Hình ảnh anh em Brownlee dìu nhau về đích ở giải thế giới 3 môn phối hợp từng gây xúc động mạnh. Nhưng mặt khác nó cũng cho thấy VĐV phải đối mặt sự nguy hiểm từ hiện tượng sốc nhiệt.
Chơi 3 môn phối hợp phải "làm bạn" với sốc nhiệt
Triathlon - 3 môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy), là cuộc thi được đánh giá là đẩy giới hạn chịu đựng, sức bền, ý chí thi đấu của các VĐV tới mức cao nhất.
Và tất nhiên nó cũng khiến các VĐV bị kiệt sức nhiều nhất, vì phải thi đấu cường độ cao, liên tục trong nhiều giờ và có thể là dưới thời tiết khắc nghiệt.
Chưa ai quên giải đấu ở Mexico hồi tháng 9/2016 nằm trong hệ thống World Triathlon Series suýt chứng kiến một bi kịch. Ở vài trăm mét cuối cùng trước vạch đích, VĐV 26 tuổi người Anh từng đoạt HCB Olympic 2016, Jonny Brownlee từng loạng choạng chực đổ ngã vì kiệt sức do hiện tượng sốc nhiệt.
Khi đó người anh trai Alistair Brownlee đã dừng lại để dìu em cùng về đích. Hình ảnh đó gây xúc động mạnh. Nó tạo ra hiệu ứng nhân văn và tinh thần thể thao cao thượng.
Tuy vậy, mặt khác nó cũng cho thấy sự nguy hiểm, thậm chí là hiểm nguy tới cả tính mạng, mà cậu em nhà Brownlee nói riêng hay nhiều VĐV 3 môn phối hợp khác, hay VĐV thể thao nói chung phải đối mặt khi đẩy giới hạn chịu đựng của bản thân tới mức cao nhất và hứng chịu rủi ro bị sốc nhiệt.
Video Jonny Brownlee từng bị sốc nhiệt suýt nguy hiểm tính mạng ở giải World Triathlon Series
May mắn cho trường hợp của Jonny bởi anh chỉ cách đích vài trăm mét khi bắt đầu có hiện tượng sốc nhiệt và khi đổ sụp xuống lúc băng qua vạch đích, sự hỗ trợ đúng lúc của bộ phận y tế đã nhanh chóng giúp Jonny đến được bệnh viện và hồi phục.
Đáng nói là trước đó vài tuần, VĐV khuyết tật Liz Baker của Mỹ cũng suýt mất mạng vì sốc nhiệt khi thi 3 môn phối hợp tại Paralympic Rio de Janeiro dưới thời tiết nắng nóng.
2. Sao bóng đá Nhật Bản qua đời vì sốc nhiệt
Tháng 8/2011, bóng đá Nhật Bản đã phải hứng chịu bi kịch đau thương khi hậu vệ ĐTQG Naoki Matsuda đột ngột qua đời trong lúc tập luyện ở CLB Matsumoto Yamaga.
Matsuda khi đó 34 tuổi, từng có 40 lần khoác áo ĐT Nhật Bản và từng dự World Cup, đã gục ngã bất tỉnh sau bài khởi động chạy bộ 15 phút. Dù nhanh chóng được đưa thẳng tới bệnh viện và có máy trợ tim cấp cứu nhưng Matsuda đã không bao giờ tỉnh lại nữa.
Khi ấy thời tiết trên khắp nước Nhật đang trải qua hiện tượng nắng nóng cực đoan và chỉ trong vòng 2 tháng trước đó đã có 43 người chết vì hiện tượng sốc nhiệt, hãng tin Kyodo cho biết.
3. Cơn ác mộng mang tên sốc nhiệt trong thế giới bóng bầu dục
Ngày 1/8/2001, ngôi sao tấn công Korey Stringer của CLB Minnesota Vikings là cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp đầu tiên ở giải NFL (môn thể thao được ưa chuộng số 1 tại Mỹ), đã tử vong với triệu chứng sốc nhiệt.
Cái chết của Stringer đã làm dấy lên những cảnh báo về hiện tượng "gắng sức đến suy kiệt thể lực và bị sốc nhiệt" ở các VĐV và buộc những nhà quản lý thể thao, y tế, phải đưa ra những biện pháp, quy định, giúp kiểm soát hiện tượng sốc nhiệt cả trong thi đấu ở giải chuyên nghiệp NFL, lẫn tại hệ thống thi đấu bóng bầu dục ở các trường Đại học và thậm chí cấp Trung học.
Nhưng sau tất cả, một sự thật không thể chối bỏ, đấy là hiện tượng sốc nhiệt vẫn xảy ra thường xuyên ở môn bóng bầu dục tại Mỹ.
Hồi năm 2015, nghiên cứu của phó giáo sư Andrew Grundstein từ Đại học Georgia đã chỉ ra rằng, trong vòng từ năm 1960 đến 2009, đã có 123 cầu thủ bóng bầu dục ở hệ thống các trường học của Mỹ đã chết vì những vấn đề liên quan đến thân nhiệt.
Nên nhớ, hệ thống thi đấu bóng bầu dục ở các trường học của Mỹ cũng có quy mô không khác gì các giải đấu thể thao chuyên nghiệp.
Chưa hết, trong giai đoạn từ 2005 đến 2009, Trung tâm quốc gia nghiên cứu về chấn thương nghiêm trọng trong thể thao thuộc Đại học Bắc Carolina đã thu thập được 18 trường hợp đã bị sốc nhiệt nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Rõ ràng, bóng bầu dục Mỹ là môn thể thao đối kháng đòi hỏi tiêu tốn nhiều sức lực, thách thức giới hạn sức mạnh cơ bắp cũng sức chịu đựng của cơ thể nhiều bậc nhất.
Ngoài ra, việc các VĐV phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ dày và nặng, bên cạnh việc thi đấu dưới thời tiếng nắng nóng, độ ẩm cao... tất cả góp phần tạo ra "điều kiện lý tưởng" dẫn tới tình trạng sốc nhiệt.