Juventus ngày càng lão luyện trên thương trường. Dù Hè năm ngoái họ bán đi Paul Pogba với mức giá chuyển nhượng kỷ lục thì thành quả vẫn đến lập tức với tấm vé dự CK Champions League.
Khi Man Utd lên kế hoạch đấu giá cho Paul Pogba, ngôi sao lớn nhất và là tài sản có giá trị cao nhất của Juventus trên thị trường chuyển nhượng hồi Hè năm ngoái, các Juventini đã lo ngại điều tồi tệ sẽ xảy ra với đội bóng của mình.
Cả một “núi tiền” thu về (89 triệu bảng, một số báo còn đưa con số 92 triệu) là điều tuyệt vời, nhưng Juventus đã mất một tiền vệ trung tâm năng động nhất, người có khả năng ghi bàn và kiến tạo, tranh chấp và chiến đấu không biết mệt mỏi.
Trong khi đó, Miralem Pjanic đến từ Roma với giá 32 triệu euro đem lại cảm giác ban đầu giống như xỏ chân vào một đôi giày quá khổ. Liệu tiền vệ người Bosnia có thể lặp lại động lực, năng lượng, sự sáng tạo và ảnh hưởng của Pogba?
Rốt cuộc, tất cả đã được giải đáp ổn thỏa. Không có Pogba, Juventus càng phát triển mạnh mẽ hơn. Câu chuyện cũng giống như 1 năm trước đó, khi Juva bán Arturo Vidal (40 triệu euro) cho Bayern thu về số tiền cao gấp gần... 4 lần họ từng bỏ ra mua tiền vệ này.
Không còn Vidal - và cả Pirlo - Pogba với chiếc áo số 10 là thủ lĩnh hoàn hảo ở giữa sân mùa trước. Còn mùa này, chẳng có gì để chê trách ở vụ đầu tư mang tên Miralem Pjanic.
Từng có Một số ý kiến cho rằng bán Pogba là dấu hiệu của việc Juve đánh mất tham vọng trên trên sân khấu lục địa, rằng vị thế của họ chưa bao giờ đủ tốt để cạnh tranh chức vô địch Champions League.
Tuy nhiên, giờ đây, Juventus đã lọt vào trận chung kết Champions League lần thứ hai trong vòng 3 năm. Không chỉ vậy, Bianconeri còn đang trên đường giành chức vô địch Serie A lần thứ 6 liên tiếp và có thể đoạt cú ăn ba khi sẽ gặp Lazio trong trận chung kết Coppa Italia.
Thực ra, Pogba chỉ là một minh chứng tiêu biểu cho chính sách mua bán lão luyện của Juventus trên thị trường chuyển nhượng những năm qua vốn đem lại thành công vang dội cho đội bóng ở trên sân cỏ.
Juventus bán Pogba (110 triệu euro), Alvaro Morata (30), Arturo Vidal (40), Carlos Tevez (6,5)… để thu về những khoản tiền khổng lồ. Nhưng họ cũng là một tay chơi thứ thiệt khi biết dùng chính phần lớn con số đó tái đầu tư trong cuộc tăng cường lực lượng.
Morata (20 triệu), Paulo Dybala (40), Mario Mandzukic (21), Simone Zaza (18), Alex Sandro (26), Gonzalo Higuain (90), Pjanic (32), Marco Pjaca (23)…, những bản hợp đồng lớn trong 3 năm qua này cho thấy Juventus đã củng cố sức mạnh cho mình như thế nào.
Trong khi Higuain và Dybala đang giải quyết tuyệt vời bài toán ghi bàn (tổng cộng 48 bàn) thì với Pjanic ở giữa sân, không ai còn nhắc đến Pogba nữa.
Phong độ của Pjanic ở hàng tiền vệ đã mang lại sự ổn định và tính liên tục trong kỷ nguyên hậu Pogba. Ngôi sao người Bosnia ghi được 8 bàn và 14 pha kiến tạo và trong mùa giải này, trái ngược với 7 bàn và 5 pha kiến tạo khiêm tốn khiến Pogba đang bị nghi ngờ là "cú phốt thế kỷ" ở Man Utd.
Pjanic cũng có thể kiểm soát trận đấu theo cách tương tự như người tiền nhiệm khi tạo ra 76 cơ hội, tỷ lệ chuyền chính xác đạt 86,3% và tắc bóng thành công 77,4%.
Nếu tiền bạc là chưa đủ để tạo nên sức mạnh thì phải kể đến sự lọc lõi và tinh tường trong các bản hợp đồng mà Juventus thực hiện. Ở đây chính là những cầu thủ gia nhập theo dạng chuyển nhượng tự do.
Năm 2011, Andrea Pirlo mở đầu cho giai đoạn thành công rực rỡ mà các cầu thủ miễn phí đem lại. Pogba, Fernando Llorente, Kingsley Coman, Sami Khedira, Dani Alves trở thành những biểu tượng tuyệt vời về hiệu quả to lớn cả trên khía cạnh kinh tế lẫn thể thao.
Dani Alves ghi bàn thắng thứ hai cho Juventus
Khi lấy về một tiền vệ mà không mất xu nào như Pogba để rồi được đem bán với giá 110 triệu euro, đó là một tay buôn có hạng.
Khi một hậu vệ tưởng đã hết thời như Dani Alves tham gia trực tiếp vào 11 bàn thắng ở mùa giải này (ghi 5 bàn, kiến tạo 6), đó là minh chứng xác thực nhất cho một tay chơi lọc lõi trên thị trường chuyển nhượng.
Giờ thì các Juventini mong chờ đội bóng sẽ sớm lấy lại vị thế ông lớn thực thụ ở châu Âu và không gì tốt hơn chức vô địch Champions League...