Cách đây tròn 20 năm, cô gái đất Cảng Bùi Thị Nhung là người đã “mở hàng” Vàng cho điền kinh Việt Nam tại đấu trường danh giá nhất châu lục được tổ chức hai năm một lần từ 1973, ở nội dung vô cùng khó là nhảy cao nữ.
Tại giải đấu trên đất Philippines vào 2003, gương mặt lạ hoắc đến từ Việt Nam có thể hình bé nhỏ lọt thỏm giữa các đối thủ đã bất ngờ “bay” qua mức xà 1m88 để giành tấm HCV “vượt ngoài mong đợi và dự kiến cả thập kỷ” như thừa nhận của giới chuyên môn.
“Nữ hoàng nhảy cao” này đã lập kỳ tích Vàng châu Á đầu tiên không chỉ cho điền kinh mà cả thể thao Việt Nam ở một môn Olympic. Chính tấm HCV lịch sử của Nhung đã tạo nên bước đột phá mới trong sự nhìn nhận, đầu tư và cách nghĩ cách làm môn “nữ hoàng” tại Việt Nam. Bản thân Nhung với quyết tâm nỗ lực cao độ đã tiến bộ không ngừng, từng chinh phục thành công mức xà khó tin 1m94 ở giải Thái Lan mở rộng 2005.
Ngay sau Nhung, điền kinh Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của hai tài năng xuất chúng trên đường chạy, sớm vượt SEA Games lên tầm hàng đầu châu lục là Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương.
Bộ đôi đều sinh năm 1986 này đã liên tiếp gặt hái những tấm huy chương tại mọi cuộc đấu cấp châu lục. Tuy nhiên ở giải vô địch châu Á, chỉ Hằng thành công trọn vẹn khi có tới hai lần giành được HCV, đều trên đường chạy 800m. Giải 2007, Hằng đăng quang với thông số 2 phút 04 giây 77. Bốn năm sau, cô tái lập kỳ tích với 2 phút 01 giây 41.
Đến giải vô địch châu Á 2017, qua hai lần “trắng tay”, điền kinh Việt Nam mới lại đoạt được HCV nhờ những tài năng nổi trội mới ở một số nội dung thế mạnh mới.
Thậm chí, đây chính là lần dự tranh thành công nhất khi Việt Nam giành được 2 HCV, 2 HCB. Hai tấm HCV thuộc về Nguyễn Thị Huyền ở 400m rào với thông số 56 giây 14 và Bùi Thị Thu Thảo trên hố nhảy xa với 6m 54.
Giải 2019, Quách Thị Lan thay thế người đồng đội Nguyễn Thị Huyền giúp điền kinh Việt Nam tiếp tục có HCV 400m rào, bằng thông số 56 giây 10. Cũng tại giải này, Lan cùng các đồng đội còn được trao lại 2 tấm HCV được đôn lên từ 2 HCB giải 2017 (400m cá nhân của Lan và tiếp sức 4x400m nữ với đội hình Lan- Huyền- Ngọc- Oanh) khi Ấn Độ bị tước do VĐV Nirmala Sheoran dính doping.
Như vậy, đến nay, điền kinh Việt Nam đã giành được tổng cộng 8 HCV giải vô địch châu Á, một thành quả đáng nể, nhất là so với mặt bằng chung các môn Olympic của thể thao Việt Nam. Càng đặc biệt hơn, cả 8 tấm HCV đều do công của các nữ tuyển thủ, với một nửa thuộc về tổ 400m nữ.
Tại giải vô địch châu Á 2023 do Thái Lan đăng cai từ 12/7 tới, điền kinh Việt Nam mang sang một lực lượng đông đảo gồm 20 tuyển thủ ở nhiều nội dung. Kỷ lục gia kỳ cựu Nguyễn Thị Huyền cùng tổ tiếp sức 4x400m nữ, và ngôi sao SEA Games 32 Nguyễn Thị Oanh sẽ gánh trọng trách tranh chấp huy chương, kể cả Vàng. Hồi đầu năm, Nguyễn Thị Oanh từng mang về 1 tấm HCV châu lục, nội dung 1,500m, ở giải vô địch châu Á trong nhà.