Nếu như đối với một cầu thủ bóng đá, giải đấu mơ ước một lần trong đời được tham dự là World Cup hay đấu trường Champions League danh giá; với VĐV quần vợt là 4 giải Grand Slam danh tiếng thì với những VĐV chạy việt dã, được có tên trong danh sách thi đấu ở Olympic hay giải Boston Marathon luôn là niềm khát khao cháy bỏng.
Vì sao Boston Marathon được coi là một sự bảo chứng cho thành tựu đạt được của một VĐV chạy đường dài như vậy?
Giải marathon thế kỉ
Boston Marathon có chiều dày lịch sử bề thế, trải qua những thời khắc huy hoàng nhưng cũng có cả thời điểm đen tối, nhuốm màu sắc bi thương. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn để tham gia giải cũng rất khắt khe, không phải ai muốn là tham gia được. Những yếu tố trên tạo ra thương hiệu vô giá của giải.
Vào năm 1897, Boston Marathon ra đời dựa trên nguồn cảm hứng về kì Olympic mùa hè đầu tiên một năm trước đó. Đây cũng là 1 trong 4 sự kiện lớn lâu đời nhất nước Mỹ luôn duy trì tổ chức ngay cả trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng nhất, cam go nhất xuyên suốt 2 cuộc chiến tranh thế giới. Sự duy trì liền mạch cho thấy sức sống mãnh liệt của giải chạy vượt lên sự thù hận, khốc liệt của chiến tranh. Điều đó khiến Boston Marathon càng trở nên đặc biệt, trở thành biểu tượng của tinh thần thể thao bất diệt.
Boston Marathon được tổ chức vào ngày thứ 2 của tuần thứ 3 trong tháng 4, vì thế nó còn có tên gọi là Monday Marathon (Marathon ngày thứ 2). Ở năm đầu tiên, Boston Marathon còn rất khiêm tốn với vỏn vẹn 18 VĐV và người về nhất chỉ mất 2 giờ 55 phút để hoàn thành chặng đường 26,2 dặm hay 42,195km (cự li tiêu chuẩn marathon). Đây là thành tích tốt nếu so sánh với thời điểm hiện nay khi VĐV nhận được nhiều sự hỗ trợ đắc lực từ các bài tập khoa học, dụng cụ tập luyện đi kèm: trang phục chạy, nước và dinh dưỡng, đồng hồ đo vận tốc v.v...
Cho đến trước năm 1986, Boston Marathon thuần túy là một giải thể thao mang tính “phong trào”, đề cao tinh thần là chính chứ không chú trọng đến yếu tố vật chất, mà cụ thể ở đây là tiền thưởng dành cho những người đứng trên bục vinh quang. Sau khi một số VĐV chuyên nghiệp từ chối tham dự giải đấu không có tiền thưởng, Boston Marathon đã điều chỉnh, bổ sung tiền thưởng với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. Ngày nay, tiền thưởng là một trong những yếu tố hấp dẫn nhất để thu hút các VĐV hàng đầu thế giới đến tranh tài.
Tuy diễn ra ở Mỹ, nơi mà sự bình đẳng được đề cao, nhưng phụ nữ không được tham dự cho đến trước năm 1972 bởi khi đó định kiến của xã hội về khả năng của phụ nữ không cho phép họ tham gia giải chạy dài quá 1,5 dặm (tương đương 2,4 km). Năm 1966, bất chấp việc mình là “khách không mời”, Bobbi Gibb đã “cải trang” như nam giới cùng xuất phát với các đấng mày râu và trở thành người phụ nữ đầu tiên hoàn thành cự li full marathon ở Boston Marathon. Điều đáng nói, Bobbi chạy rất tốt, nhanh hơn 2/3 số VĐV nam tham gia. Bobbi đã thống trị đường đua của nữ trong 3 năm liên tiếp. Thành tích “phủi” của Bobbi và 1 VĐV nữ khác (cũng về nhất 3 năm liên tiếp sau đó) mãi về sau này mới được BTC Boston Marathon công nhận một cách chính thức và trao tặng huy chương nhân dịp giải chạy này tròn 100 năm tuổi. Năm 1975, Boston Marathon đi tiên phong trong việc tổ chức marathon dành cho các VĐV xe lăn.
Thời khắc đen tối
Ở một giải đấu danh giá được cả thế giới chú ý như Boston, bất kì ai cũng muốn ghi tên mình vào lịch sử, kể cả việc áp dụng "mưu hèn kế bẩn”. Năm 1980, Rosie Ruiz đã buộc lịch sử phải nhắc đến tên mình khi bày trò gian lận trong cuộc đua. VĐV nữ này chỉ có mặt ở vị trí xuất phát, rồi lẩn vào đám đông khán giả bên đường chờ cho đến khi “chín muồi” ung dung cán đích mà không tốn một giọt mồ hôi. BTC sau đó "mổ băng" điều tra và quyết định tước danh hiệu của Rosie Ruiz.
Năm 2013 đánh dấu một trong những thời điểm bi thương nhất của giải chạy thế kỉ này. Những kẻ khủng bố đã đặt bom ở khu vực cách đích 200 m, cướp đi tính mạng của 3 người và khiến hơn 250 người tham dự bị thương. BTC buộc phải dừng giải giữa chừng khi biến cố xảy ra. Rất nhiều VĐV đã không thể trở thành “Finisher” (người hoàn thành cự li trong khoảng thời gian có giới hạn) năm đó. Cái ác đã len lỏi một cách hèn hạ tại một sự kiện thể thao thuần khiết, ở môn thể thao cơ bản nhất của Olympic. Những người yêu mến Boston Marathon đã chứng tỏ họ không hề run sợ trước bọn khủng bố. Hai năm sau đó, Boston Marathon vẫn thu hút rất đông VĐV tham gia, lẫn khán giả đến theo dõi và cổ vũ.
(còn tiếp)