Boston Marathon - Giải chạy trong mơ của giới chạy bộ (Phần 2)

thứ năm 14-4-2016 17:26:33 +07:00 0 bình luận
"Đạt chuẩn Boston hay là Chết?" là câu cửa miệng, là “kim chỉ nam” của nhiều VĐV chạy thành tích cao trong khi luyện tập với ước mong ít nhất 1 lần được có mặt trong "thánh đường" của dân chạy bộ.

>> Boston Marathon - Giải chạy trong mơ của giới chạy bộ (Phần 1)

“B.Q” hay là chết?

Boston Marathon thuộc hệ thống 6 giải Marathon lớn nhất thế giới (6 World Marathon Majors) và nói không ngoa đây được coi là giải marathon nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Hầu hết các VĐV marathon đỉnh cao đều tập trung về giải đấu này để tranh tài. Năm 1996, Boston Marathon lập kỉ lục số người tham dự đông nhất lúc bấy giờ, với con số lên đến 38.708 người.

Sơ đồ đường chạy Boston Marathon (Ảnh: BAA)

Sơ đồ đường chạy Boston Marathon (Ảnh: BAA.org)

Do “cầu” vượt “cung”, số lượng đơn đăng ký từ khắp nơi trên thế giới đổ về quá lớn buộc BTC Boston Marathon phải điều chỉnh, nâng thành tích tiêu chuẩn tham gia giải lên cao hơn kể từ năm 2013. Ví dụ, một VĐV nam dưới 35 tuổi muốn đạt tiêu chuẩn tham dự Boston Marathon bắt buộc phải đạt thành tích 3 giờ 5 phút khi thi đấu ở một giải marathon được ghi nhận trong hệ thống của Hiệp hội các giải chạy Marathon quốc tế (AIMS). “B.Q or Die”- "Đạt chuẩn Boston hay là Chết" từ đó trở thành “kim chỉ nam”, câu cửa miệng của nhiều VĐV chạy đỉnh cao.

Thời gian tiêu chuẩn của Boston Marathon

Chuẩn tham dự Boston Marathon là một thách thức cực lớn với bất kỳ ai

Trong kỉ nguyên hiện đại, Boston Marathon phân chia thành phần tham dự theo cơ cấu: 20% số lượng VĐV dành cho các nhà tài trợ, các tổ chức từ thiện, các CLB địa phương... Do vậy, một VĐV muốn có mặt ở Boston Marathon hoặc phải rất nỗ lực để đạt thành tích xuất sắc (quá nhiều người có thành tích đạt chuẩn) hoặc quyên góp tiền từ thiện cho BTC (so với thu nhập của người Việt Nam thì số tiền này khá lớn). Boston Marathon thường mở nhận đơn đăng ký vào tháng 9 theo thứ tự từ cao xuống thấp. Lần lượt các VĐV có thành tích vượt chuẩn 20 phút, 10 phút, 5 phút sẽ được ưu tiên nhận trước trong các đợt khác nhau. Còn lại những người đủ chuẩn sẽ dành ưu tiên cho ai đăng ký sớm. BTC sẽ gửi thông báo kết quả sau khoảng 2 tuần.

CĐV nữ dành tặng nụ hôn cho VĐV chạy

CĐV nữ dành tặng nụ hôn cho VĐV chạy (Ảnh: Boston Globe)

Con dốc “đốn tim”

Boston Marathon được đánh giá là giải chạy khó nhằn không chỉ bởi gồm toàn các VĐV hàng đầu thế giới mà còn bởi đường chạy có đoạn dốc Heartbreak Hill khét tiếng mà các VĐV bắt buộc phải vượt qua trên con đường tiến đến đích. Con dốc với chênh lệch độ cao khoảng 30 m  trong đoạn đường 800 m, đúng như tên gọi của nó, có thể “đốn tim” bất kể VĐV nào. Thực tế, độ dốc của Newton Hills không quá lớn nhưng nó dễ dàng vắt kiệt sức của VĐV khi họ đã chạy được 20 dặm (hơn 30 km). Mốc 30 km là một mốc quan trọng trong cự li marathon bởi thể lực của VĐV lúc đó đã bị bào mòn đáng kể, dễ rơi vào trạng thái cạn kiệt sức lực (hit the wall). Do vậy, bên cạnh sự chuẩn bị thật tốt về thể lực, các VĐV còn cần có chiến thuật phù hợp để không bị hụt hơi, kiệt sức khi qua đoạn dốc này.

Nhóm nữ VĐV châu Phi chạy ngang qua đoạn dốc Heartbreak Hill

Nhóm nữ VĐV châu Phi chạy ngang qua đoạn dốc Heartbreak Hill (Ảnh: Boston.com)

Sự thống trị của người châu Phi

Nước Mỹ hiện vẫn là quốc gia có số lần vô địch Boston Marathon nhiều nhất thế giới với tổng cộng 60 lần ở 2 nội dung nam và nữ từ trước đến nay. Tuy nhiên trong vòng 2 thập kỉ trở lại đây, các VĐV châu Phi bắt đầu làm mưa làm gió, đặc biệt là các VĐV Kenya. Kể từ năm 1996, chỉ có 5 lần các VĐV đến từ lục địa đen chịu "nhường" vinh quang cho phần còn lại của thế giới. Vậy nên khi Meb Keflezighi, một VĐV người Mỹ, về đích đầu tiên tại Boston Marathon 2014, anh lập tức trở thành người hùng của nước Mỹ. Sau 31 năm trời mới có một người Mỹ lấy lại thể diện cho marathon xứ cờ hoa tại giả thi đấu danh giá được tổ chức ngay trên sân nhà . Ấn tượng hơn ở chỗ, Meb làm điều nay khi đã 39 tuổi, độ tuổi mà đa số VĐV chuyên nghiệp đã qua thời kì đỉnh cao.

Meb Keflezighi cán đích, người Mỹ nở mày nở mặt sau 31 năm chờ đợi

Meb Keflezighi cán đích đầu tiên, người Mỹ nở mày nở mặt sau 31 năm chờ đợi (Ảnh: Boston Globe)

Việt Nam và "biển lớn" Boston Marathon 

So với khu vực và thế giới, phong trào chạy bộ đường dài vẫn còn nhiều mới mẻ. Ngay cả ở trình độ chuyên nghiệp, các VĐV Việt Nam hầu như không có điều kiện tiếp cận ở sân chơi lớn này. Cơ hội tranh chấp vị trí tốp đầu gần như không có trong khi đó nếu muốn sang Mỹ để tham gia, học hỏi, giao lưu thì chi phí quá tốn kém. Hầu hết những người Việt Nam đã từng tham dự đều là dân chơi nghiệp dư, có điều kiện tài chính thuận lợi để đăng ký. Trong 5 giải gần đây nhất, chỉ có 2 người Việt Nam (đều là nam giới) có tên trong danh sách kết quả chính thức của Boston Marathon với thành tích rất khiêm tốn: 4 giờ 52 phút (2012) và 5 giờ 49 phút (2015). Ngoài ra, Boston 2015 còn có một cái tên đáng chú ý khác là Florian Deichmann. VĐV người Đức này với thông tin đăng ký cư trú ở Việt Nam có thành tích khá tốt. Anh chỉ mất 2 giờ 58 phút để hoàn thành cự li full marathon. Florian hiện vẫn đang công tác tại Việt Nam, sinh hoạt trong nhóm chạy Red River Runners (nhóm chạy của các bạn người nước ngoài tại Hà Nội) và là gương mặt quen thuộc trong cộng đồng chạy bộ phía Bắc.

Florian Deichmann tại giải bán marathon do Hội những người thích chạy đường dài tổ chức

Florian Deichmann tại giải bán marathon do Hội những người thích chạy đường dài tổ chức (Ảnh: LDR)

Tiêu chuẩn của Boston Marathon rất khó, nhưng đối với những VĐV chạy đường dài "không thể" là từ vốn dĩ không có trong từ điển của họ. Tương lai, Boston Marathon chắc chắn sẽ là cái đích vươn tới của nhiều người yêu chạy bộ tại Việt Nam. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm