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất các phản ánh, câu hỏi của quý độc giả.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm