Đề án phát triển Điền kinh Việt Nam giai đoạn 2030-2045 loay hoay từ "đầu tiên"

Nguyễn Y Vân
thứ năm 24-4-2025 22:06:54 +07:00 0 bình luận
Hội thảo góp ý xây dựng Đề án phát triển Điền kinh Việt Nam giai đoạn 2030-2045 vừa diễn ra đã cho thấy rõ ràng, quá nhiều vấn đề cần xử lý, khắc phục nếu muốn nhắm đến thành tích cao hơn cho điền kinh quốc gia trong tương lai...

Một ngày trước Đại hội Liên đoàn Điền kinh Việt Nam nhiệm kỳ 8 (2025-2029), sáng nay 24-4 đã diễn ra buổi hội thảo góp ý xây dựng Đề án phát triển điền kinh Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Hội thảo do lãnh đạo Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Cục Thể dục thể thao chủ trì, với những ý kiến xây dựng đóng góp đến từ các nhà quản lý, chuyên gia, HLV, cựu HLV, cựu VĐV..., từ nhiều đơn vị tỉnh thành ngành trên khắp cả nước.

Cùng với Bóng đá, Điền kinh là bộ môn được giao thực hiện xây dựng Đề án phát triển giai đoạn 2030-2045, điều này thể hiện rõ việc nhận thức, đánh giá đúng đắn vị thế, tầm quan trọng của "môn thể thao nữ hoàng", vốn không chỉ đóng góp to lớn vào thể thao thành tích cao của Việt Nam mà còn giữ vai trò quan trọng đến thể thao học đường, hay công tác xã hội hóa thể thao.

Hội thảo góp ý xây dựng Đề án phát triển Điền kinh Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 diễn ra sáng 24-4

Theo tài liệu từ ban soạn thảo đề án phát triển điền kinh Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, mục tiêu cho giai đoạn thực hiện ngay, từ 2026-2035 đó là liên tục đứng nhất-nhì ở môn điền kinh tại SEA Games, giành đủ bộ huy chương vàng-bạc-đồng ở kỳ ASIAD 2034 và có 2-3 VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic..., ở những nội dung thế mạnh được khoanh vùng như 400m hay 400m rào nữ, tiếp sức 4x400m nữ và hỗn hợp nam nữ, 3000m vượt chướng ngại vật... Còn định hướng nhắm đến thành tích cho giai đoạn 2035-2045 sẽ là giành 2-3 HCV ở mỗi kỳ ASIAD và có VĐV vào bán kết nội dung thi đấu tại Olympic

Để phục vụ cho mục tiêu này là các giải pháp kiến nghị đi kèm được ban soạn thảo đưa ra trong đề án xây dựng bao gồm việc đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất tốt hơn nữa cho môn điền kinh mà cụ thể là phục vụ các đội tuyển, tuyển trẻ đang tập trung rải rác tại các Trung tâm huấn luyện quốc gia trên khắp cả nước; tập trung thường xuyên 90-100 tuyển thủ quốc gia hằng năm; thuê thêm chuyên gia, HLV ngoại; chọn lọc 30-35 VĐV mũi nhọn thực sự chất lượng để ưu tiên đầu tư trọng điểm, bao gồm cả việc đưa đi tập huấn nước ngoài dài hạn; xây dựng trung tâm điền kinh riêng biệt hoặc khai thác phần sân phụ Mỹ Đình để làm trung tâm phục vụ riêng cho huấn luyện đào tạo đội tuyển điền kinh quốc gia, đội tuyển trẻ....

Qua tài liệu soạn thảo đề án để từ đó lấy ý kiến đóng góp thêm, có thể thấy rõ "mong muốn và tham vọng" của những người làm điền kinh Việt Nam mà cụ thể ở đây là Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (LĐĐKVN). Tuy nhiên, giữa "mong muốn, tham vọng" và thực tế triển khai, vấn đề muôn thủa đầu tiên vẫn là "tiền đâu"?

Các đại biểu đã chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến, tâm tư và nguyện vọng, từ việc tuyển chọn VĐV, xây dựng chính sách đãi ngộ, cải thiện cơ sở vật chất đào tạo, nâng cao chuyên môn huấn luyện, và cả việc nhập tịch VĐV...

Hầu hết các ý kiến đóng góp tại hội thảo đều có chung băn khoăn khi nguồn ngân sách, kinh phí thực hiện "không được thể hiện rõ bằng con số cụ thể, kể cả áng chừng, từ đó gắn liền với từng cột mốc mục tiêu thành tích mà cụ thể là thành tích cao cho điền kinh Việt Nam trong giai đoạn 2030-2045".

Bên cạnh đó, với ý tưởng lập trung tâm Điền kinh riêng biệt, cơ chế xin cấp đất, cơ sở vật chất, và việc quản lý vận hành trung tâm ra sao cũng chưa được nêu giải pháp cụ thể trong bản soạn thảo đề án. 

Sau cùng, mối quan tâm lớn nhất đó là việc xây dựng đề án có đồng nghĩa với việc "Liên đoàn Điền kinh có được chủ động, giao quyền và nguồn lực tổ chức thực hiện"? 

Nhiều đại biểu chung quan điểm "Liên đoàn cần năng động và cởi mở hơn nữa trong việc mời các doanh nghiệp, nhà tài trợ chung tay hỗ trợ nguồn lực tài chính mới có thể hoàn thành các mục tiêu thành tích đề ra"

Thực tế, tại hội thảo, lãnh đạo Cục TDTT đã chia sẻ rằng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, phê duyệt đề án phát triển Điền kinh Việt Nam giai đoạn 2030-2045. Bộ đã giao Cục TDTT làm đầu mối thực hiện và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam là cơ quan phối hợp xây dựng đề án. 

Còn hiện tại Bộ VHTTDL, Cục TDTT đang sàng lọc các bộ môn trọng điểm - khoảng 8-10 môn và trong đó có Điền kinh - để sớm hoàn thành báo cáo xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046, trình thủ tướng chính phủ ký ban hành.

Nếu được thông qua, theo như chia sẻ lãnh đạo bộ môn Điền kinh (Cục TDTT), sẽ có khoản ngân sách khoảng 400 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu "trọng điểm điền kinh" nhắm đến các thành tích cao đề ra trong giai đoạn 2026-2046. Và đó mới là khoản ngân sách đúng nghĩa "tiền tươi thóc thật" nhìn thấy để thực hiện nhiệm vụ với điền kinh Việt Nam.

Dẫu vậy, cũng không hẳn rằng đề án phát triển điền kinh Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 do LĐĐKVN soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp bị "lạc lõng". Đây vẫn là cơ sở, một khi hoàn thiện trình Bộ VHTTDL và được phê duyệt, được kỳ vọng sẽ trở thành kim chỉ nam định hướng phát triển cho điền kinh quốc gia trong 20 năm tới đây.

Điền kinh Việt Nam đã từng bước tiến bộ và đạt được những thành tích mà trước đây chưa bao giờ dám nghĩ tới, như ngôi nhất toàn đoàn SEA Games, HCV ASIAD, châu Á, hay suất chính thức dự Olympic. Tuy vậy, việc xếp nhất hay nhì ở SEA Games giờ đã được nhận diện không còn là mục tiêu lớn nhất, mà tranh chấp huy chương cấp độ châu lục trở lên mới là ưu tiên hàng đầu.

Với việc trắng tay ở ASIAD 2023 tại Hàng Châu, hay 2 kỳ Olympic liên tiếp không còn giành được suất dự chính thức, giờ là lúc rất cần có một kế hoạch dài hơi, bài bản, với tầm nhìn đúng đắn và đầu tư hợp lý, khôn ngoan, để điền kinh Việt Nam bước lên một đẳng cấp trình độ khác ngoài tầm khu vực, ở một số nhóm nội dung trọng điểm, nếu không muốn giậm chân tại chỗ hay tệ hơn là thụt lùi thành tích và lại "vỗ về nhau bằng thành tích SEA Games".

Điền kinh Việt Nam đã dẫn đầu SEA Games, giành HCV châu Á và ASIAD, vậy nên mục tiêu đường dài 20 năm tới sẽ phải đạt thành tích tốt hơn nữa, đặc biệt ở cấp độ châu lục và nhắm đến Olympic
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm