Theo dự báo thời tiết, Chicago Marathon năm nay có độ ẩm cao và có thể có mưa nhẹ. Tuy nhiên, cuộc chiến trên đường đua sẽ rất "nóng".
Boston Marathon, London Marathon và Berlin Marathon có sức thu hút cực lớn nhưng Chicago Marathon, giải World Marathon Majors thứ 4 trong năm ở "Windy City" có sức hấp dẫn riêng.
Cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" giữa Galen Rupp và Mo Farah
Sau 6 tháng, Galen Rupp chọn Chicago Marathon là giải "Big 6" thứ hai trong năm của anh. Ở Boston Marathon hồi tháng 4, Galen Rupp với bệnh hen suyễn không chịu nổi thời tiết mưa rét khắc nghiệt bất thường, buộc phải dừng cuộc chơi sớm.
Chỉ 3 tuần sau Boston, marathoner số 1 nước Mỹ hiện nay đã thể hiện phong độ chói sáng với chức vô địch ở Prague Marathon kèm kỷ lục cá nhân (PR 2:06:21). Anh vươn lên trở thành VĐV người Mỹ chạy nhanh thứ hai trong lịch sử. Ở Chicago, mục tiêu của anh là phá KLQG Mỹ (nhanh hơn 2:05:38).
Mo Farah thường xuyên thắng Galen Rupp trên đường piste nhưng trên đường đua marathon, Galen Rupp đang vượt trội hơn so với người bạn tập ở Oregon
Đến từ nước Anh, Mo Farah cũng có mục tiêu phá kỷ lục châu Âu (nhanh hơn 2:05:48). Thời kỳ Galen Rupp còn đang tập luyện tích lũy ở Oregon chưa "xuống núi" thì Mo Farah (gốc Somali) đã là ông vua cự ly 5000m và 10.000m với 4 HCV Olympic 2 nội dung này tại London 2012 và Rio 2016.
Nhà đương kim VĐTG cự ly 10.000m từng đánh bại Galen Rupp, người bạn tập cùng ở Oregon rất nhiều lần trên "đường đua đỏ".
Tuy nhiên, ở cự ly mới marathon, Mo Farah vẫn chỉ là kẻ học việc so với Galen Rupp, người đã có 6 lần tham gia các giải marathon và đều lọt Top 3 (trừ lần DNF ở Boston). Mo Farah mới có 2 lần thử sức ở đường đua marathon đều trên sân nhà London Marathon (2014, 2018).
Lần gần nhất, Mo Farah chỉ chạy theo được Eliud Kipchoge, người vừa lập KLTG ở Berlin Marathon 2018, đúng nửa đoạn đường (trong 61 phút) nhưng anh vẫn hoàn thành với thời gian không tệ chút nào (2:06:21).
So với các VĐV châu Phi khác trong nhóm Pro, thành tích của Galen Rupp và Mo Farah còn khá khiêm tốn song cuộc đua giữa 2 "kẻ tám lạng người nửa cân" chắc chắn rất thú vị.
Mo Farah selfie trong khi Galen Rupp trả lời phỏng vấn ở buổi họp báo Chicago Marathon 2018
Pacer (Pacesetter) trở lại, kỉ lục trên hết
Năm 2015, BTC Chicago Marathon loại bỏ "rabbits" (những con thỏ - biệt danh của các pacer, người chạy dẫn VĐV theo tốc độ mục tiêu) khỏi đường đua với hi vọng cuộc đua giữa các VĐV gay cấn hơn bởi khi không có "rabbit", VĐV sẽ buộc phải tính toán chiến thuật trên suốt quãng đường hơn 42km để đánh bại các đối thủ. Và như vậy, kỷ lục giải và kỷ lục thế giới chỉ xếp thứ 2 về độ ưu tiên, sau chức vô địch giải.
Năm nay, Galen Rupp và Mo Farah đều yêu cầu cần có pacer để phá KLQG Mỹ và kỷ lục châu Âu bởi Chicago Marathon là một trong những giải marathon lớn có đường đua phẳng, dễ lập PR nhất.
Mosinet Geremew, VĐ Dubai Marathon 2018, và các ngôi sao châu Phi 9X khác có thể tạo nên bất ngờ ở Chicago Marathon 2018
Dàn sao mới châu Phi thế hệ 9X
Châu Phi có quá nhiều marathoner xuất sắc và đang đạt độ chín trong sự nghiệp mà đỉnh cao là Eliud Kipchoge, VĐV số 1 thế giới. Ở giải này, ngoài Abel Kirui (sinh năm 1982, VĐ Chicago 2016), một số VĐV châu Phi trẻ khác có tiềm năng trở thành một "Kipchoge" thứ hai.
Mosinet Geremew (PR 2:04:00), Birhanu Legese (PR 2:04:32), Roza Dereje (nữ, PR 2:19:17), Birhane Dibaba (nữ, PR 2:19:51), Brigid Kosgei (nữ, PR 2:20:13, Á quân Chicago 2017, London 2018) đều thuộc thế hệ 9X. Kỷ lục giải Chicago mới trong khả năng của các ngôi sao trẻ này.
Kawauchi và các VĐV Nhật Bản săn KLQG
Trước khi Yuta Shitara thiết lập kỷ lục mới (2:06:11) ở Tokyo Marathon 2018, KLQG marathon Nhật Bản trước đó từng được lập bởi Toshinari Takaoka ở Chicago Marathon 2002 với thời gian 2:06:16 (xếp hạng 3). Đó là động lực để Yuki Kawauchi, ĐKVĐ Boston Marathon, cùng các marathoner hàng đầu Nhật Bản hào hứng tham gia Chicago Marathon.
Kawauchi, ĐKVĐ Boston Marathon, công chức chạy bộ trong dàn sao Chicago Marathon 2018. Săn tìm KLQG và khoản tiền thưởng 100 triệu Yên là mục tiêu của Kawauchi và dàn sao Nhật Bản.
Ngoài Kawauchi, Suguru Osako (PR 2:07:19, hạng 3 Boston Marathon 2018), có thể sẽ tỏa sáng. Suguru Osaka là đồng đội của Galen Rupp và Mo Farah tại trại huấn luyện Oregon. Đường đua dễ lập PR như Chicago có sức thu hút cực lớn đối với dàn sao xứ mặt trời mọc. Bất kỳ ai phá KLQG sẽ được LĐ điền kinh Nhật Bản (JAAF) thưởng 100 triệu Yên (tương đương gần 1 triệu đô-la Mỹ).
Chicago Marathon 2018
Xuất phát: 17h30 7/10 (giờ Việt Nam)
Nhiệt độ: 15-16 độ C
Độ ẩm: có thể lên đến 90%
Khả năng mưa: 30%
Mức độ cảnh báo: Vàng
Xanh (Dễ chịu) - Vàng (trung bình) - Đỏ (khó khăn) - Đen (khắc nghiệt)
Xem Chicago Marathon 2018 ở đâu?
Bạn có thể xem livestream Chicago Marathon trên kênh NBC Chicago
Nữ U70 tìm kiếm KLTG chạy marathon sub 3:00 (dưới 3 giờ)
Sau hơn 3 thập kỉ, nhà vô địch Joan Benoit Samuelson vẫn giữ niềm đam mê chinh phục thử thách ở độ tuổi U70 khiến các VĐV trẻ phải nể phục
Chạy marathon dưới 3 giờ luôn là thách thức cực lớn đối với các VĐV marathon Việt Nam. 3 giờ là mốc thời gian chuẩn dành cho nam ở nhóm tuổi 18-34 (độ tuổi sung sức nhất) muốn có một suất tham dự Boston Marathon 2020. Đây cũng là mục tiêu của Joan Benoit Samuelson, nữ VĐV 61 tuổi mang số bib 124.
Joan Benoit Samuelson là nhà vô địch Olympic 1984 và là quán quân Chicago 1985. Sau hơn 3 thập kỷ, bà vẫn giữ được phong độ đỉnh cao và niềm đam mê chinh phục thử thách khiến các VĐV trẻ phải nể phục. Nếu hoàn thành marathon dưới 3 giờ, bà sẽ lập KLTG ở nhóm tuổi 60-64 nữ.
Chicago Marathon
Năm đầu tiên tổ chức: 1977
Duy nhất một lần chỉ có cự ly half marathon (1987)
Số người tham gia lớn thứ 4 thế giới
Giờ COT: 6 giờ 30 phút
Thời gian hoàn thành trung bình (2017): 4:47:23
Số người hoàn thành (2017): 44.508 (kỷ lục giải)
4 lần KLTG được ghi nhận tại Chicago Marathon (1984, 1999, 2001, 2002)
Kỷ lục giải nữ 2:17:18 (Paula Radcliffe lập năm 2002, đồng thời là KLTG)
Kỷ lục giải nam 2:03:45 (Dennis Kimetto lập năm 2013)
Những nhà vô địch Chicago Marathon 2017: Galen Rupp (2:09:20), Tirunesh Dibaba (2:18:30)