Chạy 100km vượt núi Sa Pa khó "khủng khiếp" như thế nào?

thứ tư 4-10-2017 18:23:43 +07:00 0 bình luận
Chỉ có khoảng 50% số người đăng ký hoàn thành cự ly 100km cho thấy mức độ khốc liệt của cuộc đua gian khổ bậc nhất Việt Nam.

Cự ly 100km (thực tế dài hơn một chút) ở giải chạy Vietnam Mountain Marathon xứng đáng là cuộc thi thể thao khắc nghiệt nhất Việt Nam. Ở giải năm nay, số người hoàn thành là 55 người, bằng khoảng một nửa số VĐV đăng ký (112).

Các VĐV thất bại trong việc chinh phục cự ly “siêu khủng” với rất nhiều lý do khác nhau. Dù tỉ lệ thành công có cao hơn so với năm ngoái (hơn 30%) nhưng nó vẫn chứng tỏ cự ly 100km rất “khó nhằn” và chứa đựng rất nhiều rủi ro bất ngờ. Đây cũng chính là điều tạo nên sự hấp dẫn của cuộc đua địa hình cự ly siêu dài (ultra trail). 

VMM 2017, Việt Nam có 33 VĐV trong tổng số 112 VĐV

Việt Nam có 33 VĐV  (6 nữ) trong tổng số 112 VĐV đăng ký tham dự cự ly 100km. Ảnh: Nguyễn Đạt

Nhiều VĐV đã phải dừng cuộc chơi sớm vì chấn thương, gặp vấn đề về đường tiêu hóa, thân nhiệt giảm đột ngột..., thậm chí có người dừng lại một cách tiếc nuối khi chỉ còn cách đích “một ngọn núi”, sau khi đã đi được quãng đường dài 95km vì đã đến ngưỡng giới hạn của sự chịu đựng.

Xem video phỏng vấn Thanh Vũ, cô gái Việt Nam hoàn thành 4 giải marathon vượt sa mạc, trước giờ xuất phát 100km:

Những chia sẻ của một số VĐV về đích muộn hoặc DNF dưới đây sẽ cho thấy phần nào về sự khắc nghiệt của cự ly 100km chạy đường núi Sa Pa:

Sơ đồ đường chạy cự ly 100km VMM 2017
Sơ đồ đường chạy cự ly 100km VMM 2017. Ảnh: VMM
Mặt cắt đứng địa hình đường chạy 100km VMM 2017. 10 điểm CP (check point) trong đó có 5 điểm CP yêu cầu thời gian COT (cut-off time)
Mặt cắt đứng địa hình đường chạy 100km VMM 2017. 10 điểm CP (check point) trong đó có 5 điểm CP yêu cầu thời gian COT (cut-off time). Elevation khoảng 4300m. Ảnh: VMM

Xem video phỏng vấn VĐV Nguyễn Thị Đường, giải 3 cự ly 100km:

Cự ly 100km Vietnam Mountain Marathon 2017

Cao độ (Elevation): 4300m

Đỉnh cao nhất: 1780m

Giờ xuất phát: 10 giờ tối (thứ 6)

1 VĐV 100km trượt ngã xuống suối cách nơi xuất phát hơn 10km. Ảnh: SVCLB Run

Một VĐV 100km trượt ngã xuống suối cách nơi xuất phát hơn 10km. Ảnh: SVCLB Run

Nguyễn Xuân Cẩm Tú

Nhóm tuổi: 30-39

Kinh nghiệm chạy: 2 năm, từng hoàn thành cuộc thi 3 môn phối hợp Ironman 70.3 Vietnam

Quãng đường dài nhất từng chạy trước đây: 70km (VMM 2016)

 

Nguyễn Xuân Cẩm Tú
Nguyễn Xuân Cẩm Tú hoàn thành 100km VMM 2017 sau 25 giờ 53 phút. Ảnh: Nguyễn Đạt

Tôi đã không tập đủ cho lần chạy 100km này. Trong quá trình chuẩn bị, tôi mới chỉ chạy dài nhất 50km mà elevation không quá 500m và 1 lần leo núi Bà Đen. Hàng tuần, tôi chỉ chạy được 40-60km. Để làm quen, tôi cũng dành ra vài lần tập chạy đêm trước 0h.

Ngoài đồ bắt buộc phải mang do BTC yêu cầu, tôi có sử dụng gậy, mang theo 20 gói GU gels, protein bar (4), nature energy bar (6), pin (4) và vẫn thừa một ít khi về đích. Do ở Tp.HCM nên tôi không có nhiều điều kiện tập chạy trail như địa hình thực tế ở Sa Pa. 

Đoạn chạy trong đêm đối với tôi lại rất thích mặc dù tôi mấy lần phải "vồ ếch", lọt chân vô hố do đèn pin hơi tối. Vì Không quen dùng gậy nên tôi có cảm giác vướng víu khi cầm gậy, không dám chạy xuống dốc mà toàn phải ngồi bệt xuống để lết qua. Mới được nửa đường mà điện thoại của tôi hết pin nên không còn biết pace (tốc độ), thời gian, quãng đường dài như thế nào để điều chỉnh...gặp ai trên đường đều hỏi giờ mới biết gần COT (Cutoff time - thời gian tối đa cho phép hoàn thành một chặng đua), thế là lại cong mông chạy tiếp.

Đối với tôi đoạn sau CP3 và đường ruộng trước CP5 trơn, hẹp là đoạn khó khăn nhất. Nếu được làm lại, dĩ nhiên tôi muốn được tập luyện nhiều hơn không những tốt cho thể lực, kỹ năng mà còn cả tâm lý.

 Phỏng vấn VĐV Nguyễn Tiến Hùng, hạng 6 100km:

Đinh Hữu Toàn

Nhóm tuổi: 30-39

Kinh nghiệm chạy: gần 2 năm

Cự ly dài nhất: 70km (Vietnam Jungle Marathon 2017)

Cũng có người vẫn miệt mài ''ôn bài'' lại lần cuối, những lưu ý ghi chú trên suốt quãng đường 100km

VĐV Đinh Hữu Toàn dừng ở CP3 (64km). Ảnh: Nguyễn Đạt

Tôi chuẩn bị cho cuộc đua này từ đầu năm và chạy tăng dần từ 200km tới đỉnh điểm 500km/tháng (tháng 7). Cuối tuần, tôi có 2 buổi chạy dài liên tiếp (back-to-back) khoảng 30km/buổi để quen với việc chạy trong tình trạng cơ thể mệt mỏi. Ngoài ra, tôi cũng tập chạy xuyên đêm vài lần.

Ngoài đồ ăn hàng ngày, tôi uống các thực phẩm bổ sung, vitamins. Chạy ultra marathon khá tốn kém do phải trang bị đồ, muốn rẻ hơn thì chọn lựa đồ của các thương hiệu ít tên tuổi. Trước race, tôi gặp chấn thương nhẹ, ốm sụt sịt vài ngày, kế hoạch gia đình thay đổi nên cũng ảnh hưởng phần nào tới tâm lý. Đoạn 34km đầu chạy trong đêm khó hơn so với dự kiến của tôi và đoạn trước CP3, đường lên rất dốc đúng thời điểm giữa trưa nóng. 

Tôi đã DNF (không hoàn thành) khi dừng ở CP3. Thất vọng vì mình đã cố gắng rất, rất nhiều nhưng không được đền đáp. Nhưng tôi tin rằng những gì tôi đã làm, đã cố gắng đến một lúc nào đó, bằng một cách nào đó sẽ có tác dụng, như câu chuyện về Connecting The Dots của Steve Jobs. Tôi lại có thêm động lực để viết về thất bại của mình, tôi lựa chọn sẽ đối mặt với nó mà không lảng tránh. Tôi đăng ký chạy 100km với mong muốn thoát khỏi vùng an toàn (comfort-zone) của mình. Năm tới, tôi cần tập chạy barefoot và kỹ năng chạy trail nếu muốn chinh phục 100km.

Lương Ngọc Long

Nhóm tuổi: 30-39

Kinh nghiệm chạy: 11 tháng

Cự ly dài nhất từng chạy: 70km (Tamdao Mountain Trail 2017), 80km đường road

VĐV Long Luong thuộc CLB Trio 69

VĐV Lương Ngọc Long dừng ở CP5 (78km). Ảnh: Nguyễn Đạt

Tôi đã dành 2 tháng 7 và 8 để tập, trung bình 200km/tháng (6 giờ/tuần), có 2 buổi tập chạy xuyên đêm 24 giờ. Do đi công tác nhiều nên tôi không có nhiều thời gian cộng với tâm lý không thoải mái do gia đình lo lắng cho tôi. Việc duy chuyển cũng khá mệt mỏi, đi tàu tôi không ngủ được và bị say xe khi đi ra điểm xuất phát.  

Với tôi, đoạn đến trước CP103 là khó nhất. Tôi lạc đường đến 3 đoạn dài hơn 1km và mất thời gian loay hoay với gaiter bị tuột (bị tâm lý khi để nhiều người vượt qua) nên không dùng nữa và bỏ vào balo. Thời gian COT khá sít sao trước CP3 đến nỗi tôi rơi mũ mới mua khá đắt tiền mà không dám quay lại tìm vì sợ muộn. Đã có lúc tôi có suy nghĩ bỏ cuộc vì nghĩ không thể kịp. Tôi đã một lần ngã  trượt dài gần 5m khi xuống dốc đất sét trơn phải định thần lại mất mấy phút.

Sau khi cố gắng hết mức, tôi đã dừng lại ở CP5 do quá thời gian. Lần sau nếu có tham gia tôi sẽ hạn chế dừng chụp ảnh trên đường chạy và rút bớt thời gian nghỉ ở các CP. Ngoài ra, tôi cần tập đổ dốc cả downhill và uphill để cải thiện tốc độ.

Vũ Tùng

Nhóm tuổi: 20-29

Kinh nghiệm chạy: 1,5 năm

Quãng đường dài nhất: 70km (Vietnam Jungle Marathon 2017)

VĐV Vũ Tùng kiểm tra lại gậy

VĐV Vũ Tùng dừng lại tại CP1 (42km). Ảnh: Nguyễn Đạt

Tôi đã có suy nghĩ sẽ tham gia cự ly 100km sau khi hoàn thành 70km giải Vietnam Jungle Marathon. Đầu tháng 7, tôi bị viêm cân gan chân nên 2 tháng sau đó tập được rất ít. Trước ngày thi mấy hôm, cổ chân tôi thậm chí lúc đó còn không xoay được.

Biết đường chạy, đã từng chạy thử là một lợi thế. Tôi thật sự hãi dốc cuối đoạn 34km đầu tiên khi phải chạy đua với COT.
Khi đi gần được 42km (CP1) thì tôi bị đau đầu gối trái, đi bộ cũng thấy đau nên tôi đành bỏ cuộc. Do không được tập thường xuyên nên khi gặp khối lượng vận động nặng bất ngờ tôi gặp chấn thương.

Tôi không tiếc vì những trải nghiệm và kinh nghiệm mình có được từ thất bại này. Tôi thấy mình may mắn vì đã có mặt ở vạch xuất phát và đi được một quãng đường dài. Trước giờ, tôi lên giáo án tập mà chưa lần nào theo được hết. Sau thất bại này, tôi thật sự cần thay đổi cách tập nếu muốn nghĩ đến cự ly 100km.

Nguyễn Thị Thuyết

Nhóm tuổi: 20-29

Kinh nghiệm chạy: 2 năm 

Quãng đường dài nhất: 70km (VMM 2016)

5 VĐV nữ Việt Nam tham dự cự li 100km

5/6 VĐV nữ Việt Nam tham dự cự li 100km. Nguyễn Thị Thuyết (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: Nguyễn Đạt

Đêm tối là trở ngại lớn vì tôi nhìn đường không rõ nên có chỗ không khó lắm mà vẫn phải đi rón rén. Do bỏ nhiều sức để đua đến CP103 cho kịp giờ nên sau gối trái tôi dở chứng đau.

Dốc lên tuy mệt nhưng còn đỡ đau chứ khi đổ xuống đoạn bản Hồ dốc trơn tôi không chạy nổi vì đau. Về sau, sức đuối dần lại gặp nắng nên khi qua CP1 tới CP2, tôi cảm thấy vất vả hơn năm ngoái nhiều dù hồi chạy 70km thấy nó đơn giản lắm.

Cái khó của cự ly 100km là sức lực bị bào mòn theo COT chặng đầu nên càng về sau càng đuối và đau. Tôi nghĩ cự ly 100km khó hơn 70km ít nhất..2 lần.

Trịnh Hồng Minh

Nhóm tuổi: 20-29

Kinh nghiệm chạy: hơn 3 năm, từng hoàn thành cuộc thi 3 môn phối hợp Ironman 70.3 Vietnam

Quãng đường dài nhất: 70km (Tamdao Mountain Trail), 4 vòng hồ Tây (tương đương khoảng 60km).

Những nụ cười xua tan sự căng thẳng

Trịnh Hồng Minh (phải) hoàn thành 100km su 24 giờ 41 phút. Vũ Phương Thanh (Thanh Vũ, 22h05'). Nguyễn Trung Kiên (trái) bỏ cuộc sau hơn 30km do cơ thể lạnh đột ngột

Đoạn 34km đầu tiên tuy còn sung sức nhưng là trở ngại vì trời tối và uphill nhiều, dốc liên tục. Thời gian của các CP103 rồi CP3 rất sát buộc các VĐV phải di chuyển liên tục theo chiến thuật chạy ở đường bằng và xuống dốc kết hợp đi bộ nhanh khi lên dốc. Kể cả khi cơ thể đã dần cạn năng lượng thì vẫn luôn tiến về phía trước nếu không muốn bị quá giờ.

Leo lên đỉnh núi Đá bạc (Silverstone) chưa phải là thử thách cuối cùng mà điều đáng ngại nhất là đoạn đổ dốc khoảng 3km sau đó. Đường hoàn toàn đá cục rất khó, dễ bị lật cổ chân.

Tôi bị vấp mũi giày và ngã sấp xuống đường một lần khi đang đổ dốc tốc độ nhanh sau CP3, khoảng km65. Gậy bị cong, mắt cá chân và mu bàn chân bị va đập mạnh vào đá, chảy máu. Nhưng tôi không nghĩ về nó. Tôi tự cho chấn thương và mệt mỏi như một thể sống. Và chấn thương có nhiệm vụ của nó, cần làm tôi đau và làm tôi mệt. Nó cần hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó. Tôi không đếm xỉa đến nó, vì tôi sẽ làm đến cùng nhiệm vụ của tôi. Đó là bước qua vạch đích

Trên đường đua, tôi dùng gel có cafein. Uống nước từng lượng nhỏ, liên tục. Gel và viên muối đều mỗi giờ, xen kẽ nhau 30 phút mỗi lần. Giữ liên tục như vậy cho đến lúc hoàn thành chặng đường.

Lần này, tôi không có đôi giày tốt. Tôi dùng đôi giày Salomon X-Cream là dòng city trail. Giày cũ nên bị mòn và bị bong keo ở mũi giày. Tôi sẽ chuẩn bị tốt hơn, tập luyện đầy đủ hơn để cơ thể chịu đựng bền bỉ hơn, để chạy được nhiều hơn rút ngắn thời gian hơn cho lần tới.

Phỏng vấn VĐV Trần Duy Quang, VĐV Việt Nam đầu tiên vô địch 100km với thời gian kỷ lục 13 giờ 17 phút:

.

 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm